Học Văn không phải để biến học sinh thành những nhà phê bình văn học

(Dân trí) - Học Văn không phải để biến học sinh thành những nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu, bắt các em phải yêu, phải mê, phải vùi đầu… Học Văn cần gắn liền với các vấn đề xã hội.

Trước những tranh cãi về đề thi môn Văn kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, ThS Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TPHCM) chia sẻ  đánh giá cao đề thi môn Văn. 

Học Văn không phải để biến học sinh thành những nhà phê bình văn học
ThS Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng đề môn Văn kỳ thi THPT Quốc gia đáp ứng được mục tiêu đổi mới lẫn đánh giá 

Trước những thay đổi lớn, năm nay không chỉ học sinh mà giáo viên cũng là đối tượng thời gian qua rất hoang mang, bối rối và nóng lòng, nôn nóng về cách ra đề liệu có đảm bảo mục tiêu đổi mới và mục tiêu đánh giá (vừa để xét tốt nghiệp THPT và xét ĐH, CĐ).

Trên tinh thần chung, đề Văn làm cho giáo viên, học sinh cảm thấy thoải mái, giải toả được tâm lý lo lắng này. Đề Văn đáp ứng được các mục tiêu trên. Đặc biệt là mục tiêu đổi mới về phương pháp giảng dạy, mục tiêu giáo dục, đổi mới quan điểm và cách học của người học

Phần đọc hiểu đảm bảo yêu cầu về năng lực đọc hiểu, kỹ năng tiếp nhận văn bản, tạo lập văn bản. Không chỉ đòi hỏi kiến thức, kỹ năng mà đánh giá ở mức cao hơn là vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết vấn đề trong thực tiễn.

Các câu hỏi ở phần đọc hiểu đi từ dễ đến khó, nâng dần cấp độ. Trước hết là kiểm tra kiến thức cơ bản của thí sinh về thể loại, về ngữ pháp tiếng Việt, khả năng tiếp nhận, lĩnh hội văn bản về mặt hình thức lẫn nội dung.

Đoạn văn về sự vô cảm đưa ra vấn đề rất quen thuộc với học sinh được nhắc đến lâu nay. Ở phần làm văn đưa ra vấn đề rộng, trao cho học sinh quyền đưa ra quan điểm của mình. 

Theo ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, cái hay của đề là không áp đặt nội dung có sẵn, không yêu cầu HS phải ngợi ca, hay phê phán một chiều theo chủ đề có sẵn của người ra đề. Với đề thi này học sinh được mặc sức suy nghĩ, có thể đưa ra những ý tưởng mới mẻ, mặc sức sáng tạo với những quan điểm trái chiều.

Đề phát huy sự sáng tạo, tư duy, dám bộc lộ quan điểm cá nhân, chính kiến của mình trước vấn đề xã hội. Đề cũng có tính tích hợp cao, phân hoá được trình độ học sinh và đặt biệt, đẩy lùi được việc học thuộc, văn mẫu tồn tại lâu nay. 

Đề Văn kỳ thi THPT Quốc gia 2015

Đề Văn kỳ thi THPT Quốc gia 2015
Đề Văn kỳ thi THPT Quốc gia 2015

Đề thi đòi hỏi học sinh có vốn sống, hiểu biết về văn hoá, xã hội mà theo bà Hiền: “Học sinh học Văn không thể quay lưng lại với các vấn đề xã hội chứ không phải để biến các em thành nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu rồi bắt các em phải yêu,phải mê, phải vùi đầu… theo mong muốn của người dạy”.

Trước những ý kiến cho rằng đề Văn chưa thật sự mới mẻ, ThS Thu Hiền bộc bạch, nhiều người nhầm tưởng đề thi phải thật lạ mới là đổi mới. Trong khi đổi mới không phải là đưa ra một đề thi xuất chúng, phức tạp mà đổi mới nghĩa là cần phải gắn liền với cuộc sống, xã hội theo một cách đơn giản, nhẹ nhàng nhất. Để qua đó người dạy, người học không bị áp lực, không thấy mình bị đánh đố và thấy rằng việc học Văn trở nên nhẹ nhàng, gần gũi. 

Tuy nhiên, ThS Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh một đề thi thật sự hay hay không còn tuỳ thuộc rất nhiều vào đáp án. Nếu đáp án đưa ra đòi hỏi, cứng nhắc thì đó là đáp của một bộ phận những người ra đề chứ không phải của đề thi. Sự thay đổi trong đề thi cần có sự đồng thanh tương ứng từ người học, người dạy và tư duy người chấm điểm cần có tinh thần đổi mới. Người chấm Văn không thể đếm ý chấm điểm mà cũng phải vận dụng, liên tục, lập luận linh hoạt như học sinh.

Giáo viên không cần bắt học sinh học thuộc từng câu chữ của mình

“Đề Văn năm nay có tính phân hoá rất rõ, để đạt điểm cao đòi hỏi học sinh phải có năng lực sáng tạo. Đề thi cũng rất thời sự, đưa vào những vấn đề thực tế, gần gũi hướng môn Văn đến gần hơn với cuộc sống như: vấn đề biển đảo và trách nhiệm của bản thân, vấn đề bệnh vô cảm trong xã hội và những suy nghiệm của bản thân, vấn đề rèn luyện kỹ năng sống kết hợp với bồi dưỡng kiến thức, vấn đề về thân phận con người và những cảm nhận về cái nghèo, đông con, cách nhìn nhân văn về cuộc sống.

Đề thi phù hợp với hai đối tượng là xét tốt nghiệp THPT và học sinh dùng môn Văn xét vào ĐH. Và đặc biệt đề có phù hợp với mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học Văn: đề không bắt học sinh thuộc lòng, hiểu văn bản, nắm vững kỹ năng sẽ làm bài tốt, môn Văn không quá tải, nặng nề. Điều quan trọng người thầy dạy Văn sẽ không cần bắt học sinh của mình thuộc từng câu chữ của mình nữa”.

ThS Huỳnh Văn Thế, Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long