Kế hoạch nhỏ - người lớn với tay quá dài!

(Dân trí) - Có phụ huynh từng mua lại giấy báo, lon bia từ người thu gom đồng nát để con làm kế hoạch nhỏ, hay dùng ô tô áp tải “thành quả” của con đến trường nộp...

Trong điều kiện hiện nay, khi mà học sinh bị bao vây bởi việc học kiến thức dày đặc thì kế hoạch nhỏ là một hoạt động càng nên khuyến khích tổ chức. Việc tham gia kế hoạch nhỏ giúp các em có những trải nghiệm bản thân, sinh hoạt tập thể và hướng đến giáo dục ý thức tiết kiệm, quý sức lao động, chia sẻ...

Vậy nhưng, kế hoạch nhỏ ở nhiều nơi đã bị méo mó vì sự “nhiệt tình” thái quá của người lớn. Nhiều trường học làm “biến dạng” khi đặt ra chỉ tiêu... vượt quá sức trẻ nhỏ và tạo ra một cuộc đua “chiến tích” khi dùng số lượng thu gom của trẻ để xét các danh hiệu thi đua trong hoạt động Đội.

Có trường đưa ra con số học sinh đóng 30kg giấy hoặc 100 lon bia thì được xét danh hiệu Chiến sĩ kế hoạch nhỏ. Rõ ràng chỉ tiêu này mang tính “mời gọi” bố mẹ vào cuộc vì chưa nói đến việc thu gom, riêng việc mang lượng “sản phẩm” đó đến nộp đã vượt quá sức học sinh. Mà kế hoạch nhỏ là hoạt động của các em, phải do chính các em tự thực hiện, tự trải nghiệm.

Chưa kể, có trường còn quy... ra tiền để tiện cho phụ huynh thay con góp sức!

Không ít phụ huynh được đà tiến lên, tiếp tục “bóp méo” kế hoạch nhỏ của con trẻ khi mua lại giấy vụn, lon bia từ đồng nát để con vượt chỉ tiêu. Có gia đình còn còn phải dùng ô tô mới chở được hết “thành quả” của con nhỏ với hàng trăm kg giấy vụn, lon bia.

Được trải nghiệm, được tự tay mình làm những việc trong khả năng mang đến cho trẻ những cảm xúc và sự trưởng thành
Được trải nghiệm, được tự tay mình làm những việc trong khả năng mang đến cho trẻ những cảm xúc và sự trưởng thành

Người lớn hay tự cho mình giỏi hơn con trẻ. Họ luôn muốn can thiệp, có khi thô bạo hay muốn làm thay trẻ nhỏ trong mọi việc - ngay cả hoạt động mà các em cần trải nghiệm để trưởng thành. Và rồi chính họ tước đi của trẻ những niềm vui, những thành quả nho nhỏ, những cơ hội trải nghiệm để tự thấy mình đang lớn.

Chị Trần Thanh Nga, ở Thủ Đức, TPHCM chia sẻ, hai cháu nhà chị sinh ra trong điều kiện kinh tế khá đầy đủ nên gia đình gặp không ít khó khăn trong việc dạy con biết quý trọng sức lao động. Chính nhờ hoạt động kế hoạch nhỏ ở trường, chị được nhìn thấy thấy các con biết gom vỏ hộp bánh, lon bia... với sự háo hức, trân quý. Các cháu khoe những thứ tưởng bỏ đi đó khi tiết kiệm có thể mua sách vở, quần áo, thậm chí là xây cả nhà tình thương cho học sinh khó khăn.

Chị Tô Diệu Hiền, có con học ở Trường tiểu học Xóm Chiếu, quận 4, TPHCM bộc bạch ở trường con mình không tổ chức gom giấy vụn, lon bia nhưng trong năm có phát động gom gấu bông, sách vở cũ, đồ chơi... để trao tặng các bạn học sinh nghèo. Nhờ vậy, cháu dùng đồ đạc rất giữ gìn, dùng xong thì cất giữ cẩn thận để đến ngày đi nộp vẫn còn thật mới, thật đẹp. Chị hiểu rằng sự phấn chấn, niềm vui thật sự của con... cho dù bố mẹ có đổ ra bao nhiêu tiền bạc, công sức cũng khó mua nổi.

Các cháu tự gom nhặt những niềm vui, thành quả để thấy mình trưởng thành. Nó hơn tất thảy những con số có thể cân đo đong đếm bao nhiêu lon bia, kg giấy hay bất cứ danh hiệu nào mà người lớn đứng ra làm hộ. Từ niềm vui, từ sự trải nghiệm, các em mới có thể tự mình nhận ra những bài học về sự tiết kiệm, sự sẻ chia và cả sự tự tin vào bản thân khi được tự tay mình làm, gặt thành quả đúng với công sức của mình.

Kế hoạch nhỏ không có lỗi! Trẻ em không có lỗi! Lỗi là ở người lớn đã với - cánh - tay - quá - dài.

Hoài Nam