Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm:

Hội cần thật sự vững mạnh để làm tốt vai trò nòng cốt

(Dân trí) - Do tác động của khủng hoảng kinh tế, năm 2009 là năm hết sức khó khăn về nhiều mặt của đời sống xã hội nước nhà. Thế nhưng trái lại, đối với phong trào khuyến học, khuyến tài lại là năm thu được những thành tựu to lớn.

Thành công của Đại hội Thi đua Khuyến học Toàn quốc lần thứ II và nhiều hoạt động khuyến học - khuyến tài sôi động năm qua càng khẳng định vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học Việt Nam, một tổ chức chính trị, xã hội rộng lớn.

Báo Khuyến học & Dân trí đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Mạnh Cầm - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam về công tác khuyến học - khuyến tài.

Khát vọng tri thức bắt nguồn từ truyền thống hiếu học

Do khủng hoảng toàn cầu, những khó khăn về kinh tế năm 2009 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội nước ta. Tuy nhiên phong rào khuyến học vẫn phát triển mạnh mẽ và sâu rộng, đặc biệt là các quỹ dành cho công tác này không ngừng tăng lên. Thưa ông có thể lý giải đôi chút về hiện tượng này?

Trong lịch sử phát triển sự nghiệp giáo dục cách mạng do Đảng lãnh đạo, tại những thời điểm khó khăn nhất về kinh tế - xã hội, nhất là khi cả nước còn đang có chiến tranh, thì sự nghiệp giáo dục vẫn không ngừng mở rộng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hàng triệu trẻ em vẫn ngày ngày cắp sách đến trường, người lớn vẫn đêm đêm tới các lớp bình dân, đuốc thắp sáng đường thôn để đến với cái chữ của Cụ Hồ. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trẻ em chúng ta vẫn cất "tiếng hát át tiếng bom", mũ rơm đội đầu, ngồi học trong hầm trú ẩn; nông dân và công nhân vẫn bám sát các lớp bổ túc văn hoá. Cách làm giáo dục đó hiếm thấy ở các nước có chiến tranh.

Ngày nay, khó khăn kinh tế quả là rất lớn, nhưng dân chúng hiện giờ đã có nhiều áo mặc hơn, bữa ăn tuy đạm bạc nhưng cũng no bụng hơn. Do vậy, phong trào khuyến học phát triển là điều không khó hiểu với ai đã từng biết giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ trên. Nguyên nhân cơ bản vẫn là khát vọng về tri thức của nhân dân bắt nguồn từ truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc, cộng với sự chăm lo của Đảng và Nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh: "Làm cho ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Sự hội lưu giữa lòng dân với ý Đảng đã tạo điều kiện để truyền thống hiếu học lâu đời của dân tộc được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

"Nhân tài đất Việt" là một sáng kiến lớn của Hội

Năm 2009, Hội KHVN còn được đánh giá cao bởi công cuộc khuyến tài mà điển hình là Cuộc thi Nhân tài đất Việt về CNTT của Hội KHVN đã chính thức trở thành Giải thưởng Quốc gia Nhân tài đất Việt. Là nhà quản lý luôn coi trọng công tác phát triển trí thức, ông đánh giá như thế nào?

Cuộc vận động khuyến tài do Hội Khuyến học chủ trương đã trở thành một phong trào rộng khắp trên các địa bàn dân cư, từ vùng núi cao đến vùng đồng bằng, từ miền biển xa xôi tới các khu vực dân cư sầm uất, từ những thôn làng hẻo lánh đến những phố phường sôi động kinh tế thị trường. "Nhân tài đất Việt" trở thành một cuộc thi tầm cỡ quốc gia, có tiếng vang trong nước và có sức thu hút tài năng đang ở nước ngoài. Có thể đánh giá cuộc thi "Nhân tài đất Việt" là một sáng kiến lớn của Hội Khuyến học được thực hiện với lực lượng nòng cốt là Báo Khuyến học & Dân trí. Từ 2005 đến nay, NTĐV được tổ chức hàng năm và đã trở thành "Giải thưởng Nhân tài đất Việt" được tổ chức hoành tráng nhất năm 2009 do có sự quan tâm, động viên, khích lệ của nhiều đồng chí lãnh đao Đảng, Nhà nước và sự cố gắng rút kinh nghiệm của Ban Tổ chức. Giải thưởng đã từ chủ đề "CNTT" được mở rộng trong lĩnh vực "KHTN" và sắp tới sang cả lĩnh vực Khoa học giáo dục.

Tuy nhiên, "Nhân tài đất Việt" không phải là điển hình duy nhất về khuyến tài, mà cùng với cuộc thi này, Hội còn có nhiều cuộc vận động, nhiều hình thức khuyến tài khác. Mỗi năm, trong nước có hàng chục ngàn học sinh giỏi các trường phổ thông cũng như các trường chuyên nghiệp, trường cao đẳng hoặc đại học được nhận phần thưởng từ quỹ khuyến học cấp Trung ương cũng như cấp cơ sở. Ngoài ra còn có hàng nghìn em được dòng họ tuyên dương kèm theo tiền thưởng.

Để khuyến tài, Hội chúng tôi chủ trương đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng "gia đình hiếu học", tôn vinh nhiều gia đình có con em học giỏi và thành đạt. Tại nhiều địa phương, nhân dân còn đề cao những danh hiệu khác (khi bình xét gia đình hiếu học) như gia đình cử nhân, gia đình tiến sĩ... Cách khuyến tài này cũng mang những nét điển hình trên mảnh đất Việt Nam chúng ta.

Về công tác trí thức, chúng tôi rất quan tâm bởi số lượng người tài năng luôn tỉ lệ thuận với sự gia tăng số lượng trí thức do đất nước đào tạo. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, lực lượng trí thức là nhân lực được đào tạo có chất lượng cao, nghĩa là có học vấn sâu rộng, có trình độ chuyên môn vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Không đạt những yêu cầu đó thì dù đỗ mấy bằng đại học cũng chỉ coi là người được học nhiều mà không là trí thức. Người được xã hội tôn vinh là nhân tài chắc chắn là trí thức, còn người học được nhiều đã chắc gì được xã hội thừa nhận là nhân tài, ví dụ như những trí thức "một nửa" mà Bác Hồ không dưới một lần nói đến.

Từ thiện khuyến học là cơ bản nhất

Không chỉ dừng ở công tác khuyến học - khuyến tài. Trung ương Hội KHVN và các cơ quan trực thuộc Hội còn làm tốt các công tác xã hội khác như giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai, xây dựng các quỹ như: Nhân ái, Vòng tay Đồng đội... Theo ông, vì sao có được thành tựu này và làm gì để công tác này được tốt hơn trong các năm tới?

Thật ra, sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội đối với những người đang phải chịu đựng những tổn thất do thiên tai, những người bất hạnh vì rủi ro, những người có hoàn cảnh đặc biệt... cũng vẫn bao hàm ý nghĩa khuyến học (và cả khuyến tài nữa). Một em nhỏ bị liệt 2 chân được nhận từ Hội một chiếc xe lăn, do vậy mà em có thể đến trường học tập như các bạn bình thường của mình. Một em khác bị nước lũ cuốn trôi hết sách vở, được Hội tặng một chục quyển vở, một bộ sách giáo khoa, một thùng mì ăn liền..., nhờ đó  cơn lũ đi qua, em vẫn có điều kiện tiếp tục học tập, không phải bỏ học giữa chừng... Trong tổng số học bổng cho hai, ba triệu em nhỏ mỗi năm, tỉ lệ dành chó những em mồ côi hoặc tàn tật bao giờ cũng được tính toán chu đáo. Nhiều khi, "Cấp cứu" bằng mấy quyển vở, vài chục cân gạo một cách kịp thời, nguy cơ bỏ học của một em nhỏ được khắc phục. Ngoài ra, để tỏ lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình cựu chiến binh và tạo điều kiện cho con em họ được học hành đến nơi đến chốn, "Quỹ Vòng tay Đồng đội" đã được thành lập và ngay lập tức được các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hưởng ứng và phát huy tác dụng. Thành tựu này xuất phát từ ý thức cố kết cộng đồng, nhường cơm sẻ áo. Dân ta có truyền thống này từ lâu, có lẽ là hàng nghìn năm khi mà người Việt cho rằng, nguồn gốc dân tộc là từ bọc trứng của Cha Rồng - Mẹ Tiên và coi nhau là "đồng bào". Trong các loại hình từ thiện thì từ thiện khuyến học là cơ bản nhất vì nó tạo điều kiện cho những trẻ em đáng lẽ thất học lại được học hành và có học tất sẽ có nghề, có kiến thức giúp ích cho xã hội.

Để phát huy truyền thống đã đạt được thiết nghĩ trên lá cờ khuyến học khuyến tài cần tô đậm các từ "nhân văn", "nhân ái", "nhân hậu" xung quanh chữ TÂM thật đậm nét. Hội sẽ tăng cường công tác vận động, tuyên truyền và mong rằng nhà báo sẽ tuyên truyền sâu rộng điều này trên Khuyến học & Dân trí, trên Dân trí điện tử nhiều hơn.
 
Hội cần thật sự vững mạnh để làm tốt vai trò nòng cốt - 1
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm (bên trái) tặng quà “Vòng tay đồng đội”.

Hội khuyến học sẽ không phụ lòng mong đợi của Đảng

Một trong những thành tựu quan trọng năm 2009 là thành công của Đại hội Thi đua Khuyến học Toàn quốc lần thứ II. Năm 2010, Hội khuyến học Việt Nam có kế hoạch gì để đưa các nghị quyết của Đại hội vừa qua vào cuộc sống?

Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ hai là một cuộc tuyên dương và tôn vinh những người có công lao trong phong trào khuyến học, khuyến tài với qui mô lớn. Mặt khác. Đại hội cũng biểu dương những gương sáng hiếu học, những người sản xuất giỏi, công tác tốt nhờ đã tham gia học tập thường xuyên dưới những hình thức học tập chính quy hoặc không chính quy.

Sau đại hội thi đua lần này, Hội chủ trương đẩy mạnh thi đua xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy phong trào ai cũng học tập, ai cũng có trách nhiệm giúp đỡ người khác học tập, thực hiện phương thức học tập suốt đời theo gương Bác Hồ vĩ đại và cũng là phù hợp với xu thế của thời đại.

Nhân dịp năm mới, Chủ tịch muốn nhắn nhủ gì tới những người làm công tác khuyến học cả nước?

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Hội Khuyến học Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tặng Hội bức trướng với 3 dòng chữ vàng:

"Hội khuyến học Việt Nam

khuyến học khuyến tài

xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập"

Khuyến học khuyến tài là chức năng của Hội, còn xã hội học tập là mục tiêu mà hoạt động khuyến học hướng tới. Đó là nhiệm vụ lớn, vẻ vang nhưng rất khó khăn, rất nặng nề. Mỗi người làm khuyến học chúng ta cần luôn tâm niệm về nhiệm vụ này.

Tại chỉ thị 11.CT/TW, ngày 13/4/2007 Bộ Chính trị yêu cầu Hội phải làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Năm mới 2010 đã đến, tôi mong lực lượng khuyến học trong cả nước sẽ thật sự vững mạnh, bởi chỉ như vậy mới làm tốt vai trò nòng cốt mà Bộ Chính trị giao phó. Tôi  có niềm tin vững chắc rằng, Hội Khuyến học chúng ta sẽ không phụ lòng mong đợi của Đảng.

Xin trân trọng cám ơn và chúc Chủ tịch cùng gia đình năm mới an khang, hạnh phúc!
 
Bùi Hoàng Thiên Vân (Thực hiện)
Ảnh: Việt Hưng - Q.Long