Hơn 1.000 học sinh chậm được nhận gạo hỗ trợ học tập

(Dân trí) - Gần hết học kỳ 1, năm học 2013 - 2014, nhưng hơn 1.000 học sinh thuộc diện chính sách của huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hóa vẫn chưa được nhận gạo hỗ trợ cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Quan Hóa là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Điều kiện tự nhiên nơi đây còn nhiều khó khăn, nhất là điều kiện địa hình làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành của các em học sinh. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các em học sinh thuộc diện chính sách có thêm điều kiện thuận lợi đến trường.

Hơn 1.000 học sinh chậm được nhận gạo hỗ trợ học tập
Điều kiện dạy và học của các thầy cô giáo, học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn, nhất là tại các khu lẻ như khu Cốc.

Trường THCS Hồi Xuân, xã Hồi Xuân có 186 học sinh, trong đó có nhiều em phải ở bán trú tại trường do nhà ở xa, cách trở đò ngang. Trong đó có 50 học sinh thuộc diện được nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên đến nay đã sắp hết học kỳ 1, nhưng các em thuộc diện được hỗ trợ mới nhận đến tháng 5/2013. Việc chậm được nhận gạo hỗ trợ học tập gây không ít khó khăn cho các em học sinh nơi đây.

Theo nhận định của thầy Hàn Linh, hiệu trưởng trường THCS Hồi Xuân, nếu học sinh được nhận hỗ trợ hàng tháng thì các em sử dụng được hợp lý hơn. Việc nhận cùng một lúc thì học sinh thường hay sử dụng vào những việc khác như mua quà bánh, điện thoại…

Cũng theo thầy Linh, học sinh nơi đây rất nghèo, việc hỗ trợ không hợp lý sẽ khó khăn cho các em hơn. Nhiều học sinh con gia đình khó khăn, không đủ chi cho con cả tuần nên có khi cứ vài ba ngày, các em học sinh lại phải xin thầy cô cho về nhà lấy lương thực, tiền chi phí ăn ở học tập.

Hiện tại, học sinh thuộc diện chính sách được hỗ trợ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ; chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú.

Theo ông Phạm Anh Toàn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quan Hóa, đối với chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định 85, em học sinh nào đăng ký ở bán trú mới được xét duyệt.

Toàn huyện Quan Hóa có 1.031 học sinh nằm trong diện được hỗ trợ theo các chính sách theo quy định của Nhà nước. Theo ông Toàn, việc hỗ trợ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập năm học 2013 - 2014 đã giao kinh phí về cho các trường, đến nay đã triển khai chưa thì Phòng chưa kiểm tra lại.

Hầu hết, các chế độ chính sách, Phòng đã triển khai hoàn tất các thủ tục cũng như việc thực hiện đến các đơn vị trường học. Hiện việc hỗ trợ gạo bán trú cho học sinh đến nay các trường chưa nhận được.

“Ngay sau khi có Quyết định thì Sở chỉ đạo báo cáo số lượng, rà soát đối tượng chính xác. Hiện đã hoàn thành thủ tục chờ trên cấp về. Quan Hóa là huyện nghèo, Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ các chính sách rất phù hợp, thúc đẩy phong trào giáo dục địa phương. Minh chứng cho sự đúng đắn của chính sách hỗ trợ là tỷ lệ chuyển cấp hiện nay là trên 76%, trước đây hàng năm chưa đến 50%”, ông Toàn đánh giá.

Việc đi lại của học sinh rất vất vả.
Việc đi lại của học sinh rất vất vả.

Bên cạnh công tác tuyên truyền thì việc thực hiện chế độ chính sách giúp các em có động lực học tập. Qua khảo sát của ngành giáo dục Quan Hóa cho thấy, tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm không có; tỷ lệ phổ cập Tiểu học và THCS tăng lên và được củng cố vững chắc, hiện nay với tiểu học là 94%, THCS 89,1%...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế, đã xuất hiện một số bất cập, đó là các chính sách nhằm hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh, nhưng lại được cấp dồn thành từng đợt. Đó là chưa kể nhiều lúc việc hỗ trợ chậm làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc học của các em học sinh.

Ông Toàn băn khoăn: “Phụ huynh nhận hỗ trợ xong có chi phí lại cho việc học của con hay tới đây có sửa đổi hay không chính sách hỗ trợ. Phòng đã tuyên truyền cho các nhà trường. Cũng có những phụ huynh nhờ nhà trường giữ hộ”.

Duy Tuyên