Hội nghị “nóng” về tuyển sinh ĐH, CĐ 2007

(Dân trí) - Ngày 9/1, Hội nghị tuyển sinh năm 2007 diễn ra đồng thời tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ dưới hình thức cầu truyền hình. Gần 1.000 nhà giáo dục đã thảo luận cụ thể về các vấn đề đổi mới trong mùa tuyển sinh tới.

Tại Hội nghị, 3 vấn đề mới đã được thông qua là:

 

1. Tổ chức thi trắc nghiệm đối với các môn Ngoại ngữ, Vật lí, Hóa học, Sinh học cho các thí sinh trong hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007.

 

2. Các trường CĐ chỉ tổ chức thi trong một đợt vào các ngày 15 và 16/7. Đối với các môn thi Ngoại ngữ, Vật lý, Hoá học, Sinh học, các trường CĐ sẽ thi bằng hình thức thi trắc nghiệm và thi chung đề do Bộ GD- ĐT chịu trách nhiệm ra đề.

 

3. Học sinh đạt giải quốc gia không được tuyển thẳng vào ĐH nhưng được ưu tiên khi xét tuyển vào ĐH.

 

Mở rộng đường cho thí sinh dự thi

 

Năm 2007, có 3 hướng đổi mới rất có lợi cho việc mở rộng đường cho thí sinh đến với cổng trường ĐH. Đó là:

 

1. Thực hiện đổi mới phương thức giao chỉ tiêu tuyển sinh Đ, CĐ. Theo đó, các trường tự đề xuất mức chỉ tiêu phù hợp với “sức” đào tạo của mình, Bộ sẽ căn cứ các tiêu chí về đảm bảo điều kiến chất lượng đào tạo (số sinh viên/giảng viên, diện tích sử dụng/sinh viên, trang thiết bị phục vụ đào tạo…) để chấp thuận hay không việc tự đề xuất chỉ tiêu này của các trường và sẽ thông báo kết quả trước ngày 28/2/2007. Theo đó, các trường có thể được phép tăng 10% chỉ tiêu so với năm 2006.

 

2. Để thí sinh chủ động lưa chọn ngành học và trường dự thi, những ngành có quyết định mở trước ngày 31/7/2006 sẽ được đưa vào cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007” phát hành vào đầu tháng 3. Đối với những ngành mở sau ngày này sẽ chỉ được phét tuyển sinh vào năm 2008.

 

3. Đặc biệt năm nay, quy định mới cởi mở về khu vực dự thi đã giảm thiểu những khó khăn cho thí sinh: Thí sinh có hộ khẩu thườg trú tại tỉnh, thành phố được chỉ định dự thi tại cụm thi TP Vinh, Quy Nhơn, hoặc Cần Thơ nhưng tốt nghiệp THPT tại các thành phố khác thì không bắt buộc phải dự thi tại cụm thi được chỉ định theo hộ khẩu thường trú.

 

5 năm thực hiện “3 chung”: Hạ nhiệt tỷ lệ “chọi”

 

Theo các thống kê của Bộ GD-ĐT sau 5 năm thực hiện “3 chung”, đã có những dịch chuyển đáng kể trong xu hướng chọn trường của thí sinh cũng như sự trồi sụt thất thường về tỷ lệ đỗ giữa các địa phương cũng hiện ra ngày một rõ nét.

 

Nếu như trong năm 2001, tỷ lệ chọi của hai ĐH Sư phạm Hà Nội và Sư phạm THHCM đều đứng đầu bảng với tỷ lệ 1 chọi 30,5 và 1 chọi 20,85 thì sang đến năm 2006, tỷ lệ này chỉ còn 5,74 và 10,43.

 

Trong top 5 trường ĐH có tỷ lệ chọi cao hàng năm là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Kinh tế quốc dân thì tỷ lệ chọi của ĐH Bách khoa vào hàng thấp nhất khi chỉ có 1 chọi 1,21 thí sinh vào năm 2006. Tiếp đến là ĐH Kinh tế quốc dân chỉ có 1/2,37, ĐH Quốc gia Hà Nội 1/4,10; ĐH Quốc gia TPHCM 1/4,40.

 

Sau 5 thực hiện “3 chung” thì cơ hội đỗ ĐH của thí sinh thuộc KV3 đã giảm đáng kể. Nếu như năm 2001, thí sinh KV3 đỗ ĐH chiếm tới 23,50% thì sang đến năm 2006, con số này chỉ là 13,76%.

 

Tỷ lệ đỗ ĐH tại các địa phương qua các bảng thống kê cũng đưa ra những kết quả đáng kinh ngạc khi có những địa phương có những thay đổi cực kỳ thất thường về tỷ lệ đỗ của thí sinh. Chẳng hạn như Lai Châu, năm 2003, tỷ lệ đỗ của thí sinh là 11,72% nhưng đến năm 2006, tỷ lệ này chỉ là 4%. Lai Châu cũng là địa phương có tỷ lệ học sinh đỗ ĐH thấp nhất trong cả nước. Bắc Kạn năm 2003 có 14,36 % thí sinh đỗ ĐH nhưng năm 2006 chỉ có 7,76%.

 

Tình hình tỷ lệ đỗ ĐH của  thí sinh thuộc các thành phố lớn là ổn định hơn cả như Hà Nội, tỷ lệ đỗ của các năm 2003, 2004, 2005, 2006 đều đều ở mức từ 15 đến gần 18%, TPHCM trong khoảng từ 15 đến hơn 16%, Hải Phòng trong khoảng từ 17 đến 24%…

 

Lưu ý khi làm bài trắc nghiệm

 

Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ tháng 7/2007, Bộ GD-ĐT ra đề theo hình thức trắc nghiệm hoàn toàn đối với các môn ngoại ngữ (gồm cả bốn thứ tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Trung), sinh học, vật lý và hóa học.

 

Bộ GD-ĐT đã thống nhất đối với mỗi môn thi trắc nghiệm thời gian làm bài là 90 phút. Thí sinh sẽ làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm được in sẵn theo qui định của Bộ GD-ĐT và chấm bằng máy chấm chuyên dụng.

 

Đề thi trắc nghiệm cũng được in sẵn, phát cho từng thí sinh. Tất cả các câu trắc nghiệm trong đề thi của cả bốn môn đều theo mẫu có bốn lựa chọn: A, B, C, D. Trong đó chỉ có một câu trả lời đúng.

 

Đề thi gồm hai phần: Phần câu hỏi bắt buộc đối với tất cả thí sinh và phần câu hỏi tự chọn theo nội dung chương trình THPT phân ban. Thí sinh chỉ được làm 1 lựa chọn. Nếu làm cả hai phần lựa chọn (dù làm hết hay không hết), toàn bộ bài làm vẫn coi như bị phạm quy và không được chấm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mai Minh