Học và hành ở Canberra

Canberra là một thành phố đại học và khoa bảng. Người Canberra tự hào rằng số Ph.D (tiến sĩ) ở đây nhiều hơn phần còn lại của cả nước Australia.

Theo một số liệu thống kê, Canberra có đến 60.000-70.000 sinh viên các cấp trên tổng số 325.000 cư dân, trong đó trên 10% là sinh viên ngoại quốc.

Nada Tabbakhabbakh, Tổng biên tập tạp chí học thuật, không lấy làm lạ tại sao cái sòng bạc Canberra Casino ngay giữa trung tâm này lại cứ ế ẩm: “Với chừng đó Ph.D., làm sao các casino lại có thể có khách được”. Tại thủ đô này, 6h chiều là các cửa hiệu đóng cửa.

Những nhà khoa học hàng đầu ở NICTA (Viện Công nghệ thông tin và truyền thông quốc gia Australia), một trong những lò đào tạo tiến sĩ và sau tiến sĩ thượng thặng ở Australia, tự hào với phương châm học và hành của mình: “Các đề tài của chúng tôi nhằm đáp ứng các lợi ích quốc gia chứ không chỉ là những đề tài mơ hồ chung chung. Tức là các dự án có thể đưa vào ứng dụng trong công nghiệp và thị trường cùng môi trường”.

Phương châm Imagination

Phương châm đầu tiên của NICTA là Imagination (tưởng tượng hay sáng tạo). “Imagination với nghĩa tưởng tượng chỉ là sự hư cấu. Imagination với nghĩa sáng tạo chính là biến cái tưởng tượng đó thành thực tế. Đó là tư duy vượt qua khuôn khổ của kinh nghiệm đã có. Hãy suy nghĩ vượt qua cái hệ thống có sẵn của bạn”, Brett Biddington, Giám đốc của Cisco Systems đồng thời là Chủ tịch của Hiệp hội Công nghệ thông tin quốc phòng và điện tử Australia (ADIESA), trả lời.

Không chỉ ở NICTA mới học và hành theo phương châm Imagination mà ở cấp thấp hơn-cấp đại học cũng thế. Phương châm của Trường Khoa học và Kỹ thuật thông tin, Viện đại học Canberra là “đáp ứng các nhu cầu tương lai của công nghiệp”.

Đề tài của hai nhóm sinh viên Trường Khoa học và Kỹ thuật thông tin của Viện đại học Canberra (U.A) vừa đoạt giải sáng tạo nhất, nhì toàn cầu năm 2006 của Công ty Microsoft đều là những đề tài “bay bổng”:

1, Bệnh nhân truyền dữ liệu điện tâm đồ ghi được ở nhà cho bác sĩ chẩn đoán.

2, Hệ thống quản lý truyền dữ liệu bệnh tình từ xe cứu thương bằng PDQ (điện thoại - máy tính bỏ túi).

Tiến sĩ Đ., Giáo sư hướng dẫn của cả hai nhóm sinh viên này, 11 năm trước đến từ TP HCM, nay đã là giảng viên bậc cao, vừa giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, vừa nghiên cứu “bay bổng” để đáp ứng những nhu cầu công nghiệp tương lai, thậm chí là hiện tại ở một số nước tiên phong.

Theo khoa trưởng Trường Kinh doanh và Kinh tế, Viện đại học quốc gia Australia (ANU), trường của ông còn hướng đến một mô hình kinh tế - xã hội mới của Australia. Hình dung, hoạch định tương lai, từ xã hội đến con người, nhân lực tài năng đang là những hướng nghiên cứu nổi cộm hiện tại. Xã hội, nền kinh tế của 10-20 năm tới, nửa thế kỷ tới không thể theo những khuôn mẫu, công thức, qui định của ngày hôm qua.

Phương châm Commercialisation

Phương châm thứ nhì của NICTA là Commercialisation (thương mại hóa) tức là đưa vào được thị trường. Một khẩu hiệu rõ to xuất hiện trên mỗi tầng lầu: “Một tài sản trí tuệ mà không sử dụng được thì chẳng có giá trị kinh tế gì”.

Những nghiên cứu sinh được trả lương như trong các công ty và tất nhiên, làm chủ quyền sở hữu trí tuệ của họ. Cái khác biệt giữa những nước nhập khẩu công nghệ và xuất khẩu công nghệ là ở chỗ: ở những nước nhập khẩu công nghệ, người ta hãnh diện là những người sử dụng sản phẩm mới nhất; trong khi ở các nước xuất khẩu công nghệ, người ta bình dị, khiêm tốn giới thiệu những phát kiến mới nhất của họ.

Phương châm Collaboration

Một phương châm lớn khác là Collaboration (cộng tác). Một vài ý tưởng hay nhất đến từ sự gặp gỡ của các ý tưởng sáng tạo. Đó là lý do tại sao các đề tài ở đây hầu hết là đa ngành.

Tiến sĩ Đ. khẽ giơ tay hướng về một giảng viên khác khi được nhắc đến như là người hướng dẫn đề tài. Ý ông muốn nói: “Cả vị này nữa chứ không chỉ mình tôi”. Ở Australia và ở những nước khác như Mỹ, danh sách tác giả công trình luôn bắt đầu bằng tên những “học trò” đích thân làm công việc nghiên cứu, tên của giáo sư đứng sau.

T., một giảng viên đại học kinh tế, nay là nghiên cứu sinh Ph.D. ở NUS, kể: “Cách làm việc ở đây khác hẳn. Thân ái, chẳng bè phái. Chẳng ai “an cắp” ý tưởng, công trình của ai. Người thầy tận tình giúp đỡ sinh viên”.

Tại Viện Kỹ thuật Canberra (CIT), thư viện (sách và điện tử) mở cửa 24 giờ/7 ngày cho những ai đang bận làm việc không thể đến trường. Các sinh viên ấy sẽ tự học theo chương trình được phân bổ. Đến chỗ nào không hiểu thì xin một cái hẹn với giảng viên.

Jennifer, một nữ đồng nghiệp của tờ Giáo dục hiện đại ở Bắc Kinh, cứ luôn miệng hỏi: “Sao chẳng thấy bức tường rào nào cả?”. Câu trả lời là: “Càng ít tường rào, đầu óc càng mở. Càng nhiều tường rào, đầu óc càng đóng”.

Theo Danh Đức
Tuổi Trẻ