Hội chứng "im lặng là yên thân"

Vì thờ ơ, vì ngại nói, chúng ta đã tự từ chối rất nhiều quyền lợi chính đáng của mình ở trường, ở lớp…

Khi sinh viên từ chối quyền được nói

 

N.L (SV K36, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG HN) bức xúc: "Có cái vé gửi xe tháng mà họ cứ lần lữa mãi đến tận giữa tháng mới bán thì còn mua làm gì. Trường đã có quy định đàng hoàng mà toàn bị gây khó dễ. Chẳng lẽ bọn mình lại phải đi kêu ca về một cái vé tháng".

 

"Vé tháng à, biết chứ, nhưng mình chưa mua bao giờ. Cũng có khác gì nhau đâu, mua làm gì , lại cứ phải khư khư giữ cái vé suốt cả tháng, rắc rối thêm"- Đó là ý kiến của Minh- SV năm thứ 4, ĐH Bách khoa HN. Có một điều chắc chắn là không chỉ có mình Minh nghĩ thế.

 

Họ đang nói về chiếc vé gửi xe theo tháng mà ở trường nào cũng có. Nhưng thực tế hiện nay, việc bán vé tháng ở nhà gửi xe của rất nhiều trường đang được thực hiện một cách chiếu lệ.

 

Một lý do dễ hiểu là chẳng ai muốn bán cái vé tháng với giá rất rẻ (xe máy từ 12-15.000đ/tháng, xe đạp từ 6- 8.000đ/tháng), so với việc bán vé xe theo ngày (ít nhất xe máy cũng mất 30.000đ/ tháng, xe đạp mất 15.000đ/tháng).

 

Họ viện ra đủ lý do: nào là đang bận, hay khất lần sang lúc khác. "Thậm chí, có lần ức quá, tụi mình đã hò nhau kéo cả lũ xuống rồi, nhằm hẳn vào lúc ra chơi giữa giờ vắng vẻ để khỏi bị họ từ chối vì đang bận, thế mà cũng chẳng xong. Lý do được đưa ra là bán hết vé tháng rồi, chưa kịp làm vé mới. Trong khi, tụi mình biết thừa là với ai, họ cũng nói vậy cả thôi"- một SV ĐH KT ấm ức kể.

 

Cuối cùng, sau rất nhiều lần như thế, chỉ còn lác đác SV đủ kiên nhẫn để mua được vé tháng. Có thể vì SV nhà ta đã quá chán cái kiểu "anh muốn mua nhưng tôi không muốn bán". Nhưng cũng có thể vì có rất nhiều người thờ ơ như Minh. Vậy là cái quyền lợi tưởng như bé xíu ấy của SV cũng đang bị "xâm phạm".

 

Im lặng có đồng nghĩa với việc chối bỏ quyền lợi?

 

Có một lần, khi nghe tôi than vãn về chuyện họp hành của lớp mình, cậu bạn học Kinh tế đã buông thõng một câu: "Các bà chỉ được cái rắc rối, cứ như lớp tôi, thống nhất ngay từ đầu là bầu Ban cán sự lớp (BCS) và ban chấp hành (BCH) Đoàn một lần thôi. Sau đó thì cần lấy ý kiến hay bầu bán gì thì để các cán bộ tự quyết hết, kiểu gì chúng tôi cũng ok. Đỡ mệt và đỡ mất thời gian".

 

Hỏi thêm ra, cậu ấy còn thừa nhận là có khi cả kỳ học mới được nghe vài cái thông báo của trường, đó là những cái tối cần thiết, không nghe không được. Những cái còn lại, chẳng ai có nhu cầu nghe, nên dần dần, mỗi khi có thông báo gì thì SV phụ trách văn thư cứ thế mà chuyển thẳng tới lớp trưởng, bí thư tự đọc, tự bàn bạc với nhau hết. Rồi thỉnh thoảng, thấy cán bộ lớp kéo nhau đi họp, cũng chẳng ai buồn thắc mắc.

 

Vậy mà, tình trạng này lại không hề hiếm chút nào. Những buổi họp lớp, họp chi đoàn, bầu BCS - BCH Đoàn, bình bầu danh hiệu SV-  đoàn viên, tất cả đều bị coi là chuyện hình thức.

 

Các thành viên trong lớp thờ ơ, nên nhiều khi, dù đáng ra phải tổ chức họp hành tử tế, BCS cũng " lờ" đi luôn, tự quyết hết. Nhưng ngay cả khi rất có trách nhiệm với lớp, họ cũng nhanh chóng cảm thấy chán nản thôi khi cứ phải nhìn thấy cái cảnh mọi người cứ nhảy dựng lên khi nghe chuẩn bị họp lớp: "Vừa đụng đến chuyện họp hành một tí là mọi người lại gào lên, họp làm gì, bỏ qua đi. Rồi đứa đứng, đứa ngồi, xoay ngả xoay nghiêng ra nói chuyện. Bảo làm sao không chán"- Ngọc, một cán bộ lớp than thở.

 

Học hành, bầu bán thì coi là chuyện hình thức. Nhưng đến cả những việc liên quan sát sườn đến việc học, việc thi cử của mình, SV cũng chẳng thèm quan tâm nốt. Hầu như kết thúc môn học nào, thầy cô chẳng dành ra một khoảng thời gian để giải quyết những thắc mắc, những chỗ SV chưa hiểu. Nhưng thường là thầy chỉ nhận được sự im lặng từ phía trò, hoặc cùng lắm thì cả lớp đùn đẩy lớp trưởng lên xin cái đề cương ôn thi. Chấm hết.

 

Dù rất nhiều người trong lớp biết rõ mười mươi là chỗ này, chỗ kia mình không hiểu. Nhưng ngại nói. Và lại thêm một môn học với rất nhiều chỗ hiểu lõm bõm, mơ hồ. Lớp của N.Tiến, ĐH Giao thông - Vận tải còn có sẵn một cái điệp khúc để trả lời thầy là "Hiểu hết rồi thầy ơi, về sớm đi thầy". Thầy cô có nhu cầu được nghe SV đóng góp về cách giảng của mình thì càng vô vọng. Bởi ý nghĩ thường trực trong đầu SV là chẳng dại gì mà nói, khéo bị trù dập. Còn mong làm sao một sự nhiệt tình của thầy cô giáo với mình.

 

Hãy chứng tỏ là mình đang tồn tại

 

Vì thờ ơ, vì ngại nói, vì ngại va chạm, bạn đang tự từ chối rất nhiều quyền lợi chính đáng của mình.

 

Chuyện về chiếc vé tháng trước tiên là chuyện tiết kiệm tiền. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ để bạn phải quan tâm đến nó. Đừng nghĩ là ít khi bạn tiết kiệm được một khoản chi không đáng có. Mà hơn thế, đó chính xác là quyền lợi của bạn, thuộc về sự lựa chọn của bạn chứ không phải là của những người giữ xe. Không thể vì những lý do phi lý nào đó mà họ có thể lấy đi cái quyền đó. Và nếu thấy bức xúc thì bạn hãy trình bày nó ra. Muốn được lắng nghe thì trước tiên bạn phải dám nói.

 

Bạn cũng coi bầu bán, họp hành chỉ là chuyện hình thức và thờ ơ với nó. Nhưng liệu nó còn là chuyện hình thức nữa hay không khi một ngày bạn nhận ra, chính BCS- BCH Đoàn đang thờ ơ với quyền lợi của lớp, của chính bạn.

 

Lớp phó học tập không liên hệ giáo trình học cho lớp, rồi bạn thắc mắc là sao mình đủ tiêu chuẩn mà chẳng có tên trong danh sách SV xuất sắc. Hay chỉ đơn giản là có hoạt động gì đó rất thú vị mà mãi đến khi nó kết thúc, bạn mới biết, chỉ vì không được nghe thông báo...

 

Khi ở trường ĐH, vai trò của giáo viên chủ nhiệm gần như không còn, thì cán bộ lớp sẽ chính là những người liên quan trực tiếp đến quyền lợi của bạn. Đến lúc ấy, các bạn mới cảm thấy tiếc vì đã bỏ qua mọi sự như thế.  Đang chuẩn bị thủ tục hồ sơ để xét duyệt vào Đảng, đùng một cái nhận được thông báo là Đoàn trường không cấp giấy giới thiệu lên chi bộ, vì không đủ tiêu chuẩn.

 

Xuống tận văn phòng Đoàn để hỏi lại, mới biết mình không được cấp giấy vì những nhược điểm ghi trong một cái biên bản họp của chi đoàn. Mà cuộc họp ấy diễn ra khi nào ở đâu thì chẳng ai biết vì thực chất nó có được tổ chức đâu. Lúc ấy, chỉ còn biết nhìn nhau và tự trách mình "sao thờ ơ đến thế". Đó là câu chuyện của cô bạn tôi.

 

Chúng ta vẫn thường nhắc đến dân chủ trong học đường. Hãy bắt đầu từ chính bạn. Và trước tiên là biết tự bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình.

 

Theo Sinh Viên Việt Nam