Hướng nghiệp tại trường THPT: Nơi nhiệt tình, nơi thờ ơ

(Dân trí) - Trong khi nhiều trường THPT đã ý thức được vai trò hướng nghiệp cho học sinh thì cũng không ít trường vẫn đứng ngoài cuộc vì cho rằng đó là việc của học sinh và phụ huynh.

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều trường THPT tại TPHCM tích cực trong các hoạt động hướng nghiệp, tổ chức nhiều chương trình tư vấn mùa thi, định hướng ngành nghề cho học sinh (HS).

Tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q. Tân Bình), từ nhiều năm nay, việc tư vấn tuyển sinh dành cho các em HS cuối cấp được thực hiện từ học kỳ 1 với nhiều hoạt động liên tiếp. Đầu tiên là chương trình hướng nghiệp, các em sẽ có buổi nói chuyện với chuyên gia tâm lý để định hình sở thích của mình. Sau đó, trường cho HS làm bài trắc nghiệp để đưa qua kết quả tương đối về sở thích cũng như năng lực của từng em cụ thể.

Hướng nghiệp tại trường THPT: Nơi nhiệt tình, nơi thờ ơ - 1

HS khối 12 Trường THPT Hàn Thuyên, Q. Phú Nhuận, TPHCM tham gia buổi tư vấn mùa thi tổ chức tại trường vào sáng 20/2/2011.

Sau đó, lãnh đạo trường còn mời các chuyên gia tuyển sinh về trả lời trực tiếp những thắc mắc về ngành nghề, trường nào phù hợp với sở thích năng lực của các em.

Không chỉ vậy, trong học kỳ 2, hàng tuần trường đều có bảng tin cung cấp kiến thức về từng ngành nghề cụ thể cho HS như: yêu cầu, quá trình học tập, công việc cụ thể và các trường đào tạo ngành nghề này.

Để tổ chức được một chương trình tư vấn tuyển sinh công phu như thế, trường phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và nhân lực. Thầy Nguyễn Tỷ Chế Đạt, phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Thầy cô có ai được đào tạo về lĩnh vực hướng nghiệp đâu. Nhưng chúng tôi luôn mong mỏi và cố gắng trong khả năng có thể để hạn chế tình trạng HS chọn ngành như “đánh xổ số”. Được tham gia các buổi tư vấn, tìm hiểu về ngành nghề ít nhất các em cũng có thể nắm bắt được về khả năng, sở thích và định hướng cho mình”.

Liên tục nhiều năm nay, HS Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6) cũng được “no say” với các chương trình tư vấn tuyển sinh trực tiếp ngay tại trường. Tại đây các em được trao đổi, hỏi đáp với các chuyên gia tuyển sinh đến từ các trường ĐH, các chuyên gia tâm lý và còn được tư vấn về sức khỏe mùa thi.

Đặc biệt, tại các buổi tư vấn mùa thi do một số đơn vị đến trường tổ chức cho HS khối 12 nhưng ban giám hiệu trường này còn “tranh thủ” kêu gọi HS lớp 10, 11 cùng tham gia để các em sớm chú trong đến việc chọn nghề nghiệp cho mình.

Có thể nói việc hướng nghiệp, chọn nghề cho HS ngày càng gắn liền với vai trò các trường THPT. Thực tế các trường đều gặp hạn chế trong việc tổ chức hướng nghiệp cho HS nhưng những cố gắng đưa các thông tin đến với các em, mời gọi, tổ chức các chương trình tư vấn mùa thi góp phần quan trọng cho việc định hướng nghề nghiệp của HS được rõ ràng, cụ thể hơn.

Hướng nghiệp tại trường THPT: Nơi nhiệt tình, nơi thờ ơ - 2

Thầy Nguyễn Tỷ Chế Đạt, phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chính Thanh xem lại bài test sở thích nghề nghiệp cho HS.

Tuy nhiên, bên cạnh một số trường “nhiệt tình” trong công tác hướng nghiệp cho HS như vậy thì không ít trường hoàn toàn “đứng ngoài cuộc” với việc chọn nghề của HS như các trường THPT L.T.T, N.T.B; T.L... Lãnh đạo các trường chưa thấy được tầm quan trọng trong việc định hướng ngành nghề cho HS. Mối quan tâm hàng đầu của các trường là tỉ lệ học sinh giỏi, đỗ tốt nghiệp… thật cao. Còn việc sau đó các em học, làm gì thì các trường quan niệm rằng không phải nhiệm vụ của mình.

Về vấn đề này, trưởng phòng truyền thông của một đơn vị tổ chức các chương trình tư vấn tuyển sinh 5 năm nay tại TPHCM cho biết bên cạnh những trường rất hứng khởi khi được đặt vấn đề tổ chức các buổi tư vấn chọn nghề tại trường thì không ít trường “quay lưng”.

“Với nhiều trường khâu khó nhất là để họ được đồng ý cho mình tổ chức. Lý do họ đưa ra thường là bận, trùng với những lịch sinh hoạt nào đó của trường nên không bố trí được thời gian. Trong khi chúng tôi tổ chức hoàn toàn miễn phí, thậm chí mình còn bỏ ra một khoản kinh phí cho nhà trường, họ vẫn không chịu”, người này cho hay.

Thầy Nguyễn Tỷ Chế Đạt chia sẻ, trong những lần tổ chức các buổi tư vấn tuyển sinh, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh luôn chủ động mời một số trường trên địa bàn quận cùng tham gia nhưng họ từ chối với rất nhiều lý do.

“Dù chúng tôi đứng ra tổ chức từ đầu đến cuối, mời các trường với tư cách khách mời, không phải đóng góp khoản nào hết mà họ vẫn không tham gia. Có thể vì nhiều trường chỉ chú trọng đến mục tiêu HS đỗ tốt nghiệp 100%. Như vậy, các em HS là người thiệt thòi nhất”, thầy Đạt nhận xét.

Bài và ảnh: Hoài Nam