Hà Nội:

HS lớp 5 chưa viết được tên: Phải có sự “chung tay” của phụ huynh và nhà trường

(Dân trí) - Theo tiến sỹ tâm lý lâm sàng Trần Văn Công, trường hợp em L.Đ.T nếu chỉ can thiệp từ một phía, ví dụ như chỉ nhà trường hay chỉ gia đình thì hiệu quả sẽ thấp mà cần có sự phối hợp giữa cả hai bên.

Vừa qua, Báo điện tử Dân Trí phản ánh trường hợp em học sinh L.Đ.T (11 tuổi) ở Hà Nội học tới lớp 5 Trường tiểu học Phương Liệt (Thanh Xuân, Hà Nội) không viết được tên mình.

Phía gia đình nói rằng em T. chỉ chậm tiếp thu, phía nhà trường xác định em L.Đ.T có những dấu hiệu trẻ tự kỷ nên xếp em T. vào diện học sinh khuyết tật chỉ cho đi học để hòa nhập với các bạn chứ không xếp loại và lập học bạ.

Em T. học đến lớp 5 vẫn không viết được tên của mình

Em T. học đến lớp 5 vẫn không viết được tên của mình

Để có cái nhìn rõ hơn về các dấu hiệu của trẻ tự kỷ, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ tâm lý lâm sàng Trần Văn Công, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
 

Thưa Tiến sỹ Trần Văn Công, trẻ tự kỷ thường có dấu hiệu như thế nào, đặc biệt là ở độ tuổi tiểu học?

 

Rối loạn phổ tự kỷ (gọi tắt là tự kỷ) theo tiêu chí chẩn đoán của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, phiên bản 5 (DSM-5) bao gồm hai nhóm triệu chứng chính là (1) suy yếu, khiếm khuyết về giao tiếp xã hội và (2) hành vi, sở thích định hình, hạn hẹp, lặp lại.

 

Tự kỷ có thể được chẩn đoán bắt đầu từ khoảng 18 tháng đến 2 tuổi bởi các nhà chuyên môn có đào tạo, với quy trình và công cụ phù hợp, và đến 6 tuổi (tức ở độ tuổi đầu tiểu học) thì các triệu chứng bộc lộ khá rõ ràng.

 

Tự kỷ hiện nay được nhìn nhận như là một “phổ”, có nghĩa là nó có thể dao động từ rất nhẹ, khó nhận biết (và dễ nhầm lẫn với đặc điểm tính cách, cách sống) cho đến rất nặng và có thể “thấy ngay” bằng “mắt thường”.

 

Vấn đề giao tiếp xã hội ở trẻ tự kỷ được đặc trưng bởi những khiếm khuyết, sự non nớt và bất thường về giao tiếp xã hội, ít không có, hoặc kém chất lượng trong giao tiếp mắt, sử dụng ngôn ngữ, sử dụng hành vi giao tiếp không lời, trong sự giao tiếp và tương tác xã hội qua lại, trong bộc lộ và chia sẻ cảm xúc và chú ý.
 
Ở lứa tuổi tiểu học, nhiều trẻ tự kỷ sẽ không đi học hay hòa nhập được ở trường. Một số trẻ tự kỷ ở mức độ “nhẹ” hoặc ít kèm theo các vấn đề hành vi hay trí tuệ có thể đi học và hòa nhập ít nhiều, tuy vậy thường thấy là các em không hứng thú, không có, rất ít hoặc không biết làm thế nào để giao tiếp với bạn bè cùng lứa, để có các mối quan hệ bạn bè. Trẻ thường không có bạn và hiếm khi thấy chơi, vui đùa với bạn, hay về nhà kể về bạn bè với bố mẹ.

 

Vấn đề hành vi, sở thích của trẻ tự kỷ được đặc trưng bởi sự nhấn mạnh tính giống nhau, đơn điệu, lặp đi lặp lại, hạn hẹp, thiếu tính đa dạng, thiếu tính tưởng tượng và sáng tạo trong việc chơi đồ chơi, sinh hoạt hàng ngày, lựa chọn sở thích và hoạt động, v.v.

 

Ngoài ra, trẻ tự kỷ cũng hay gặp các vấn đề về hành vi, ví dụ hành vi gây hấn, xung động và gặp các vấn đề về cảm giác như các rối loạn hay bất thường về cảm giác. Tự kỷ cũng hay liên quan tới vấn đề trí tuệ, cụ thể là một tỉ lệ không nhỏ trẻ tự kỷ cũng kèm theo khuyết tật trí tuệ.

 

Cần lưu ý là không phải trẻ tự kỷ nào cũng có tất cả những triệu chứng trên, và việc có một số biểu hiện nêu trên cũng chưa đủ để khẳng định là trẻ bị tự kỷ.

 

Cụ thể như trường hợp em T., có cần được thăm khám để đánh giá xem em có thuộc diện trẻ tự kỷ hay không ?

 

Tất nhiên là em T. nên được thăm khám, đánh giá và chẩn đoán càng sớm càng tốt xem đang bị vấn đề gì để có hướng can thiệp, hỗ trợ hay điều trị phù hợp. Điều này nên làm ngay từ khi T. bắt đầu bộc lộ những khó khăn về học tập hay sinh hoạt hàng ngày nhiều năm trước đây. Đối với những rối loạn hay vấn đề phát triển ở trẻ em, chìa khóa là phát hiện sớm và can thiệp sớm.

 

Nếu không được khám để xem xét T. đang gặp phải chính xác là vấn đề gì, gia đình và nhà trường vẫn sẽ bối rối không biết cần làm gì cho trẻ, và kể cả có làm thì không biết là điều mình làm có hiệu quả, có tốt và phù hợp nhất hay không. Nếu không hiệu quả thì hai bên lại dễ đổ lỗi cho nhau.

 

Đối với trẻ có biểu hiện như em T., gia đình và nhà trường cần quan tâm và có biện pháp như thế nào ?

 

Qua mô tả về T. từ báo chí, mặc dù chưa dám xác định là em đang gặp phải vấn đề gì, nhưng có vẻ em đang có khó khăn về học tập (kết quả học tập thấp, chưa viết được tên, chưa làm được các phép tính đơn giản), khả năng nhận thức (tiếp thu chậm, học trước quên sau) và hành vi (theo nhận xét của giáo viên chủ nhiệm trong sổ liên lạc khi em lớp 3).
 
Việc can thiệp nếu chỉ từ một phía, ví dụ như chỉ nhà trường hay chỉ gia đình thì hiệu quả sẽ thấp hơn là có sự hợp tác, kết hợp giữa cả gia đình và nhà trường. Tuy vậy điều này không phải lúc nào cũng khả thi, nhất là ở Việt Nam hiện nay.

 

T. đang gặp khó khăn vì học tập và khả năng nhận thức thì nên có sự hỗ trợ thêm về học tập, thu xếp chương trình phù hợp với cháu để cháu có thể vừa hòa nhập, vừa được hỗ trợ thêm cá nhân (theo kiểu một thầy/cô kèm một trò).
 
Nếu đúng là cháu có khó khăn về khả năng nhận thức, nên có kỳ vọng phù hợp về khả năng học tập của cháu để tránh sự chán nản của chính trẻ, sự thất vọng của gia đình hoặc thầy cô giáo. Học và lên lớp giúp trẻ có môi trường hòa nhập, nhưng cũng cần quan tâm đến sự hài hòa về tâm lý – xã hội để trẻ có cuộc sống tự lập sau này.

 

Với vấn đề hành vi, cần có sự tư vấn từ phía những nhà chuyên môn (ví dụ tâm lý) để có cách can thiệp và hỗ trợ. Vấn đề hành vi của trẻ cũng nên được can thiệp sớm bởi càng lớn càng khó và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bản thân trẻ và cả gia đình.

 

Xin cảm ơn ông!

 
Lê Tú