Học và chơi thế nào để đỗ đại học?

“Hãy chơi hết mình để có một tinh thần thoải mái khi ngồi vào bàn học. Đừng chỉ vì một định luật, công thức nào chưa nhớ mà nín nhịn bộ phim yêu thích hay một trận bóng đang diễn ra. Với tâm trạng bứt rứt thì chắc chắn sẽ chẳng ai học nổi”.

Đó là chia sẻ của Nguyễn Mỹ Linh (sinh viên năm nhất trường ĐH Ngoại thương) về bí kíp giúp em thi đỗ đại học.

Chỉ biết vùi đầu vào sách: Căng thẳng và ì ạch

Khẳng định này không chỉ của riêng Mỹ Linh mà còn của rất nhiều người đã và đang là sinh viên của các trường Đại học. Chỉ vùi đầu vào sách vở mà quên đi những hoạt động khác chưa bao giờ được những người có kinh nghiệm cho là đúng đắn và hiệu quả. Thậm chí, việc ngồi lì một chỗ ôn thi còn gây ra không ít những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Mỹ Linh chia sẻ rằng, thời gian đầu khi cùng một lúc phải chuẩn bị cho nhiều kỳ thi: thi học kỳ, thi tốt nghiệp và thi đại học khiến Linh rất căng thẳng, hồi hộp. “Lúc nào trong người em cũng như có tảng đá đè lên người. Em mệt mỏi, lo lắng đến ăn cũng không nuốt nổi, khó ngủ, nếu có ngủ được thì giấc ngủ chập chờn. Đặc biệt, em không thể tập trung học được, cứ cầm đến sách là ngáp ngủ và uể oải”, Linh nói.
 
Học và chơi thế nào để đỗ đại học?

Cô bạn này cũng cho biết, trong mùa thi, Linh luôn thấy bạn bè của mình lúc nào cũng quay cuồng hết môn nọ đến môn kia. Cầm quyển sách Toán lên thì sốt ruột môn Hóa, cầm quyển Hóa thì lại bồn chồn môn Lý. Cuối cùng kết quả của việc ôn luyện cũng chỉ là những nỗi lo lắng.

Cũng như câu chuyện trên, Nguyễn Thanh Loan (SV ĐH Khoa học xã hội và Nhân Văn) nhớ lại, ngày xưa - lúc ôn thi đại học, vì quá áp lực, Loan cũng chỉ vùi đầu vào học mà quên hết các hoạt động khác. Thấy con ôn thi vất vả nên bố mẹ ra sức tẩm bổ cho con gái. “Thời gian đầu, tớ cứ căng óc lên học mà chẳng vào đầu chữ nào trong khi người thì càng ngày càng phì ra. Nghĩ lại mà thấy sợ!”.

Sau khi quá oải, Loan mới đi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của những anh chị đi trước. Theo những gì cô bạn tìm hiểu, việc ngồi một chỗ ôm sách vở không những khiến cơ thể stress mà còn gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe. Cộng với việc tẩm bổ nhiều nhưng không vận động lại càng khiến cơ thể ì ạch, trí nhớ kém, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, thoái hóa xương, béo phì…

“Hãy học hết sức, chơi hết mình”

Theo nhiều ý kiến của các bạn đã và đang học đại học, ôn thi không đồng nghĩa với việc phải từ bỏ hết những sở thích, đam mê của mình. Quan trọng là phải làm thế nào để tinh thật thoải mái trước khi ngồi vào bàn học.

“Em chẳng có bí quyết gì trong ôn thi, chỉ có một chia sẻ thế này: Cố gắng học nhưng cũng hãy cố gắng chơi! Chơi hết mình để có một tinh thần thật thoải mái khi ngồi vào bàn học. Đừng chỉ vì một định luật, công thức nào chưa nhớ mà nín nhịn bộ phim yêu thích hay một trận bóng đang diễn ra. Với tâm trạng như vậy thì chắc chắn sẽ chẳng ai học nổi”, Nguyễn Mỹ Linh nói.

Linh cho biết, sau một tuần gò mình vào đống sách vở, nhưng kiến thức thu lượm chẳng được là bao, Linh đã thử “phá mình”. Cô bạn chia sẻ rằng, lúc đó chủ yếu ôn luyện theo cảm hứng. Nếu hôm cảm thấy mệt mỏi, muốn rời sách là cả ngày hôm đó Linh chỉ ăn, ngủ, xem phim và “chém gió” cùng bạn bè...

“Em không có giờ học cố định, cũng không tạo áp lực cho mình. Em chỉ cố gắng nắm hết các kiến thức cơ bản. Khi lúc nào thấy uể oải là em bỏ đi làm những gì mình thích. Em chỉ ngồi vào học khi đã thoải mái. Có khi chỉ cần một giờ là em học bằng mấy ngày trước”, Linh nói.

Còn với cô bạn Á khoaTrường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp - Nguyễn Hương Giang, đỗ đại học cũng không phải là điều gì quá ghê gớm. Nếu biết cách học, biết cách chơi thì mọi kỳ thi sẽ được vô hiệu hóa.

Á khoa ĐH Mỹ thuật Công nghiệp - Nguyễn Hương Giang
Á khoa ĐH Mỹ thuật Công nghiệp - Nguyễn Hương Giang.

Giang bật mí, điều quan trọng trước hết phải xác định được ngành nghề mình yêu thích, không nên cố “cắm đầu” và ép mình vào những ngành, những trường mà do bố mẹ sắp đặt. Tiếp đến khi ôn thi, nên biết chọn lọc kiến thức một cách thông minh, chứ không phải chăm chăm quyển sách mà được. Quan trọng nữa là không nên đặt áp lực cho bản thân, cứ thoải mái coi việc học chỉ một trải nghiệm, một phần của cuộc sống.

 “Sau khi biết tin em đỗ đại học, lại còn là á khoa của trường, hàng xóm nhà em ai cũng ngỡ ngàng. Bởi chẳng ai nghĩ một con bé có vẻ ham chơi, hay thấy cafe với bạn bè, đi chơi phố liên tục lại đỗ đại học. Bí quyết của em là ở chỗ đó. Không chỉ vì một giai đoạn cam go nào đó mà mình quên hoặc bỏ đi những sở thích thường ngày. Không chỉ vì ôn thi mà phải kìm nén những điều mình muốn. Cứ làm những gì mình thích, mình đam mê, điều này có vẻ điên điên, nhưng phải thoải mái thì mới học được”, Giang nói.

Còn bạn, trong những giai đoạn cam go, bạn đã dũng cảm sống hết mình chưa, sống đúng với đam mê của mình chưa?

Nếu chưa thì còn chần chừ gì nữa mà không hòa mình vào chương trình “Live Up” của trường đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện FPT Arena để ít nhất một lần trong đời được sống với chính đam mê, sở thích của mình nhỉ?