“Học thêm tự nguyện cần được khuyến khích”

(Dân trí) - Học thêm tự nguyện là một điều cần được khuyến khích. Đó chính là mục tiêu của khuyến học mà cả thế giới đều ca ngợi và chúng ta cũng mong muốn như được thể hiện trong các phong trào khuyến học ở các địa phương.

Học thêm và dạy thêm đã được đặt ra từ những năm 2000, nay lại đang là một chủ đề được nhiều người quan tâm. Trong những năm 1990-2000, phong trào dạy thêm và học thêm tập trung chủ yếu vào các lò luyện thi. Học sinh học thêm tuy là tự nguyện, song nếu không theo học thì chưa chắc đã có thể vào được đại học. Chính điều này đã tạo tiền đề cho phong trào dạy thêm và học thêm có tính chất tràn lan trong thời kỳ đó và một số năm sau này. Đến lúc chúng ta thay đổi cách ra đề thi vào đại học và không tổ chức thi theo trường thì việc dạy thêm này cũng đã có những thay đổi đáng kể.

Hiện nay dạy thêm và học thêm không chỉ ở những lớp cuối cấp các trường phổ thông mà ngay cả lớp một lớp hai cũng có. Và dạy thêm và học thêm cũng bao gồm cả hai yếu tố tích cực và tiêu cực, cả yếu tố muốn được học và phải đi học.

Bên cạnh học thêm tự nguyện còn có học thêm do thầy giáo tổ chức nhưng học sinh phải viết đơn xin học, và đương nhiên ai học thêm thì có điểm cao hơn. Vì thế dù học sinh không muốn vẫn phải "xin" học thêm.

Điều mà người dân quan tâm hiện nay về dạy thêm và học thêm chính là yếu tố tiêu cực của nó, và cũng chủ yếu là ở cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Bản thân học thêm là tự giác và tự nguyện

Học thêm và dạy thêm không chỉ có ở nước ta mà còn có ở nhiều nước trên thế giới. Trước đây, việc học thêm chủ yếu là do yêu cầu của các gia đình muốn nâng cao trình độ cho con em mình và họ thường tự tổ chức các lớp học thêm theo điều kiện của từng gia đình hoặc nhóm gia đình. Lúc đó cũng có những lớp dạy thêm do các thầy giáo tự tổ chức mà người học gồm cả học sinh của thầy lẫn học sinh của các lớp khác và thậm chí của các trường khác. Người học chủ yếu là các học sinh giỏi có thể hoàn thành tốt các bài tập của nhà trường mà vẫn còn thời gian để học thêm.

Cũng có lớp học thêm do yêu cầu của các gia đình có điều kiện kinh tế mà con em lại chỉ học ở mức trung bình hoặc yếu một số môn nào đó nên phải mời thầy đến nhà để kèm cặp thêm cho các cháu mà các cụ gọi là mời gia sư. Thầy dạy thêm thường là những người dạy giỏi và có trình độ học vấn tốt. Những lớp học thêm và dạy thêm như thế là hoàn toàn tự nguyện và đã thu được kết quả tốt, giúp học sinh có điều kiện nâng cao trình độ kiến thức một cách rõ rệt.

Học thêm tự nguyện là một điều cần được khuyến khích. Đó chính là mục tiêu của khuyến học mà cả thế giới đều ca ngợi và chúng ta cũng mong muốn như được thể hiện trong các phong trào khuyến học ở các địa phương.

Bản thân học thêm là tự giác và tự nguyện, là một nhu cầu chính đáng của xã hội. Nó đã và sẽ tồn tại trong xã hội khi mà con người còn phải đi học, khi mà còn có thầy và có trò.

Yếu tố làm tăng xu hướng dạy thêm

Trước hết chương trình học và sách giáo khoa của học sinh tiểu học trong những năm gần đây là quá nặng và quá tải.

Với các cháu học sinh mới 7- 10 tuổi đầu thì để học được và làm được bài như trong sách giáo khoa (SGK) và chương trình tiểu học mà theo cách học bình thường là không đủ thời gian. Tôi nhớ có bài tập về nhà của học sinh lớp 3 với câu hỏi "Em hãy kể các món ăn tốt cho bệnh tim mạch". Kiến thức này có thực sự cần thiết với học sinh lớp 3 không? Đáng tiếc là khi họp Quốc hội thì đại biểu ngành nào cũng hỏi tại sao không đưa thêm kiến thức này, kiến thức nọ vào trong các trường học, thậm chí cho học sinh tiểu học, trong khi đầu óc các cháu còn quá non nớt không thể ngốn hết một khối kiến thức quá lớn. Hãy khoan bàn chuyện sai sót của SGK mà cần nói ngay rằng SGK cho học sinh tiểu học của chúng ta càng ngày càng nặng nề, càng muốn nhồi nhét nhiều kiến thức mà không quan tâm đến việc các cháu có tiếp thu được và có cần hay không. Không những học sinh phải học quá tải mà thầy cô giáo cũng không đủ thời gian để truyền đạt kiến thức trong giờ chính khoá.

Ở nước ta, SGK viết theo kiểu cái gì người viết biết mà không theo kiểu cái gì là không thể thiếu với học sinh và phù hợp với lứa tuổi của chúng. Vì thế để giảm bớt dạy thêm và học thêm trước hết cần tinh giản bớt chương trình học cho các cháu (đặc biệt là bậc tiểu học). Chỉ nên học những kiến thức căn bản nhất mà thiếu nó thì không thể học được ở lớp sau. Nên tham khảo chương trình của các nước trong khu vực và trên thế giới, đừng bắt các cháu phải học quá nhiều, mất cả thời gian chơi như một nhu cầu tất yếu của tuổi thiếu niên.

Tiền lương tối thiểu cho giáo viên thấp hơn so với nhu cầu cuộc sống, đặc biệt là đối với giáo viên mới ra trường, nên giáo viên phải dạy thêm mới đủ sống.

Với giáo viên thì cách tốt nhất là dạy thêm, mặc dầu có người vẫn khắc phục khó khăn bằng các cách khác. Đó là chưa nói kinh tế thị trường làm cho ai cũng muốn làm giàu. Như vậy, tăng lương tối thiểu cho thầy cô giáo cũng là một biện pháp góp phần hạn chế việc dạy thêm không chính đáng. Còn dạy thêm và học thêm chính đáng là điều không nên hạn chế.

Cần có quy chế hợp lý về quản lý dạy thêm và học thêm

Học thêm và dạy thêm khi xuất phát từ nhu cầu thực sự của học sinh là một điều chính đáng. Vấn đề đặt ra là thế nào là chính đáng và thế nào là không chính đáng thì chỉ những người trong ngành giáo dục mới biết được và mới tìm được cách khắc phục.

Ở TP Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục thông báo không cho phép giáo viên dạy thêm cho học sinh mình đang dạy chính khóa, trong bất cứ trường hợp nào, kể cả trong trường hay ngoài trường. Giáo viên vi phạm sẽ bị xử lý. Theo tôi, cấm dạy thêm môn học mà thầy đang dạy cho chính học sinh của mình là cần thiết, song cần chọn cách phù hợp để không hạn chế học thêm tự nguyện thật sự chính đáng của các cháu.

Vì thế, tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng, là không thể cấm học thêm tự nguyện (VietNamNet, 31/8/2016). Mong rằng ngành Giáo dục sẽ tìm được giải pháp hợp lý để khuyến khích học thêm và dạy thêm chính đáng, hạn chế dạy thêm không chính đáng.

Học thêm tự nguyện gồm cả tự học và học có thầy giáo, kiểu mời thầy dạy hoặc tìm thầy để học, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế mà thiếu điều kiện để dạy dỗ con cháu, những cháu học giỏi muốn nâng cao trình độ, hoặc những những cháu học yếu muốn bổ sung kiến thức mà bản thân và gia đình không làm được. Đó là những trường hợp gia đình quá bận muốn gửi con cho thầy cô để vừa được học thêm vừa được rèn luyện thêm về đạo đức tư cách.

Theo tôi, việc nghiên cứu tìm ra một quy chế hợp lý để vừa khuyến khích được mặt tích cực vừa hạn chế được mặt tiêu cực của dạy thêm - học thêm sẽ góp phần đưa nền giáo dục của chúng ta phát triển, theo kịp trình độ các nước tiên tiến trong quá trình hội nhập.

GS.TS. Lê Đình Khả