Huế: Ít SV ra trường thất nghiệp nhưng lãng phí trình độ ĐH

(Dân trí) - Ngày 14/3, ông Hoàng Văn Phước, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết về tình hình người có trình độ đại học (ĐH) thất nghiệp tại địa bàn tỉnh.

Người có bằng ĐH làm lệch nghề nhiều

Theo đó, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 45.355 người có trình độ ĐH. Trong độ tuổi lao động hiện có 41.488 người có trình độ ĐH. Thuộc số này có 1.532 người thất nghiệp, chiếm tỷ lệ 3,68%. Tuy chiếm tỷ lệ ít, nhưng những người có trình độ ĐH đã có việc cũng không ít người đang làm ở những công việc ít liên quan đến trình độ của họ. Như những lĩnh vực thiên về lao động chân tay, kỹ năng, nghề... Chưa kể đến chuyện trái ngành nghề.
 
Theo khảo sát của PV, hiện mỗi năm khối ĐH Huế đào tạo ra trung bình trên 10.000 tân cử nhân có trình độ ĐH. Bên cạnh đó là hơn 5.000 người nữa đến từ các trường ĐH dân lập, Cao đẳng, Trung cấp... Khoảng hơn một nửa số này là người ngoại tỉnh. Ngoài về quê, những sinh viên vừa tốt nghiệp không phải người Huế ở lại tỉnh TT-Huế để kiếm thêm cơ hội việc làm không phải là ít. Trừ đi một số bạn trẻ Huế vào Nam, ra Bắc tìm việc làm thì số lượng người ra trường ở Huế cũng vào loại khá. Do đó, đã đẩy sự cạnh tranh về công việc của những bạn gốc Huế và ngoại tỉnh ngày thêm căng thẳng. Năm qua năm, lượng người thất nghiệp cứ dồn lại tạo gánh nặng cho xã hội. Nhiều tệ nạn, vụ án hình sự mà đối tượng đã có học ĐH, tốt nghiệp THPT nhưng vô công rồi nghề gia tăng trong thời gian qua tại cố đô.
 
Việc làm ở các công sở nhà nước vô cùng ít, chỉ tính trên đầu ngón tay. Như đợt thi tuyển công chức, viên chức mới đây, lấy thí dụ ngay Sở Lao động, Thương binh và xã hội chỉ có 4 chỉ tiêu nhưng có 45 đơn nộp, chiếm tỷ lệ hơn 1/11, Sở Tài chính có 6 chỉ tiêu thì có 60 hồ sơ nộp, tỷ lệ 1/10. Con số này theo ông Phước miêu tả là “còn khó hơn tỷ lệ chọi vào đại học”.
 
Những ngành được ưa chuộng các năm qua như tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, sư phạm... giờ cũng đang đến mức bão hòa vì sinh viên ra trường ít tìm được việc làm. Không ít cử nhân Tin học đang làm trong các công ty vi tính với vị trí lắp ráp máy, sửa máy cho khách hay tư vấn..., sinh viên sư phạm không tìm được việc nên phải đăng ký dạy gia sư cho những trung tâm luyện thi hay mở lớp tại gia và ... chờ người đến học. Hay sinh viên kinh tế ra vỉa hè bán quần áo giá rẻ, café. Đây cũng là những trường hợp được xem “còn chút may mắn” khi “nghề” hiện tại vẫn còn liên quan chút ít đến tấm bằng đào tạo ĐH của họ trên giảng đường.
 
Sự trái ngược
 
“Tôi thấy có ngành không cần trình độ ĐH nhưng người có bằng ĐH vẫn vào nhiều như làm nhân viên ở siêu thị Big C vì lương cao. Có người là nhân viên sauna ở resort 5 sao Laguna. Có lẽ định hướng giáo dục cần có quy hoạch hơn nữa, như nên đào tạo nghề nhiều hơn chứ đừng đào tạo quá nhiều con người hàn lâm, thì sẽ đỡ lệch và phí về trình độ/công việc mà các bạn trẻ tốt nghiệp ra trường đang đối mặt” - ông Phước góp ý.
 
Hiện vấn đề “thừa thầy thiếu thợ” tại Huế vẫn còn một số vấn đề. Như nhiều bạn trẻ không chịu đi làm việc chân tay, tiếp tục đi học tiếp lên để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ, song song với tìm kiếm cơ hội mới. Điều này cũng có mặt tích cực, nhưng trái lại vẫn tồn tại ý nghĩa tiêu cực khi bạn trẻ phải phần nào “sống bám” gia đình.
 
Nhưng, tư tưởng của doanh nghiệp “chọn mặt gửi vàng” cho những bạn trẻ có trình độ ĐH vào làm từ khâu công nhân đang là một xu hướng mới với nhiều điều tốt. Một số công ty lớn ở các khu công nghiệp tại tỉnh TT-Huế thích tuyển công nhân là người đã tốt nghiệp ĐH. Họ sẽ chắt lọc, đào tạo, thử thách để chọn ra một số người sẽ giữ vị trí chuyền trưởng trong các khâu. Ông Hoàng Văn Phước tâm sự: “Có một cậu thanh niên tôi quen học ĐH Kinh tế Huế, ra trường không có việc làm, cậu ta đăng ký vào làm ở trung tâm thanh niên, sau ghi tên vào làm công nhân ở công ty may. Vài năm khi gặp lại, cậu đã lên chức trưởng bộ phận. Cậu ta bảo có sự đam mê và cố gắng nên đã vượt qua được để tìm thấy sự thành công”.
 
“Điều quan trọng, theo tôi là bạn trẻ tốt nghiệp ra trường nếu có cơ hội việc làm thì hãy làm công việc đó. Đừng nghĩ là việc làm của mình sẽ cả đời cố định, gắn bó với một chỗ. Cứ thử để tìm cơ hội, tìm thấy bản thân và đam mê của mình, từ đó nỗ lực cho công việc yêu thích thì bạn sẽ có nhiều cơ may thăng tiến bằng chính năng lực vốn có” - ông Phước nói.
 

Để hỗ trợ việc làm cho các bạn trẻ mới ra trường, hiện Phòng Việc làm - An toàn lao động cùng Trung tâm Giới thiệu việc làm TT-Huế tăng tần suất thêm 1 tháng 3 phiên (trước đây 2 phiên). Tăng cường tổ chức sàn giao dịch việc làm tại các trường Đại học, các huyện thị xã nhằm đẩy nhanh quá trình kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp và đoàn viên thanh niên, sinh viên mới ra trường. Và đưa doanh nghiệp về tận địa bàn nông thôn để trực tiếp tuyển dụng những nhân sự tốt...

 
Đại Dương
Dòng sự kiện: Cử nhân thất nghiệp