Học trò tuổi 9X: “Trứng khôn hơn vịt”!

Mỗi lần nhắc đến thầy giáo dạy môn lịch sử, Dương Nghị Phi - học sinh lớp 9 - lại nhăn mặt: “Thầy chỉ dạy rập theo sách giáo khoa”. Nghị Phi là học sinh giỏi của một trường trung học có tiếng ở Bắc Kinh.

Thầy giáo môn sử bị “mất điểm” vì đã né tránh trả lời thắc mắc của các học sinh trong lớp cậu về một bộ phim truyền hình lịch sử trên tivi. “Có lẽ thầy cho rằng câu hỏi của em nằm ngoài nội dung chương trình, nhưng em nghĩ nếu học sinh có thắc mắc thì thầy giáo nên giải đáp thắc mắc đó” - Nghị Phi bức xúc.

Dương Nghị Phi có thể được xem là đại diện tiêu biểu cho thế hệ Trung Quốc sinh trong thập niên 1990, sớm làm quen với nền “văn minh fast food” và Internet. Thế hệ này được đi du lịch dễ dàng và tiếp cận nhiều hơn với thông tin, do đó cũng có nhiều thắc mắc hơn.

Các em đặt kỳ vọng cao hơn vào thầy cô, nghĩ rằng thầy cô phải là người hiểu biết hơn học sinh. Nhiều em đã tỏ ra thất vọng khi thấy thầy cô không “theo kịp thời đại”. Không ít học sinh phàn nàn giáo viên dạy tiếng Anh phát âm không chuẩn, còn giáo viên địa lý thì bị “chê” là lạc hậu vì chẳng biết gì nhiều về những nước bên ngoài Trung Quốc. Khoảng cách giữa giáo viên và học sinh cứ thế ngày lớn dần.

“Điều quan trọng là học sinh ngày nay rất ý thức về cái tôi của mình và tỏ ra độc lập trong suy nghĩ. Vì vậy cách tốt nhất là không nên phản đối học sinh, điều đó sẽ tạo tác dụng ngược.

 

Giáo viên không thể dạy dỗ học sinh nếu họ chẳng biết gì về những mảng mà học sinh quan tâm. Thầy và trò nên cần hiểu nhau nhiều hơn chứ không nên chống đối nhau” - Thầy Từ Cương, hiệu trưởng Trường trung học số 8 Lan Châu (Bắc Kinh), kết luận.

Sự khác biệt về quan điểm cũng là một yếu tố làm cho khoảng cách ấy rộng thêm ra. Tự Khiêm, một nữ sinh lớp 7, bị điểm kém môn văn vì dám đề cập chuyện tình cảm của mình vào bài. “Em không hiểu tại sao không được viết như vậy. Em xem phim Nhật thấy người ta nói đến chuyện tình cảm nam nữ ở trường học công khai. Đó là chuyện bình thường. Một số nhà văn 8X ở Trung Quốc cũng viết tiểu thuyết tình cảm đấy thôi” - Tự Khiêm phàn nàn. Giáo viên của em chỉ áp đặt rằng không được viết về chuyện yêu đương trong bài làm văn, mà không giải thích để các em hiểu điều đó là không phù hợp với lứa tuổi các em.

Sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiều học sinh thế hệ 9X cảm thấy chỉ chê trách thầy cô chưa đủ mà phải yêu cầu đổi người khác. Do sinh ra và lớn lên trong nền kinh tế thị trường, nhiều học sinh cho rằng giáo dục cũng là một thứ hàng hóa mà các em tiêu thụ, vì vậy có quyền đề nghị đổi giáo viên.

“Chúng em đóng học phí cho nhà trường, nếu không hài lòng với giáo viên thì chúng em phải lên tiếng” - Trương Phan, học sinh một trường trung học dân lập, thẳng thắn nói. Với Trương Phan, mức học phí 10.000 nhân dân tệ/năm (gần 1.300 USD) cho phép học sinh có quyền quyết định mình muốn học với ai.

Những đòi hỏi của học sinh đã tạo ra áp lực lớn với nhiều giáo viên vốn chỉ quen giảng dạy theo phương pháp cũ. Nhưng cũng có nhiều người bắt đầu đổi mới phương pháp giảng dạy.

Lý Quyên, một giáo viên dạy nghệ thuật, nói bí quyết thành công của cô là chấp nhận sở thích của học sinh. Một số giáo viên khác cho rằng sự hài hước trong giảng dạy là rất quan trọng, đồng thời thầy cô phải biết làm bạn với học sinh.

Một giáo viên có kinh nghiệm nhận xét rằng thế hệ 9X ngày nay rất hiểu biết, thu thập được nhiều kiến thức từ Internet và các chuyến du lịch. Vì vậy trong một số trường hợp, tuy không muốn nhưng thầy cô cũng phải thừa nhận thực tế “trứng khôn hơn vịt”.

Theo Thanh Trúc
Tuổi Trẻ/China Daily