Hội Khuyến học Việt Nam:

Họp báo Đại hội thi đua, tôn vinh "hiếu học, khuyến học" toàn quốc lần thứ III

(Dân trí) - Sáng nay 1/10, Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức họp báo về Đại hội thi đua và biểu dương phong trào xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học toàn quốc lần thứ III - năm 2013 được tổ chức vào ngày 9/10 tới.

Họp báo Đại hội thi đua, tôn vinh hiếu học, khuyến học toàn quốc lần thứ III

Chủ trì buổi họp báo, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, về tình hình chung của phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học trong thời gian vừa qua đã tăng đáng kể. Hiện cả nước có hơn 10,6 triệu hội viên khuyến học và của nhân dân ở khắp các địa phương trong toàn quốc. Về dự Đại hội, dự kiến có 393 đại biểu gồm 176 đại biểu gia đình hiếu học xuất sắc đại diện cho trên 5,5 triệu gia đình hiếu học, 75 đại biểu xuất sắc đại diện cho gần 6 vạn dòng họ hiếu học, 75 đại biểu xuất sắc đại diện cho 20 vạn cộng đồng khuyến học trong toàn quốc.

GS Phạm Tất Dong cho hay, nếu như tại Đại hội toàn quốc biểu dương các gia đình hiếu học tiêu biểu (2004), nghĩa là chỉ tôn vinh danh hiệu gia đình hiếu học, thì đến Đại hội lần thứ II, phong trào thi đua đã tôn vinh 2 danh hiệu. Đó là danh hiệu Gia đình hiếu học và Dòng họ khuyến học. Tại Đại hội này, chúng ta tôn vinh 3 danh hiệu: Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học.

Khuyến học không đơn thuần là một phong trào quần chúng

Đánh giá tổng quát về phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài và thực trạng của cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học. GS Phạm Tất Dong khẳng định: “Phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài do Hội Khuyến học Việt Nam phát động và chỉ đạo không chỉ đóng khung trong phạm vi của gần 11 triệu hội viên, mà ngày càng mở rộng trên các địa bàn dân cư, được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Hoạt động khuyến học, khuyến tài trong 17 năm qua đã phát huy được truyền thống hiếu học của dân tộc ta, do đó, thi đua khuyến học, khuyến tài đã trở thành phong trào sâu rộng trên khắp các địa bàn dân cư trong cả nước. Từ Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ I (26/10/2000) đến nay, trải qua 13 năm phát triển, phong trào thi đua chưa bao giờ bị gián đoạn và chưa có biểu hiện chùng lại ở bất cứ thời điểm nào.

Theo GS Phạm Tất Dong, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Hội Khuyến học Việt Nam, chủ trương hướng mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài vào xây dựng xã hội học tập đã được đưa vào Nghị quyết với tư cách là sự định hướng cơ bản của toàn bộ chương trình và kế hoạch khuyến tài. Nói cách khác, xây dựng xã hội học tập là mục tiêu chiến lược, là nhiệm vụ chính trị của sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, các hoạt động như xây dựng và phát triển tổ chức và hội viên, đa dạng hóa các loại hình Qũy khuyến học khuyến tài, phát triển mạng lưới Trung tâm học tập  cộng đồng và các thiết chế giáo dục không chính quy dành cho người lớn, xây dựng gia đình và dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học… đều là các mũi giáp công, tiến hành đồng bộ để đạt tới một xã hội học tập phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước nhà.

Để đạt được mục tiêu xây dựng xã hội học tập ở nước ta, công tác khuyến học, khuyến tài không còn đơn thuần là một phong trào quần chúng, mà là một sự nghiệp đòi hỏi Hội Khuyến học Việt Nam, từ Trung ương Hội đến các cấp Hội ở địa phương, phải nỗ lực về nhiều phương diện, lúc thì phải tuyên truyền giác ngộ cho mọi người về đường lối giáo dục của Đảng.

"Không chỉ vậy, lúc lại tiến hành hàng loạt những công việc đòi hỏi phải am hiểu chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, lúc khác phải tổ chức hàng loạt công việc có tính chất an sinh xã hội, đặc biệt là giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có được năng lực đối diện với những khó khăn để tiếp cận giáo dục thường xuyên, lúc lại tạo cơ hội cho các tài năng phát triển như một yếu tố không thể thiếu được khi xây dựng một xã hội công nghiệp và định hướng phát triển kinh tế tri thức… Nhưng quan trọng hơn cả là các lực lượng khuyến học, khuyến tài đã dần dần nhận ra rằng, khuyến học, khuyến tài định hướng xã hội học tập còn là một hoạt động khoa học, làm khuyến học khuyến tài phải có lý luận, có cách tiếp cận hợp lý, có kế thừa kinh nghiệm quá khứ và có tiếp thu những giá trị, những bài học của thế giới và tìm kiến các con đường đi tới một xã hội học tập hiện thực" - GS Dong nhấn mạnh.

Hồng Hạnh