Học toán miễn phí trên YouTube

(Dân trí) - Để nắm vững từ những kiến thức toán học từ đơn giản cho đến phức tạp, hàng ngàn người trên khắp thế giới, đặc biệt là các sinh viên đang truy cập mỗi ngày vào một “thư viện” trên trang web chia sẻ video YouTube chứa gần 1.200 video hướng dẫn.

Người tạo ra những đoạn video clip phổ biến này là anh Salman Khan, 33 tuổi, tốt nghiệp bằng MBA của trường đại học danh tiếng Harvard Business School. Anh Khan cũng sở hữu bằng cử nhân toán học và bằng thạc sỹ chuyên ngành kỹ thuật điện và khoa học máy tính của Viện Công nghệ Massachusetts.

Học toán miễn phí trên YouTube - 1
Anh Salman Khan, tác giả của những video clip dạy toán trên Youtube.

Anh Khan cho biết mỗi video của anh không bao giờ dài quá 20 phút và khẳng định nó sẽ giúp bổ sung cho một số thiếu sót trong cách học truyền thống trên nhà trường. Bên cạnh Toán học, anh Khan còn thực hiện các video clip hướng dẫn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Kinh tế học, Thống kê và Tài chính cho học sinh, sinh viên đủ mọi cấp học khác nhau, từ trẻ mẫu giáo cho đến sinh viên đại học.

Anh Khan đã tận dụng các chương trình phần mềm đơn giản để vẽ đồ thị, biểu đồ và viết các lời giải thích về chủ đề trong đoạn video.

Các đoạn video clip này nhận được khoảng 60.000 lượt xem mỗi ngày và tính đến nay, chúng đã nhận được tổng cộng 12 triệu lượt xem kể từ khi anh Khan bắt đầu đăng tải chúng lên mạng cách đây 5 năm.

Trong số 200.000 lượt khách truy cập một tháng, trang web http://www.khanacademy.org/ của Khan thu hút sinh viên đến từ Anh, Canada, Úc, Ý, Thụy Điển, Ấn Độ, Trung Đông và Singapore.

Anh Khan chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ gắn bó với công việc làm gia sư như hiện nay. Nhưng vào năm 2004, anh đã nhận lời giúp dạy kèm một người anh em họ môn đại số. Chỉ có điều, hai người lại sống ở hai thành phố khác nhau nên anh Khan buộc phải làm gia sư trực tuyến.

Sau đó, những gia đình khác và bạn bè của Khan cũng muốn tham gia lớp học trực tuyến này. Số học sinh của anh tăng lên hơn chục người. Việc soạn các bài giảng trở thành một vấn đề phức tạp và cuối cùng anh quyết định ghi âm lại và tải chúng lên trang web chia sẻ video phổ biến YouTube. Điều bất ngờ đối với Khan là sinh viên trên khắp thế giới bắt đầu truy cập vào các bài giảng này.

Pei Chi, một sinh viên chuyên ngành công nghệ sinh học tại Temasek Polytechnic - Học viện Quốc lập hàng đầu ở Singapore là một trong số những “học trò” trực tuyến của anh Khan. Kể từ năm ngoái, cô đã sử dụng những video clip của thầy Khan để cải thiện môn Toán, vốn là môn yếu của cô. “Không phải tất cả các giáo viên đều hoàn hảo để có thể giúp cải thiện các điểm số của tôi tốt như thế này”, Pei Chi nói.

Sau một vài năm phải làm các video vào ban đêm trong khi làm việc toàn thời gian trong ngày, anh Khan quyết dịnh lập ra tổ chức phi lợi nhuận Khan Academy vào năm 2008 và tháng 9/2009, anh đã nghỉ việc.

Khan khẳng định không có giới hạn nào cho những đoạn video mà anh có thể tạo ra. “Tôi tập trung vào toán học và khoa học bởi vì đó là những lĩnh vực có nhu cầu lớn nhất”, anh Khan nói. Anh cũng muốn cung cấp các bài giảng trong “gần như tất cả mọi lĩnh vực” từ ngữ pháp, triết học cho đến luật.

Việc dạy gia sư qua những video này cũng không có điểm cuối. Người sử dụng có thể đăng nhập vào một ứng dụng web để tạo ra những vấn đề bất tận về bất cứ chủ để nào cho sinh viên giải quyết chúng. Nếu họ gặp khó khăn thì đó có những gợi ý về cách thức tiến hành bước tiếp theo và các liên kết đến những video giải thích. Phía sau màn hình, một công cụ phân tích sẽ theo dõi sự tiến bộ của sinh viên.

 “Nó giải quyết những chỗ hở của mô hình lớp học truyền thống”, Khan giải thích. “Trong một lớp học, giáo viên giảng bài cho một học sinh trung bình, tiếp theo là ra bài tập về nhà, vì thế có rất ít sự trợ giúp cho học sinh nếu họ gặp khó khăn. Mọi việc cứ diễn ra như thế cho đến các bài kiểm tra và cả lớp chuyển sang bài học mới, không có gì lạ nếu em học sinh trung bình đó lại nhận điểm C”.

Khan Academy đã cải thiện điều đó bằng cách cho học sinh tự thực hành cho đến khi các em đạt được trình độ thông thạo nhất định, đó là trả lời đúng 10 câu hỏi trong một hàng. Làm được điều đó, học sinh mới được chuyển sang bài học tiếp theo.

Tất cả điều này đều miễn phí. Khan chỉ kiếm được 1.500 USD một tháng từ những quảng cáo mà YouTube chèn vào các video của anh. Số tiền đó đủ để Khan trả phí cho máy chủ và phí mạng Internet. Khan hy vọng có thể “tự lực cánh sinh” trong một năm và đang thảo luận với các quỹ từ thiện để anh có thể mở rộng hoạt động này của mình.

Về lâu dài, anh Khan dự tính thành lập và điều hành một trường học ảo trên khắp thế giới để học sinh có thể tương tác với nhau trong một môi trường học tập.

Võ Hiền
Theo The Straits Times