Hụt hẫng nguyện vọng 2

(Dân trí) - Còn 4 ngày nữa mới đến thời hạn kết thúc việc nộp hồ sơ xét tuyển NV2, nhưng đa số thí sinh đã đăng ký xong nguyện vọng này. Trong khi chỉ tiêu cho NV2 còn khá nhiều thì vẫn có tới gần 40% thí sinh rơi vào trường hợp hồ sơ “một đi không trở lại”.

Em Nguyễn Thuý Hiền, thí sinh đến từ tỉnh Ninh Bình, dự thi vào trường ĐH Thương mại đạt 19 điểm. Hiền đã trượt trong NV1 và ở NV2, em liền nộp ngay hồ sơ vào ngành Điện tử, vẫn tại ĐH Thương mại, có điểm chuẩn là 19 điểm. Biết là mạo hiểm nhưng em vẫn cố nộp với hy vọng sẽ nhận được “ưu tiên” hơn vì mình là thí sinh đã dự thi tại trường.

Có rất nhiều thí sinh có sự “tính toán” ngây ngô như Hiền, khi tin rằng khi nộp hồ sơ NV2 vào ngay trường mà mình đã trượt NV1 thì họ sẽ được ưu tiên hơn so với các thí sinh khác. Trong khi, việc xét tuyển của nhà trường lại hoàn toàn chỉ căn cứ trên kết quả thi của thí sinh và lấy đủ chỉ tiêu cho NV2 theo cách xét từ thí sinh có kết quả cao nhất đến thí sinh có kết quả bằng mức điểm chuẩn đã đặt ra. Nhiều trường thậm chí đã lấy đủ thí sinh theo chỉ tiêu NV2 với mức điểm chuẩn cao hơn mức điểm chuẩn mà họ đã đề ra cho nguyện vọng này từ 1 đến 3 điểm.

Một tâm lý khác khi nộp hồ sơ xét tuyển NV2 là thí sinh luôn thích đâm đơn vào những trường có thi tuyển sinh nhưng dành chỉ tiêu để xét tuyển NV2 với những thí sinh có kết quả thi tuyển cao vì nghĩ đó là những trường “danh giá” hơn hẳn những trường không thi khác. Chính vì tâm lý này, rất nhiều thí sinh đã rơi vào tình trạng trượt NV2 hết sức oan uổng vì số trường xét tuyển NV2 theo dạng này năm nay chỉ có 38 trường với 24.361 chỉ tiêu và điểm chuẩn NV2 vào những trường này luôn ở mức “ngất ngưởng”. Ví dụ như ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội từ 22 đến 23,5 điểm; Học viện Kỹ thuật quân sự: 23,5 điểm; ĐH Công đoàn từ 19 đến 23 điểm...

Đối với 63 trường không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển trong đó có 30 trường ĐH, CĐ thuộc Trung ương xét tuyển 26.343 chỉ tiêu, 25 trường CĐ địa phương xét tuyển 9.940 chỉ tiêu thì trong đó đã có gần 2.000 chỉ tiêu dành cho khối năng khiếu, 8 trường CĐ mới thành lập tuyển 3.470 chỉ tiêu.

Đã có gần 40.000 chỉ tiêu cho NV2 tại những trường này nhưng điểm lại trong số 63 trường, số trường ĐH công lập chỉ đếm trên đầu ngón tay với số chỉ tiêu tuyển vô cùng ít ỏi, còn lại chủ yếu là các trường CĐ và ĐH dân lập. Thí sinh đã buộc phải chọn lựa đầy miễn cưỡng khi họ đến nộp hồ sơ tại đây.

Theo tổng hợp của khối các trường ĐH dân lập thì hàng năm, trong số thí sinh trúng tuyển NV2 vào trường họ có tới hơn 50% đã bỏ học ngay sau năm thứ nhất.

Đó cũng là điều để lý giải tại sao chỉ tiêu NV2 vẫn còn khá nhiều nhưng số thí sinh nộp hồ sơ cho NV2 thì đã hết! Với chỉ một giấy xét tuyển NV2, thí sinh đã quyết định tìm cho mình một cơ hội đỗ đại học mà theo họ là sáng sủa nhất và họ đã bị đánh trượt hết sức dễ dàng. Chẳng hạn như tại ĐH Công nghệ, ngành Vật lý Kỹ thuật chỉ tuyển NV2 có 9 chỉ tiêu với mức điểm chuẩn lên đến 22,5 điểm nhưng cũng có hàng chục hồ sơ nộp vào đây và đương nhiên, đã có hàng chục thí sinh với mức điểm cao chót vót như vậy nhưng vẫn trượt và bỏ hoài phí một cái giấy xét tuyển NV2.

Như vậy, bức tranh NV2 đang có sự hiện diện khá ảm đạm: đối với một số ít thí sinh đỗ ĐH bằng nguyện vọng này đó là cả một quá trình tiềm ẩn đầy rủi may; đối với phần lớn số thí sinh còn lại, đỗ được NV2 gần như là một sự “cưỡng bức” khi họ không còn sự lựa chọn nào khác. Và dù đỗ hay trượt thì thí sinh trong diện NV2 vẫn ít nhiều hụt hẫng.

Minh Hạnh