Hội thảo Thực trạng Trung tâm học tập cộng đồng và định hướng tiêu chí đánh giá

(Dân trí) - Ngày 25/11, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu tư vấn Giáo dục và các vấn đề xã hội phối hợp với Quĩ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng Trung tâm học tập cộng đồng và định hướng phát triển tiêu chí đánh giá”.

Hội thảo Thực trạng Trung tâm học tập cộng đồng và định hướng tiêu chí đánh giá

Tham gia Hội thảo có các chuyên gia giáo dục, các Trưởng, Phó Ban của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, lãnh đạo và chuyên gia Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội học tập thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP Cần Thơ, Hà Tĩnh, các Giảm đốc, Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng các xã phường thuộc các tỉnh trên là mô hình thí điểm theo Đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam đã tới dự và chủ trì Hội thảo, phát biểu với Hội nghị, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh: Trước xu thế phát triển học tập trong cộng đồng của thế giới, Việt Nam đã và đang nỗ lực phát triển các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) tại cấp xã, phường theo tư tưởng chiến lược xây dựng xã hội học tập (XHHT) từ cơ sở.

Ngày 9/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”. Đề án đã đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2015 và mục tiêu đến năm 2020. Đến nay, ở Việt Nam đã có gần 11.000 TTHTCĐ. Có thể coi TTHTCĐ như những công cụ thiết yếu để xây dựng XHHT. Đứng trước sự nghiệp xây dựng XHHT ở nước ta, TTHTCĐ cần được củng cố và xây dựng theo hướng nào, mô hình nào và các tiêu chí để đạt chuẩn TTHTCĐ là một vấn đề cần bàn, cần khảo sát và đánh giá cụ thể.

Tại Hội thảo, Hội nghị đã được nghe giới thiệu “Thực trạng các TTHTCĐ qua khảo sát tại Thái Bình, Hà Tĩnh, Cần thơ” của PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Kết quả khảo sát đã cho thấy thực trạng của các TTHTCĐ đang còn nhiều bất cập, đó là thiếu hệ thống văn bản pháp qui, kế hoạch chiến lược và kế hoạch phục vụ cho hoạt động thường xuyên của TTHTCĐ có nơi có nhưng chưa hoàn chỉnh; giáo viên đa số là giáo viên các trường phổ thông được biệt phái, không có giáo viên chuyên trách nên chưa đáp ứng được yêu cầu “cần gì học nấy” của dân; cơ sở vật chất quá nghèo, quá thiếu (thiếu bàn ghế, nhiều TTHTCĐ chưa có máy vi tính, máy chiếu, chưa kết nối mạng, không loa, không mic, còn có nơi không có bảng đen, vì vậy phải học “chay”; không có trụ sở làm việc cho ban giám đốc, lớp học thậm chí còn phải mượn… bởi kinh phí chỉ được cấp ban đầu khi thành lập, nhưng cũng chỉ là tượng trưng, khi đi vào hoạt động lại không có kinh phí, những người tham gia quản lý TTHTCĐ không có chế độ gì, nếu có mỗi tháng cũng chỉ hai - ba trăm ngàn đồng…

Hội thảo Thực trạng Trung tâm học tập cộng đồng và định hướng tiêu chí đánh giá


Nhiều khảo sát cho thấy hiện chỉ có 30% TTHTCĐ hoạt động có hiệu quả, còn lại là hoạt động “cầm chừng” do không đủ cơ sở vật chất và tài chính, thiếu giáo viên … Qua khảo sát, ý kiến của nhiều ban quản lý TTHTCĐ cho rằng: Đã là thiết chế giáo dục, Nhà nước phải có đầu tư, thống nhất cơ chế chính sách, tài chính, nếu cứ để tình trạng như hiện nay thì nhiều TTHTCĐ chỉ là “hữu danh vô thực”, nếu có hoạt động thì cũng không hiệu quả.

Hội nghị đánh giá cao mô hình TTHTCĐ xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.Theo ông Phạm Quang Phúng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học, Phó Giám đốc TTHTCĐ xã Thanh Tân: “Nhờ có sự vào cuộc của Đảng bộ, chính quyền địa phương, với vai trò nòng cốt liên kết của Hội Khuyến học, TTHTCĐ xã đã làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về tiến trình xây dựng xã hội học tập, xây dựng nông thôn mới thông qua các buổi học tập, các lớp chuyên đề.

Trung tâm đã giúp cấp ủy, chính quyền hoàn thiện và trình diễn quy trình xây dựng nông thôn mới, để lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ và nhân dân trong xã. Ban Tuyên giáo huyện ủy, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đã đánh giá cao và triển khai quy trình của Thanh Tân tới 37 TTHTCĐ trong huyện. Tổ chức hội nghị tập huấn cán bộ chủ chốt của xã, thôn, từng bước triển khai quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" góp phần xây dựng xã thành "Xã học tập", góp phần nâng cấp các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Các bài tham luận của Ông Hồ Văn Ngộ đại biểu TP Cần Thơ và Giám đốc TTHTCĐ xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc hiện nay của các TTHTCĐ, đồng thời khẳng định vai trò không thể thiếu của TTHTCĐ đối với Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng” Theo Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Lương Thanh