Học trò đi chơi xa: Cẩn trọng!

Giáo viên không được phép dẫn học sinh đi chơi. Bố mẹ không có thời gian để giám sát hoạt động của con em mình. Và rồi, nhiều chuyện đáng tiếc xảy ra sau những chuyến... dã ngoại của học trò.

Năm trước, có dịp ghé lại một mái ấm dành cho những bà mẹ trẻ. Tình cờ gặp H, cô học trò lớp 11 khá xinh xắn. H bỏ học giữa chừng để chuẩn bị sinh con vào lúc các bạn của mình đang tung tăng đến trường.

Chuyện xảy ra khi một nhóm bạn trong lớp H tổ chức đi Đà Lạt để nghỉ xả hơi và chia tay nhau trước khi nghỉ hè. H được phép bố mẹ cho đi Đà Lạt sau khi nói dối: "Có thầy chủ nhiệm và một thầy phụ trách đoàn đi cùng".

Nhưng chuyến đi chơi ấy hoàn toàn không có người lớn. H rủ thêm người bạn trai học ở một trường khác. Và chuyện gì đến đã đến.

Một chuyên gia tư vấn tâm lý cho biết, khá nhiều học sinh, có em mới lớp 7, đến tư vấn cách giải quyết hậu quả sau những chuyến đi dã ngoại, picnic với lớp.

Cách đây mấy hôm, một học sinh ở mãi Cần Thơ gọi điện khóc lóc với chuyên viên vì đã lỡ trong đợt đi cắm trại vào dịp 26/03 vừa rồi.

Chuyên gia này còn khẳng định: "Sau mỗi dịp lễ, nghỉ hè số khách tư vấn ở lứa tuổi HS tăng lên đáng kể. Và rất nhiều ca, chuyện xảy ra do những chuyến đi tham quan, dã ngoại do các em tổ chức. Cũng có nhiều học sinh đến để tư vấn về mối quan hệ bạn bè bị rạn nứt sau những chuyến đi picnic".

Cũng một câu chuyện từ chuyên viên tư vấn. Nhóm bạn khoảng 20 học sinh tổ chức đi tham quan, ở lại đêm tại biển. Ban ngày, cả nhóm ăn uống, vui chơi với nhau. Nhưng tối đến, ai có bạn trai thì... đi riêng.

Và theo như em đó biết, có 4 bạn gái khác cũng đang lo lắng như em - không biết mình có mang thai không, không biết sau này có bị ảnh hưởng gì không.

Năm nào cũng thế, cứ đến cuối năm học, cô Mai Hoàng, giáo viên 1 trường cấp 3 ở Đồng Nai, cứ phải tìm ra nhiều lý do để khuyên học sinh không nên tổ chức đi chơi và từ chối không biết bao nhiêu lời mời.

Theo quy định của nhà trường, thầy cô giáo không được phép tổ chức dẫn học sinh đi du lịch, dã ngoại. Nhưng nhiều học sinh không hiểu, cho rằng thầy cô giáo không thương học sinh, không hoà đồng.

Cô Mai Hoàng cho biết: "Các học sinh, nhất là các lớp cuối cấp, muốn có những kỷ niệm đẹp trước khi chia tay trường lớp. Nhưng lại không biết rằng, có khá nhiều chuyện rủi ro. Không một giáo viên nào dám đứng ra tổ chức cho cả lớp đi chơi".

Cô Mai Hoàng cũng khuyên rằng: "Có khá nhiều cách để giữ lại kỷ niệm của tuổi học trò". Như cô Hoàng đã tổ chức 1 buổi liên hoan ngay tại nhà để các học trò của mình có nhiều thời gian ngồi lại, tâm sự với nhau. Hoặc cũng có những buổi sinh hoạt tại công viên, chỉ vài giờ đồng hồ, rồi ai về nhà nấy.

Cô giáo Ngọc Hân cũng không ít lần đau đầu vì chuyện lớp tự ý tổ chức đi chơi vào dịp hè. Mới năm trước, các em thi tốt nghiệp xong, đóng 500.000 đồng thuê xe đi Đà Lạt. Gặp cô giáo, trình bày là có phụ huynh đi cùng. Về xin tiền bố mẹ thì bảo là cô chủ nhiệm tổ chức. Cũng may, một phụ huynh quan tâm đến con, gọi điện đến hỏi cô Hân về chuyến đi. Lúc này, cô giáo phải đứng ra giàn xếp để huỷ chuyến.

Cô Hân băn khoăn: "Các em không có một kế hoạch gì cụ thể cả. Hỏi lên Đà Lạt ngủ đâu cũng lắc đầu, đi chơi chỗ nào cũng không biết... Chỉ biết là đi tới đó thôi".

Năm nào cũng thế, các dịp lễ, nghỉ hè, nhiều giáo viên chủ nhiệm luôn phải dùng biện pháp mạnh để ngăn cản những chuyến đi du lịch dài ngày của tập thể lớp hay một nhóm học sinh.

Nhiều học sinh không lường hết những nguy hiểm nên thường lén tổ chức những chuyến đi như thế với lý do "muốn có nhiều kỷ niệm đẹp, muốn bạn bè xích lại gần nhau hơn".

Theo Trúc Mai
Vietnamnet