Hội thảo tầm quốc gia đầu tiên về Việt Nam học

(Dân trí) - “Nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam học trước hết là để cho người Việt Nam hiểu về đất nước, con người mình…” - Viện trưởng viện nghiên cứu văn hoá Phương Đông khái quát trong chương trình hội thảo quốc gia về Việt Nam học hôm qua, 28/4.

Sau Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 3 (tháng 12/2008), khẳng định vị thế và tầm quan trọng của ngành, trường ĐH Sư phạm Hà Nội với tư cách là một trong những cơ sở đầu tiên nghiên cứu, đào tạo ngành học này được giao tổ chức hội thảo quốc gia liên quan đến lĩnh vực đào tạo. Cuộc hội thảo với chủ đề “Nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học trong các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp hiện nay” đặt ra nhiều vấn đề phát triển ngành học.
 
Hội thảo có sự tham gia của hầu hết các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về Việt Nam học trong và ngoài nước, đại diện các cơ sở hiện đang mở mã ngành đào tạo Việt Nam học trong cả nước như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Sài Gòn, Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu, Cao đẳng Cần Thơ v.v…
Hội thảo tầm quốc gia đầu tiên về Việt Nam học - 1

GS.TS Phạm Đức Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Phương Đông, nói: “Nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam học trước hết là để cho người Việt Nam hiểu về đất nước, con người Việt Nam, biết cách gìn giữ, khai thác và phát huy những giá trị và di sản truyền thống của dân tộc. Sau đó là làm cho hình ảnh của Việt Nam được khẳng định trong con mắt của bạn bè quốc tế”.

Suốt cuộc hội thảo, nhiều ý kiến bàn luận tranh luận được đưa ra cho việc xác định nhiệm vụ, mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học ở các cơ sở có mở mã ngành này.

PGS.T. Lê Quang Hưng, Chủ nhiệm khoa Việt Nam học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: “Đào tạo cử nhân Việt Nam học nhằm mục tiêu cung cấp những kiến thức cơ bản, có tính hệ thống, hiện đại và thiết thực về đất nước, con người Việt Nam, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng đi sâu nghiên cứu, giảng dạy về Việt Nam học, có thể công tác trong các ngành văn hóa, du lịch, làm việc trong các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội… ở trong và ngoài nước”.
Hội thảo tầm quốc gia đầu tiên về Việt Nam học - 2
Ảnh: terragalleria.com

Để củng cố, phát triển ngành Việt Nam học đang có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, cần có nhiều điều kiện cũng như sự năng động của từng cơ sở đào tạo. Nhưng quan trọng nhất là đã đến lúc thành lập một hội đồng chuyên môn cấp quốc gia, một tổ chức đầu não để hoạch định chiến lược phát triển, bàn bạc và soạn thảo chương trình. Đồng thời, cũng cần có một diến đàn chung, một hội thảo cấp quốc gia hàng năm về Việt Nam học để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các cơ sở đào tạo có thể gặp gỡ, công bố các công trình nghiên cứu về Việt Nam, thảo luận, đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học.

Các nhà chuyên môn kỳ vọng hội thảo sẽ được tổ chức thường niên trong thời gian tới.
 

Gần đây, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Anh, Na Uy, Thụy Điển, Thái Lan, Singapo, Malaysia, Indonesia, Philippin, Campuchia, Lào đã mở mã ngành nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học. Ở Việt Nam, mã ngành Việt Nam học đã và đang được đào tạo ở hơn 70 cơ sở, chủ yếu là các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong cả nước.

 
 
 
 
Minh Huệ