Học trò đưa bà bán vé số, chú thương binh vào... bài làm văn

(Dân trí) - Người bà cùng với đứa cháu bị bệnh về não rong ruổi bán vé số trên đường phố Sài Gòn đã được nhóm học trò Trường THCS Văn Lang, TPHCM đưa vào trong dự án học Văn của mình.

Tham gia dự án học Văn “Chuyện đời quanh em” của trường, học sinh sẽ tự tìm kiếm nhân vật, câu chuyện cuộc đời của họ và thể hiện qua các thước phim, hình ảnh, truyện ngắn, viết nhật ký. Thông qua sản phẩm của các em, những số phận bình dị, có thật trong cuộc sống được tái hiện một cách chân thật đủ sức lay động lòng người.

Chuyện hai bà cháu bán vé số

Bạn Xuân Hiền, học sinh lớp 9, một thành viên của một trong các nhóm dự án kể, thường ngày đi học qua giao lộ đường Trần Quốc Thảo - Trần Quốc Toản, quận 3, các em nhìn thấy hình ảnh bà cụ nheo mắt giữa ánh nắng chói chang, da sạm đen, miệng cười tươi rói bán vé số bên vỉa hè nhưng không che nổi những khắc khổ in rõ trên khuôn mặt. Bên cạnh bà là đứa bé tầm 6 - 7 tuổi mà lẽ ra giờ này em phải chạy nhảy ở trường học.

Hình ảnh hai bà cháu bán vé số giữa trung tâm thành phố đã lôi kéo sự chú ý của các em học sinh
Hình ảnh hai bà cháu bán vé số giữa trung tâm thành phố đã lôi kéo sự chú ý của các em học sinh

Từ ấn tượng đó, nhóm của Hiền quyết định “tiếp cận” hai bà cháu. Các em chia nhau ra, em đứng trông xe, em nào khéo ăn nói thì dẫn đoàn... đến làm quen. Cũng là lần đầu tiên trong đời, những cô cậu học trò có cơ hội quan tâm, hỏi han, lắng nghe câu chuyện của một người bên vỉa hè mà hàng ngày các em gặp không ít.

Các em làm quen, tiếp xúc, trò chuyện, hỏi han... và biết thêm rất nhiều về mảnh đời sau những tấm vé
Các em làm quen, tiếp xúc, trò chuyện, hỏi han... và biết thêm rất nhiều về mảnh đời sau những tấm vé

Để rồi các em ngỡ ra nhiều điều làm cảm xúc, trái tim mình thổn thức khi biết bà ở tận Bình Chánh, hàng ngày lặn lội hàng chục cây số vào trung tâm đến bán vé hơn 10 năm nay; biết rằng đứa cháu của bà bị một căn bệnh về não, em chỉ đi học tại một lớp học tình thương; biết rằng bà cũng ước có một việc gì đó cho đỡ mệt đứa cháu; biết rằng nhiều hôm giữa trưa bà xây xẩm mặt mày vì hoa mắt chóng mặt; hay biết rằng nhiều bữa bà nhịn ăn sáng đi bán vé...

Hay nghẹn đắng khi biết bà đi chân đất vì chỉ có một đôi dép thì để cho thằng cháu đi!

Một học trò trong nhóm đã viết những dòng cảm xúc của mình đã tự hỏi rằng những yêu thương trong sách vở các em học được chính là đây? Những con người đang mải mê chạy theo tiền bạc có thấy chăng, một đời chạy theo vật chất, nhiều tiền đến mấy cũng không đủ đánh đổi chút ít cái gọi là yêu thương?

Học trò đưa bà bán vé số, chú thương binh vào... bài làm văn - 3

Câu chuyện của bà bán vé số Tô Thị Hồng Xứng, 63 tuổi xuất hiện trong dự án của các em thể hiện sống động qua hình ảnh, clip cũng như từng dòng nhật ký các em ghi lại.
Câu chuyện của bà bán vé số Tô Thị Hồng Xứng, 63 tuổi xuất hiện trong dự án của các em thể hiện sống động qua hình ảnh, clip cũng như từng dòng nhật ký các em ghi lại.

Tên dự án “Hạnh phúc là gì?” như một sự đánh thức. Giữa bộn bề lo toan, mưu sinh hạnh phúc hàng ngày của một bà cụ là mong nhanh bán hết vé để bắt xe buýt về Bình Chánh - để gặp ông, cũng đi bán vé số để cả gia đình 3 người cùng ăn cơm, cùng nói chuyện...

Gặp bà Xứng bán vé số trong hôm tổng kết dự án, bà cười nói với PV Dân trí: Đời tui thay đổi vì... mấy đứa học trò chứ không phải vì trúng số. Hóa ra có những người quan tâm, lắng nghe và chia sẻ với mình. Chưa ai từng hỏi tui "Hạnh phúc là gì?', mà tôi cũng chưa bao giờ hỏi mình... nhờ mấy đứa mà tui nhận ra mình đang rất hạnh phúc.

Ngôi nhà ghe

Một nhóm khác cũng rong ruổi đi tìm nhân vật cho bài học Văn của mình, khi đi xe buýt đến chân cầu Rạch Bàn, quận 7 đã xúc động thấy hình ảnh một gia đình quây quần bên mâm cơm, cả nhà cười đùa hạnh phúc trên một chiếc ghe nhỏ đã cũ nát ngay dưới chân cầu. Đó cũng là căn nhà sinh sống của gia đình chú Lê Văn Đực - các em học sinh chưa từng nghĩ có căn nhà như vậy giữa Sài Gòn.

Học trò Trường THCS Văn Lang, TPHCM lăn xả xuống căn nhà ghe của chú thương binh Lê Văn Đực ở gầm cầu để học Văn
Học trò Trường THCS Văn Lang, TPHCM "lăn xả" xuống căn nhà ghe của chú thương binh Lê Văn Đực ở gầm cầu để học Văn

Từ “căn nhà” đó các em học sinh đã kể lại cuộc sống chú Đực - là người lính tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam trở về cuộc sống hòa bình niềm vui lẫn nỗi đau chồng chất: chú mất đi một chân và sau đó, người vợ mà chú nguyện dành trọn trái tim lại qua đời vì bệnh tật.

Cuộc sống khó khăn, đất đai không có, người thương binh ấy dùng chiếc ghe đánh bắt tôm cá để mưu sinh trong cuộc sống cô độc nay đây mai đó. Sau này, chú gặp người vợ hiện tại, hai người kết duyên và bé Diễm My ra đời. Vì con, vợ chồng chú quyết định “an cư”, neo bến chân cầu Rạch Bàn làm điểm dừng chân. Chú đi bán vé số, cô bán nước ở bờ đường.

Trước khi đến trường, bé My được một cô giáo đến tình nguyện dạy học cho em. Nhìn con mình mà thương con người, chú Đực nhặt nhạnh từng khúc gỗ làm một cái chòi mà chú gọi là “lớp học” để kéo những đứa trẻ nghèo khó xung quanh không có điều kiện tới trường đến học cùng.

“Có những người không tin vào siêu anh hùng, có lẽ vì họ chưa gặp cha tôi”, các em ghi lại lời của bé My, con chú Đực
“Có những người không tin vào siêu anh hùng, có lẽ vì họ chưa gặp cha tôi”, các em ghi lại lời của bé My, con chú Đực

Dự án của các em kể: Sau này My chính thức được đến trường thì hàng ngày hạnh phúc lớn nhất của chú Đực là đèo con bằng một chân đi học trên chiếc xe đạp cũ kỹ được tặng.

Giây phút đó dường như giúp người cha vơi đi những lo toan, cực nhọc trong cuộc sống hàng ngày vợ chồng phải đối mặt. Đó là những đêm cả gia đình thức trắng vì nước tràn vào ghe, chú Đực tay vừa bế con vừa cùng vợ tát nước để ghe khỏi chìm; hay những đêm mưa to gió lớn chạy lên đất liền lánh nạn mà không khỏi lo lắng tài sản trong nhà - quý nhất là sách vở của con bị trôi mất; đó là những lúc vợ chồng đau bệnh, hết tiền vẫn cười lạc quan trước con gái...

Điều cao cả mà người cha nghèo khó về tiền bạc, vật chất này làm cho con gái theo phát hiện của các em học sinh là: Chiều tối của chú là của bé My. Chú trò chuyện, chơi đùa, học bài cùng với con gái. Các em ghi lại lời bé My: “Có những người không tin vào siêu anh hùng, có lẽ vì họ chưa gặp cha tôi”.

“Ai bảo hạnh phúc là phải có tiền, phải có nhà cao cửa rộng?”, câu hỏi được các em học sinh cấp 2 đặt ra và cũng như đã tự trả lời cho mình sau khi rời căn nhà ghe của chú Đực.

Học trò kết nối những tấm lòng

Không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận nhân vật để hoàn thành các sản phẩm, dự án học Văn “Chuyện đời quanh em” của Trường THCS Văn Lang còn có giai đoạn lan tỏa với các hoạt động thiện nguyện, kết nối thiết thực.

Nhóm dự án về “Ngôi nhà ghe” đã tự viết bài về câu chuyện gửi đến báo Nhi Đồng. Một học trò là học sinh lớp 2 khi biết chuyện, đã tự đập ống heo mình để dành suốt một năm để tặng bé My. Em cũng kể lại câu chuyện cho bố mẹ mình và gia đình đã rủ bé My đi sắm quần áo Tết.

Còn nhóm dự án “Hạnh phúc ở đâu?”, sau khi hoàn thành, sản phẩm của các bạn được cô Lan Anh, giáo viên ở Trường THPT Thủ Đức đưa đến lớp chuyển tải đến học sinh của mình. Khi nghe câu chuyện về bà cháu bán vé số, các em học sinh nghẹn ngào và đề nghị cô Lan Anh mở quyên góp ủng hộ bà Xứng.

Các bạn trong nhóm dự án cũng tham gia vào hoạt động bán sách và gom góp lại biếu bà Xứng; nhiều giáo viên trong trường biết đến câu chuyện, khi gặp hai bà cháu cũng đã rút một ngày lương hay mua vé số hỗ trợ bà khi bà và cháu được mời đến trường tham dự tổng kết dự án.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục