Học trò “sợ” phòng tư vấn học đường

(Dân trí) - Nhà trường chưa thật sự quan tâm đến công tác tư vấn học đường, phòng tư vấn chưa đủ tin cậy, cách tiếp cận chưa phù hợp làm học trò ngại, sợ phòng tâm lý. Tình trạng này dẫn đến thực tế trường có phòng tư vấn tâm lý mà như không.

Người tư vấn hỏi như công an, em nào dám nói

Nhiều năm gần đây, TPHCM đã chú trọng đến việc xây dựng phòng tư vấn tâm lý trong trường học nhưng vẫn chưa thật sự phát huy được hiệu quả. Còn nhiều khó khăn tồn tại như thiếu nhân viên tư vấn chuyên trách, nhà trường chưa xem trọng công tác tư vấn, các em chưa tin tưởng ở nhà trường và thầy cô nên còn “né tránh” phòng tư vấn tâm lý.

Học sinh phổ thông, nhất là ở bậc THCS có rất nhiều biến động về tâm sinh lý cần được tháo gỡ, chia sẻ
Học sinh phổ thông, nhất là ở bậc THCS có rất nhiều biến động về tâm sinh lý cần được tháo gỡ, chia sẻ

Tại hội thảo Công tác tư vấn học đường tại các trường phổ thông của TPHCM diễn ra mới đây, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM nhấn mạnh, hai nguyên tắc trong tư tư vấn cho học sinh là bí mất và tin tưởng nhưng phòng tư vấn dường như còn thiếu độc lập với nhà trường và phụ huynh, mối quan hệ giáo viên và học sinh còn xung đột.

Hơn nữa, TS Nguyên cũng băn khoăn về cách tiếp cận của nhiều giáo viên tư vấn chưa chuyên nghiệp, nắm bắt tâm lý các em: “Các em đến phòng mà hỏi “Có vấn đề gì em cứ nói đi” như công an hỏi thì sao các em chia sẻ cho được”.

Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, ở lứa tuổi học trò, nếu những thắc mắc, uất ức không được tháo gỡ sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Mà thường khi hậu quả xảy ra rồi người lớn mới quay sang chất vấn, hối tiếc, day dứt với bao nhiêu từ “giá như”.

TS Lê Thị Mỹ Hà (Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM) cho hay, học sinh ở bậc THCS, THPT là giai đoạn có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Ở trạng thái chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn, các em rất rắc rối, phức tạp, dễ bị kích động, tổn thương. Quá trình này các em có nhiều lo lắng, thắc mắc liên quan đến tình yêu, giới tính, sinh sản, các mối quan hệ, hướng nghiệp… cần được giải đáp, chia sẻ.

Gia đình và nhà trường chưa phải là chỗ dựa về tinh thần cho các em thì trẻ sẽ xu hướng tìm đến nguồn tư vấn từ bạn bè, mạng internet, các nguồn thông tin không đảm bảo với rất nhiều nguy cơ như bị xâm hại tình dục, bị rủ rê, lôi kéo sa vào tệ nạn hay vi phạm pháp luật. Còn nếu không, các em lại dồn nén lâu ngày có thể dẫn đến u uất trầm cảm.

Làm sao để các em hết sợ?

Việc không tìm được nơi chia sẻ, cách giải quyết vấn đề một cách tối ưu nhất, không ít học trò có thể hành xử tiêu cực như đánh bạn, giết người hay tự tử là điều rất khó tránh. Điều này cho thấy sự cần thiết của công tác tư vấn học đường, không phải lập nên cho có mà phải làm sao tiếp cận được với các em, với vấn đề của các em.

TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, vấn đề cốt lõi là các trường còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, cơ chế, chính sách cho công tác này. Mục đích cao nhất của các trường vẫn là tập trung vào đối phó với thi cử, thời gian gần như tập trung hết cho việc học kiến thức. Còn các hoạt động giáo dục liên quan đến giáo dục con người phân bổ rất ít thông qua sinh hoạt ngoại khóa hoặc sinh hoạt lớp, dưới cờ…, hoạt động để các em trải nghiệm cuộc sống rất hạn chế.

Học sinh một trường THCS ở TPHCM trong chuyên đề về kỹ năng sống
Học sinh một trường THCS ở TPHCM trong chuyên đề về kỹ năng sống

Nhà trường chưa thấy được vai trò của công tác tư vấn học đường nên thiếu sự “chăm chút” về phòng ốc, nhân sự, tổ chức hoạt động… nên khi học sinh gặp “sự cố” nhà trường cũng không xử lý được.

Bà Phùng Thị Nguyệt Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Lâm cho rằng mỗi trường cần có một giáo viên tư vấn chuyên nghiệp thì hàng ngàn học sinh đã có thể tìm được chỗ chia sẻ những vướng mắc mình gặp phải. Nhà trường cần hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động này thì đã bớt được lo lắng, có thể phòng ngừa được các vấn đề như bạo lực học đường hay các nguy cơ khác trong học trò.

ThS Bùi Thị Kiều, giáo viên tư vấn Trường THPT Marie Curie công tác tư vấn trước hết cần tập trung vào phòng ngừa. Có thể thực hiện những bài test sàng lọc, em nào có biểu hiện là phải được chú ý, quan tâm ngay.

Với kinh nghiệm của trường, bà Kiều cho rằng phải làm sao để học sinh tin tưởng tìm đến phòng tư vấn. Ở trường, trong các buổi học, chuyên đề về giáo dục kỹ năng sống, giới tính.. luôn dành những phút đầu giới thiệu về phòng tư vấn.

“Khi đó, chúng tôi khẳng định với các em rằng mọi thông tin các em đưa đến phòng tư vấn sẽ được đảm bảo đến 99%. Còn 1% là trong những trường hợp đặc biệt, liên quan đến sự an toàn của các em thì buộc phải thông báo đến gia đình. Việc này giáo viên cũng sẽ trả trao đổi và lắng nghe ý kiến của các em”, bà Kiều chia sẻ cách mình đưa phòng tư vấn tâm lý đến gần hơn với học sinh.

Hoài Nam