Hụt hẫng khi con đi du học

Số gia đình có con đi du học ngày càng nhiều. Ngoài các lo lắng về vật chất, một số bậc cha mẹ rơi vào trạng thái tâm lý khá đặc thù: cảm giác hụt hẫng, trống trải, đôi khi còn thấy tủi thân...

Ông bạn nhà báo tên T. có đứa con trai độc nhất đi du học ở Singapore. Hôm tổ chức ăn mừng, tiễn con lên máy bay xong, anh tuyên bố: “Vậy là từ nay, bọn tôi trở thành “vợ chồng son”. Chim con đã đủ lông đủ cánh, tự do bay nhảy thì chim bố chim mẹ cũng khoẻ rồi!”.

 

Vậy mà, chưa đầy một tuần sau, anh đã bồn chồn nói: “Nó đi rồi mới thấy nhà trống trải quá ông ạ. Hồi nó học phổ thông, có bận đi “Mùa hè xanh” gần nửa tháng mình có thấy cảm giác này đâu?”.

 

Nhiều hôm, T. đến cơ quan với gương mặt hốc hác, thỉnh thoảng giấu đôi mắt ươn ướt, nhìn xa xăm. Buổi trưa, anh vội vàng dắt xe ra cổng không đợi bạn bè gọi bù khú như dạo trước. Anh em hỏi, anh đáp: “Thôi, cho tôi về ăn với bà xã, kẻo bả lủi thủi lại ra ngoài mua gói xôi, ăn không hết để tủ lạnh bữa sau ăn tiếp, bỏ bếp lạnh lẽo thì không nên!”.

 

Không ít cặp vợ chồng một con như gia đình anh T. rơi vào cảnh “tro tàn bếp lạnh” sau khi cho con đi du học. Dù cha mẹ nào cũng biết rằng đó là cái giá về tinh thần phải trả khi đầu tư cho tương lai của con.

 

Phải mất hơn một tháng sau anh T. mới ổn định lại. Anh bắt đầu lao vào học vi tính, tìm hiểu Internet, Yahoo!, Blog... tận dụng mọi phương tiện có thể để thường xuyên trò chuyện với con. Mỗi tối, thay vì đi quán xá bia bọt, anh tân trang lại chiếc Vespa đời cũ chở vợ đi vòng vòng mua sắm, dạo phố... “Một phần để cho bả đỡ nhớ con, một phần để cho nó biết rằng tụi mình rất “cứng” mà yên tâm học hành. Mặc dù người “cứng” là bả chứ không phải tôi”, anh tâm sự.

 

Các nhà tâm lý gọi trường hợp của gia đình anh T. là “Hội chứng tổ rỗng”. Đó là trạng thái thường gặp trong những gia đình kiểu “gia đình hạt nhân” ngày nay (chỉ có vợ chồng - 1, 2 con ) khi những người con “đủ lông đủ cánh” bay đi khỏi nhà.

 

Những bứt rứt này còn bị ảnh hưởng bởi thời kỳ mãn kinh của cả hai vợ chồng. Thường lúc này, người mẹ sẽ bám lấy Internet để nói chuyện với con, và hay bị bệnh tật (do ảnh hưởng của hormone nữ đã không còn như trước), trở nên gắt gỏng, gia đình có nhiều nguy cơ lục đục, nếu ứng xử không đủ kiên nhẫn như trường hợp anh T.

 

Lời khuyên cho những trường hợp này là các thành viên còn lại nên dành thời gian cho nhau càng nhiều càng tốt. Ngoài công việc, cần có những hoạt động mang tính giải trí như: đi dạo, chơi thể thao, xem phim... và giao lưu với cộng đồng.

 

Theo Diệu Thuỳ
Sài Gòn Tiếp Thị