Học uống rượu ngô, ăn thắng cố để trở thành giáo viên “cắm bản”

(Dân trí) - Gác lại tiện nghi thành thị, vòng tay bao bọc của mẹ cha, cô giáo trẻ Đàm Thu Thuỷ vượt hàng trăm km lên xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai nếm trải gian lao trong nghề giáo.

Cô giáo trẻ miền xuôi cõng con chữ lên núi

Cô giáo mầm non Đàm Thị thu Thủy trong lớp học tại phân hiệu Nậm Thố, trường Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai
Cô giáo mầm non Đàm Thị thu Thủy trong lớp học tại phân hiệu Nậm Thố, trường Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai

Cô giáo mầm non Đàm Thị Thu Thuỷ sinh năm 1990, quê ở Thanh Ba, Phú Thọ. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm mầm non, cô Thuỷ tình nguyện ghi danh trở thành giáo viên trường Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Chúng tôi gặp gỡ cô Thuỷ trong chuyến đi công tác tìm tới những giáo viên cắm bản vùng cao. Ấn tượng đầu tiên về cô giáo Thuỷ là nụ cười tươi tắn và giọng nói du dương như hát ru khi cô giảng bài cho học trò.

Sau khi tan lớp, cô Thuỷ dành thời gian trò chuyện với chúng tôi. Cô cho hay, những ngày là sinh viên mới ra trường, cô còn chưa hình dung được Lào Cai là mảnh đất như thế nào, chỉ biết rằng nơi đây nhiều học trò còn khát con chữ…

21 tuổi xuân, nữ sinh Thu Thuỷ thuyết phục cha mẹ đồng ý cho cô lên miền núi gây dựng sự nghiệp “trồng người”, bỏ lại sau lưng tiện nghi thành thị, vòng tay bao bọc của những người thân yêu. Tháng 8/2011, Thu Thuỷ khăn gói lên địa phương nhận lớp ở một ngôi trường nằm sâu trong vùng núi Bắc Hà, Lào Cai.

“Ngày đầu lên nhận trường, em bị sốc khi nhìn thấy lớp học dựng bằng nhà tranh vách nứa, không có điện, không sóng điện thoại. Suốt 1 tuần em không thể gọi điện về cho gia đình để báo tin an toàn. Thời tiết lạnh lại nhớ nhà khiến em rất buồn. Nhưng nhờ có các chị em đồng nghiệp động viên nên cũng nguôi ngoai dần”, cô Thuỷ kể lại.

Học uống rượu ngô, ăn thắng cố để trở thành giáo viên “cắm bản” - 2

Sau 5 năm công tác xa nhà, bố mẹ Thủy vẫn chưa có dịp lên thăm con nhưng luôn gửi gắm những lời tự hào về con gái qua điện thoại và phong thư. Đó là động lực giúp cô Thuỷ tin vào con đường mình đã chọn.

Cách đây 2 năm, cô Thuỷ đã lập gia đình với một người địa phương và sinh con. Hiện nay, cô yên tâm công tác tại điểm trường Nậm Thố, nơi bao quanh là rừng núi hiểm trở. Hàng ngày, cô từ thị trấn đến lớp qua con đường núi gập ghềnh như một cuộc chinh phục mạo hiểm. Đời sống tuy vất vả nhưng đôi mắt cô giáo 9x vẫn lấp lánh niềm tin vào tương lai mà cô gửi gắm qua các học trò của mình.

"Cái khó ló cái khôn"

Điều kiện vật chất của nhiều ngôi trường huyện Bắc Hà, Lào Cai còn nhiều thiếu thốn. Bữa cơm của các trò được góp từ gạo và củi khô của phụ huynh. Các cô giáo phải tự trồng rau củ để đảm bảo dinh dưỡng cho trò.

Trong lớp, các loại dụng cụ, đồ chơi, tranh vẽ đều do các cô tự làm để nâng cao chất lượng dạy và học.

Thương trò quanh năm lấm lem dễ sinh bệnh tật, cô Thuỷ rèn cho các em thói quen vệ sinh cá nhân thường xuyên. Hàng ngày, cô trò đều cùng nhau rửa mặt, tay hai lần trước và sau buổi học. Vì phải tiết kiệm nước sạch, cô giáo Thủy sáng tạo ra chiếc máng rửa tay cho học trò, giúp các em vệ sinh tiện lợi và cũng mở mang trí tưởng tượng cho các bé.

Máng nước rửa tay do cô Thủy thiết kế để rèn luyện cho trò thói quen giữ vệ sinh, đồng thời tiết kiệm nước sạch
Máng nước rửa tay do cô Thủy thiết kế để rèn luyện cho trò thói quen giữ vệ sinh, đồng thời tiết kiệm nước sạch
Các giáo viên trường Mầm non Thải Giàng Phố cùng nhau tăng gia để có rau sạch cho bữa cơm của học trò
Các giáo viên trường Mầm non Thải Giàng Phố cùng nhau tăng gia để có rau sạch cho bữa cơm của học trò

Dù ở vùng sâu vùng xa, cô Thuỷ cũng thường xuyên cập nhật các phương pháp dạy học mới thông qua các lớp tập huấn, mạng Internet… làm sao để học trò mình không thua kém bạn bè ở miền xuôi. Đó chính là niềm trăn trở lớn nhất của cô giáo trẻ.

Học uống rượu ngô, ăn thắng cố để trở thành giáo viên “cắm bản”

Trường Mầm non Thải Giàng Phố hoạt động theo phương thức luân chuyển giáo viên hàng năm. Với phương thức này, các giáo viên được điều chuyển thường xuyên giữa các điểm trường, từ nơi có điều kiện cơ sở tốt cho tới những vùng xa xôi nhất, khó khăn nhất.

Năm đó, vừa nhận công tác, cô giáo Thu Thủy được phân công tới một trong những điểm trường khó khăn nhất, mang nhiệm vụ vận động trẻ đi học. Cô không ngại gian lao băng 20km đường rừng cùng với người trưởng thôn làm phiên dịch tiếng H'Mông tới bản vùng sâu tuyên truyền người dân cho con em tới trường.

Cô Thủy kể: “Lần đó em tới bản đúng vào giờ cơm, người trong bản đều đang quây quân bên bếp lửa. Vừa đến gặp gia đình học trò thì phụ huynh kéo vào dùng cơm. Mẹ của học trò liền tay vốc cho em một bát cơm đầy (cơm của người H'mông chứa trong mẹt lớn – PV) và cha của học trò thì rót rượu mời.

Rồi trong suốt bữa cơm ấy, rượu cứ uống vơi lại được rót đầy và cơm cũng vậy. Em không thể từ chối vì đó chính là phong tục hiếu khách của người H'mông. Phải đến khi không thể ăn nổi và say tới quên trời đất thì mới được ghi nhận tấm lòng”.

Vốn không biết uống rượu, lại lạ các món ăn của người dân tộc, ấy vậy mà nay cô giáo Thủy đã yêu món phở chua, món khâu nhục của miền đất Lào Cai. Những món ăn đặc trưng như thắng cố, bánh chưng đen ngày tết của đồng bào dân tộc cũng đã trở nên quen thuộc với cô giáo miền xuôi.

Ngày ngày, cô giáo 9x trải qua quãng đường gập ghềnh 10km để đến lớp.
Ngày ngày, cô giáo 9x trải qua quãng đường gập ghềnh 10km để đến lớp.

Từ kinh nghiệm của mình, cô Thủy khẳng định, giáo viên miền xuôi đi “cắm bản” không chỉ cần giỏi nghiệp vụ mà còn phải học hỏi rất nhiều. Trong đó, quan trọng nhất là học cách hòa nhập để được đồng bào tin tưởng giao con cái cho thầy cô chăm sóc, dạy dỗ.

Nhờ những cố gắng trong 5 năm qua, cô giáo Thủy được cô Nguyễn Thị Duyên, Hiệu trưởng trường Mầm non Thải Giàng Phố khen: “Chúng tôi rất tự hào về cô giáo Thuỷ. Mấy năm liền cô Thuỷ đều là giáo viên giỏi, năng nổ tham gia công tác Đoàn hội và còn có nhiều sáng kiến trong giảng dạy. Trường chúng tôi đồng lòng tiến cử cô Thuỷ cho chương trình tuyên dương giáo viên cắm bản tại Thủ đô”.

Cô giáo Đàm Thị Thu Thủy là một trong những giáo viên sẽ được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Cô Thủy cùng với 61 giáo viên tiêu biểu đang công tác ở các trường học điểm lẻ thuộc 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ sẽ nhận được vinh dự này vào ngày 12/11 tại Hà Nội.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do TƯ Hội Liên hiệp thanh viên Việt Nam tổ chức nhằm động viên, tri ân các giáo viên “cắm bản”, cổ vũ các thầy giáo, cô giáo xung kích, tình nguyện công tác tại các trường học điểm lẻ ở miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn, có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế xã hội của đất nước; khơi dậy tinh thần xung kích của xã hội, đặc biệt là đoàn viên, hội viên, thanh niên trong việc mang tri thức tới cho các con, em đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của Tổ quốc.

Qua đó, chương trình mong muốn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi xã hội tiếp tục quan tâm, giúp đỡ đội ngũ giáo viên và học sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

 

 

Học uống rượu ngô, ăn thắng cố để trở thành giáo viên “cắm bản” - 6

Ngày 21/10/2015, anh Nguyễn Phi Long, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN đã cắt băng khánh thành và bàn giao công trình Nhà bán trú cho em tại trường THCS bán trú xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.

Xã Sín Chéng thuộc huyện Si Ma Cai, là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Trường có 373 học sinh trong đó hơn 200 học sinh đang ở bán trú, số học sinh là người dân tộc Mông chiếm 98%. Các em học sinh chủ yếu ở xa trường, có những em ngày ngày phải đi bộ hơn 10 km để đến được nơi học tập.

Công trình Nhà bán trú cho em tại trường THCS Bán Trú xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai tỉnh Lào Cai được xây dựng theo công nghệ lắp ghép, vật liệu chính là khung thép và tấm vách EPS xốp cách nhiệt, mái được lợp bằng tôn lạnh… Diện tích sử dụng 100m2 cho mỗi nhà. Công trình có tổng trị giá 250 triệu đồng.

Trong năm học 2014 – 2015, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã triển khai xây dựng 12 điểm nhà bán trú tại một số tỉnh Tây Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc, tập trung chủ yếu tại những xã thuộc những huyện nghèo nhất cả nước. Chương trình này nhằm xây dựng nhà bán trú cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho các em ở lại trường, tránh phải sinh hoạt tại những khu nhà tạm, không đủ điều kiện vệ sinh và không an toàn.

 

Mai Châm

(Email: maibichcham@dantri.com.vn)