Học trò hỏi “sốc” về.... chuyện người lớn

(Dân trí) - Vì còn tìm cách né tránh nên phụ huynh, giáo viên không khỏi bủn rủn khi nghe thắc mắc về tình yêu của học trò. Trong khi “chuyện người lớn” bây giờ không còn là "chuyện trên trời" đối với các em.

Học trò thắc mắc về chuyện “vượt rào”

“Bạn trai trên em một lớp. Khi đi chơi, anh ấy không chỉ là cái cầm tay, ôm hôn mà đòi hỏi phải tiến xa hơn nữa. Nhiều người bạn của em cũng đã quan hệ, em đang rất lăn tăn vì vừa sợ vừa muốn thử”.

“Nhóm của em có 5 người đều đã có bạn trai, có nhiều bạn đã thay mấy đời người yêu. Khi yêu các bạn đi nhà nghỉ là chuyện hết sức bình thường. Trong lớp, những bạn có người yêu thì hầu hết các bạn đã quan hệ tình dục. Làm cách nào để quan hệ mà tránh được hậu quả?”.

Học trò hỏi “sốc” về.... chuyện người lớn

Đó là những tình huống của học trò ở lứa tuổi cấp 2, 3 được các giáo viên tại TPHCM chia sẻ tại buổi tập huấn về tâm lý học sinh (HS). Trước những thắc mắc bạo dạn về tình cảm nam nữ của HS, nhiều giáo viên thừa nhận họ thật sự lúng túng không biết nên giải đáp, xử lý thế nào nên họ tìm cách né tránh hoặc trả lời chung chung. Nhất là có những tình huống, câu hỏi nghe xong giáo viên cũng "đỏ mặt". 

Thực tế hiện nay, các em HS không còn ngần ngại khi đặt câu hỏi về chuyện tình cảm nam nữ như tỏ tình, thất tình hay đến những chuyện “vượt rào” của mình.

Đứng trước bạn bè và thầy cô trong một buổi tư vấn tâm lý, một HS lớp 11 của trường H.V (Q.5, TPHCM) kể về trường hợp của mình với chuyên gia: “Chúng em yêu nhau và bạn gái em có bầu. Bây giờ bọn em phải làm thế nào? Em nên đưa bạn gái em đi phá thai hay là giữ lại?”.

Một số câu hỏi thắc mắc về chuyện người lớn của học trò gửi đến phòng tư vấn học đường. 
Một số câu hỏi thắc mắc về "chuyện người lớn" của học trò gửi đến phòng tư vấn học đường. 

Ghi nhận tại phòng tâm lý học đường của Trường THPT Marie Curie, Q.3, TPHCM, trong các câu hỏi của học trò rất nhiều nội dung liên quan đến chuyện “người lớn” mà chính các em đã và đang trải qua. Trong đó, có nhiều câu thẳng thẳng như quan hệ thế nào cho an toàn? Tình yêu có đi liền với tình dục không?

Theo chuyên gia tâm lý của trường, khi đọc những câu hỏi này, nhiều phụ huynh và giáo viên sẽ choáng, không tin trẻ lại quan tâm đến những vấn đề đó. Nhưng những câu hỏi đó chỉ mới là một phần rất nhỏ thể hiện sự quan tâm của các em về sức khỏe sinh sản, tình dục.

Người lớn hoảng, trẻ sẽ “tự bơi”

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên GĐ Trung tâm truyền thông - Giáo dục sức khỏe TPHCM cho hay, trong quá trình công tác của mình, ông nhận được vô vàn những lá thư thắc mắc của tuổi mới lớn. Vài ba năm trước, tại những buổi trò chuyện về giới tính ở các trường trung học, đã ít nhiều có chuyển biến trong nhìn nhận của các em về sức khỏe giới tính, sinh sản nhưng đến nay các em đã đặt ra những câu hỏi thẳng thừng.

Điều đó cho thấy rõ có một sự thay đổi lớn về nếp nghĩ, nếp sống trong lĩnh vực này của giới trẻ mà chúng ta không thể không quan tâm. Tuy nhiên, cái khó hiện nay, theo bác sĩ Ngọc, phụ huynh còn nặng tâm lý giao phó việc giáo dục giới tính cho nhà trường. Trong khi thầy cô ở trường cũng e ngại nên các em có khuynh hướng chia sẻ, gẫn gũi với thế giới bên ngoài hơn dẫn đến dễ bị ảnh hưởng những bởi những trào lưu, ngộ nhận sai lệch.

Một số câu hỏi thắc mắc về chuyện người lớn của học trò gửi đến phòng tư vấn học đường. 
Giáo viên lúng túng trước một số tình huống, câu hỏi của học trò về vấn đề sức khỏe giới tính, sinh sản được đưa ra trong chương trình tập huấn về tâm lý học đường tại TPHCM. 

PGS. TS Vũ Thị Nhung - Chủ tịch Hội phụ sản TPHCM cho hay, bây giờ các em HS mới cấp 2 nhắc không ngại ngùng về những các vấn đề về tình dục, chuyện bầu bí. Hàng ngày các em tiếp xúc đầy rẫy trên mạng  hoặc biết đến khi bạn bè hoặc chính bản thân trải qua. 

“Các em đang bị tác động rất nhiều từ văn hóa bên ngoài xâm nhập vào nhưng người lớn chúng ta vẫn đang nặng tâm lý né tránh. Chúng tôi đến nhiều trường tổ chức tư vấn về sức khỏe tình dục, sinh sản nhưng nhiều phụ huynh không đồng ý cho rằng con mình còn nhỏ, không được tìm hiểu về vấn đề này. Chỉ khi hậu quả đáng tiếc xảy ra với con thì họ lại ngỡ ngàng, không tin nổi”, bà Nhung nói.

Một thực tế đáng ngại là trước những thắc mắc của con trẻ, phụ huynh và giáo viên thường mất bình tĩnh, choáng váng với suy nghĩ của con nên thường phản ứng cách chê trách, cấm đoán chứ không phải là những giải đáp, chia sẻ. 

Các chuyên gia nhấn mạnh, thái độ hoảng hốt, sốc của người lớn trước những thắc mắc đó sẽ làm các em thu mình, ngại chia sẻ và “tự bơi” từ các nguồn thông tin không chính thống. Hoặc các em sẽ quay lưng, cho rằng người lớn... lạc hậu quá dẫn đến hệ quả gia đình, nhà trường càng khó tiếp cận để hỗ trợ các em. Thiếu kiến thức khoa học cùng những ngộ nhận do không được giải đáp thỏa đáng cũng là lý do các em thường phải gánh hậu quả đau lòng khi vội đặt chân vào thế giới “người lớn”.

Hoài Nam