Học tiếng Anh miễn phí với giáo viên nước ngoài

Trong khi nhiều trường không đủ khả năng mời giáo viên nước ngoài hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Anh thì 10 năm nay đã có một nguồn giáo viên bản ngữ tình nguyện dạy miễn phí tại Việt Nam...

Đó là những giáo viên tình nguyện của Tổ chức GAP (tổ chức từ thiện phi chính phủ có trụ sở đặt tại Anh). Trao đổi với chúng tôi về dự án này, ông Nguyễn Phúc Huy - đại diện GAP tại Việt Nam - cho biết: “GAP đã cử khoảng 2.000 tình nguyện viên đến 36 nước trên thế giới thực hiện các hoạt động từ thiện, trong đó có giảng dạy tiếng Anh.

 

Tại Việt Nam, GAP đã hợp tác với Bộ GD-ĐT từ năm 1996. Trong mười năm qua đã có 479 giáo viên được gửi đến 39 trường phổ thông, đại học, cao đẳng để hỗ trợ giảng dạy cho học sinh, sinh viên”.

 

Giáo viên tình nguyện được tuyển chọn và đảm bảo chuyên môn thế nào? Theo ông, động lực nào thúc đẩy họ tự bỏ chi phí tham gia dạy học miễn phí cho các nước?

 

Giáo viên tình nguyện là những bạn trẻ khoảng 18 tuổi có quốc tịch Anh hoặc Australia, chuẩn bị vào đại học. Họ được lựa chọn dựa trên học lực ở trường trung học và qua phỏng vấn của Tổ chức GAP. Sau đó họ được học một khóa ngắn hạn về phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài. GAP làm hết khả năng và trách nhiệm để bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như sự chuẩn bị đầy đủ của giáo viên tình nguyện trước khi đến dạy ở các nước.

 

Trong thời gian làm việc ở Việt Nam, họ sẽ tự lo chi phí khoảng 3.200 USD cho các khoản vé máy bay, khám chữa bệnh, điện thoại, chi phí bảo hiểm... và một số chi phí khác. Họ là những người có lý tưởng, muốn được đi xa đến các nơi trên thế giới để giúp đỡ người khác và muốn làm những việc gì đó để mở rộng sự giao lưu giữa mọi người trên thế giới.

 

Ngoài ra, họ hiểu rằng chính họ cũng có lợi khi trải qua các kinh nghiệm trong khoảng thời gian sống xa gia đình này. Ở các nước, HSSV tham gia những hoạt động này thường được các trường đại học, các công ty đánh giá cao.

 

Các trường tiếp nhận giáo viên tình nguyện phải có trách nhiệm thế nào, chịu chi phí gì, thưa ông?

 

Mỗi trường tham gia sẽ được gửi hai giáo viên tình nguyện. Họ phải được xem là giáo viên của trường, cơ sở tiếp nhận phải có trách nhiệm thiết kế chương trình giảng dạy cũng như cung cấp tất cả những tài liệu giảng dạy cần thiết, tạo điều kiện cho họ hoàn thành công việc.

 

Giáo viên tình nguyện trợ giảng trên lớp với thời gian tối đa 20 giờ/tuần. Giáo viên tình nguyện không nhận lương tháng, nhưng cơ sở tiếp nhận sẽ phải cung cấp một số khoản như nhà ở (ở trong trường hoặc nhà khách, nhà thuê), lo ăn uống (hoặc cấp khoản tiền ăn hằng tháng), phương tiện đi lại cần thiết (thông thường là xe đạp), trang thiết bị để giáo viên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ và khoản phụ cấp tối thiểu 600.000 đồng/tháng .

 

Thỏa thuận hợp tác giữa GAP và nhà trường sẽ kéo dài bao lâu? Vì sao những trường tham gia dự án đa số ở khu vực phía bắc và trường ngoài công lập? Có sự phân chia khu vực ở đây không, thưa ông?

 

Theo thỏa thuận, các giáo viên sẽ làm việc trong một học kỳ, sang học kỳ sau GAP sẽ gửi hai giáo viên khác qua thay thế. Thỏa thuận này không có thời hạn nhưng có điều kiện. Nếu đơn vị nhận giáo viên tình nguyện tổ chức dạy có hiệu quả, GAP sẽ tiếp tục gửi giáo viên. Ngược lại nếu đơn vị tổ chức không hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu đề ra trong thảo thuận, không khai thác hết tiềm năng của giáo viên bản ngữ thì GAP sẽ ngưng và chuyển dự án sang trường khác.

 

Từ trước đến nay thông tin về dự án này không công khai, chỉ đơn vị nào biết thì gửi đơn xin tham gia. Đa số các trường biết qua trung gian trường bạn, có lẽ vì vậy số trường phía bắc nhiều hơn, cũng như trường dân lập có lẽ do họ năng động, nhanh nhạy hơn trường công lập và giáo viên nước ngoài cũng là tiêu chí thu hút học sinh đối với họ.

 

Tuy nhiên, trong thỏa thuận sau này, GAP quy định chỉ những cơ sở ở cách TP có đại diện của GAP (Hà Nội, TPHCM) không quá sáu giờ đi bằng đường bộ mới được tham gia dự án. Quy định này nhằm khi có sự cố với các giáo viên tình nguyện (tai nạn, ốm đau...), GAP có thể hỗ trợ khẩn cấp được.

 

Như vậy, một trường muốn được nhận giáo viên tình nguyện phải có yêu cầu gì, thủ tục ra sao, thưa ông?

 

Muốn tham gia dự án, đơn vị (từ mầm non trở lên) làm đơn xin giáo viên tình nguyện của Tổ chức GAP. Những trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ GD-ĐT thì gửi đơn thẳng cho ông Nguyễn Xuân Hải, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ GD-ĐT. Nếu là trường trực thuộc sở GD-ĐT các tỉnh, thành thì gửi đơn qua sở GD-ĐT, sở sẽ chuyển qua bộ, bên ngoài ghi rõ tên người nhận là ông Nguyễn Xuân Hải.

 

Nhận được đơn, GAP sẽ gửi tài liệu văn bản hợp tác và tất cả nội dung thực hiện để trường nghiên cứu. Nếu đáp ứng sẽ thực hiện quy trình, thủ tục tham gia. Một trong những quy trình là ông Giám đốc GAP sẽ đến tận trường khảo sát xem có đáp ứng yêu cầu hay không.

 

Theo Kim Liên
Tuổi Trẻ