Kém ngoại ngữ, sinh viên Việt Nam mãi tụt hậu

(Dân trí) - “Nhất tiếng Anh, nhì tin học” vẫn luôn là câu “thần chú” tâm niệm của sinh viên khi ra trường. Rõ ràng, giới trẻ Việt Nam ý thức rất rõ vai trò quan trọng của ngoại ngữ. Tuy nhiên, không ít các tân cử nhân vẫn sớm bị loại khỏi các cuộc tuyển dụng chì vì vốn tiếng Anh nghèo nàn…

Mất cơ hội chỉ vì tiếng Anh

 

Ngay từ năm thứ nhất đại học, M.Trang (SV ĐHKTQD) đã xin tiền bố mẹ đăng ký lớp học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ gần trường. Sau bốn năm học đại học và 3 năm “cày cuốc tiếng Anh” ở trung tâm, đến khi tốt nghiệp, không hiểu sao M.Trang vẫn nhận được những cái lắc đầu từ phía nhà tuyển dụng. Hỏi ra mới biết thì ra tấm bằng C tiếng Anh ở trung tâm chỉ là “đi học đóng tiền thì người ta cấp cho” chứ thực tế “trung tâm không kiểm tra sĩ số, lực học cũng không đánh giá qua điểm nên dần mình chán rồi bỏ học suốt…”.

 

Cũng thế, Vân - sinh viên năm cuối khoa Xã hội học - Học viện Báo chí Tuyên truyền bộc bạch: “Sinh viên năm cuối bọn em ngoài việc học trên giảng đường, đi làm thêm còn phải chuẩn bị cho khóa luận tốt nghiệp nên ai cũng bận, làm gì có thời gian đầu tư cho tiếng Anh. Hơn nữa, bằng A, B, C tiếng Anh bây giờ nhan nhản, chỉ cần 300.000đ là có ngay một tấm bằng mới tinh, đóng dấu đỏ do trung tâm ngoại ngữ cấp đàng hoàng. Chỉ sợ nhất là họ thi tuyển, chứ xét bằng thì chẳng lo”.

 

Quả thật, không ít bạn trẻ đã may mắn trót lọt qua cửa tuyển dụng vì không phải qua khâu thi tuyển ngoại ngữ. Tuy nhiên, khi vào thực tế công việc, với “chứng chỉ tiếng Anh đi mua”, có ai đảm bảo rằng họ sẽ hoàn thành tốt công việc và trách nhiệm được giao?

 

Ông Nguyễn Vĩnh Hiệp - Giám đốc Cty TNHH Đầu tư và Phát triển Tân Việt cho biết: “Công ty chúng tôi rất cần một người có khả năng làm việc văn phòng và kiêm giao dịch mua bản quyền sách vẫn chưa tuyển được người ưng ý. Công việc không quá khó nhưng cần người có khả năng giao tiếp tiếng Anh bằng email tốt và biết cách tìm kiếm thông tin trên mạng. Nhiều sinh viên đến xin việc có khả năng làm việc văn phòng nhưng không kiêm được công việc này nên hiện tại chúng tôi vẫn phải nhờ những cộng tác viên…”

 

Hiện nay, số sinh viên thất nghiệp hàng năm đang ngày một tăng, số hồ sơ bị loại khỏi các cuộc tuyển dụng trực tiếp hay gián tiếp do trình độ tiếng Anh yếu kém cũng không hiếm. Thị trường lao động “hậu WTO” mở ra nhiều cơ hội cho giới trẻ nhưng cũng không ít thách thức.Nếu không đủ sức cạnh tranh, lao động trẻ Việt Nam sẽ sớm bị đào thải, cơ hội việc làm chỉ thực sự dành cho những bạn trẻ chủ động, tự tin nắm bắt lấy tri thức, giỏi công nghệ và thành thạo ngoại ngữ.

 

Trung tâm ngoại ngữ có thực sự là giải pháp tối ưu?

 

Để đáp ứng nhu cầu học tiếng Anh của nhiều bạn trẻ, hàng loạt các trung tâm Anh ngữ “nội” và “ngoại” thi nhau mọc lên. Hiện nay, các trung tâm ngoại ngữ  “nội” đa phần là do các trường ĐH, CĐ mở ra, thuê địa điểm tại các trường tiểu học, phổ thông. Các trung tâm này số đông thường không áp dụng hình thức thi xếp lớp hoặc nếu có cũng chỉ làm cho “có lệ”.

 

Nhìn chung, các trung tâm “nội” thường làm ăn theo kiểu “đem con bỏ chợ”. Học viên chỉ cần ghi danh, đóng tiền đầy đủ rồi “muốn học ra sao thì học”. Thậm chí có lớp học đã gần quá nửa chương trình, nhưng vẫn “cố nhét thêm” vài “lính mới” có nhu cầu học.

 

Các bạn sinh viên có thể tự học ngoại ngữ thông qua việc nghiên cứu, tìm kiếm các đề tài chuyên ngành thông qua các tạp chí nước ngoài hoặc mạng Internet.

 

Ngoài ra, vào những ngày cuối tuần, các bạn trẻ nên bớt chút thời gian tham gia vào các câu lạc bộ tiếng Anh nhằm trau dồi khả năng phản xạ và giao tiếp bằng tiếng Anh.

 

Đây là những bí kíp học ngoại ngữ vừa “rẻ tiền” song cũng hiệu quả và hữu ích mà bạn trẻ nào cũng có thể áp dụng cho mình.  

Trên thực tế, không ít lớp học tiếng Anh do các trung tâm mở ra trở thành “vườn yêu” cho các đôi bạn trẻ tha hồ tâm sự, chuyện trò. Thầy Trung - giáo viên một trung tâm ngoại ngữ thuộc ĐH Sư phạm cho biết: “Ban đầu các khóa học còn đông, sau thì thưa dần. Có học viên đóng tiền cả khóa nhưng hầu như không đi học hoặc đi học “buổi đực buổi cái”, lớp học nào cũng có những học viên vào lớp chỉ để yêu”.

 

T. Khánh (SV ĐH Công Đoàn), người đã từng “bôn ba” qua nhiều trung tâm ngoại ngữ nhưng vẫn chưa học xong bộ giáo trình Lifelines cho biết: “Để tìm được một trung tâm ngoại ngữ ưng ý không hề đơn giản, các trung tâm đều chạy theo lợi nhuận, quảng cáo rầm rộ nhưng chất lượng thì yếu kém. Mình cũng được nhiều người cảnh báo trước nhưng kệ cứ học thôi, chỗ nào học chán, thấy không hợp thì bỏ…”.

 

Còn Đăng Sơn (nhà ở số 5 Dã Tượng, Hà Nội) vừa tốt nghiệp Cao đẳng Bách khoa bức xúc khi đến học tại Trung tâm Ngoại ngữ tại Trường tiểu học Cát Linh: “Học chỉ được 3 buổi đầu là cô giáo ưng ý sau bị thay người khác. Lớp phản đối và yêu cầu giáo viên cũ nhưng không được nên nửa lớp đã chọn cách bảo lưu thẻ học”.

 

Trong một vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của một số các trung tâm, tổ chức giáo dục nước ngoài tại Hà Nội và TPHCM như Hội đồng Anh (British Council), Language Link, trường đào tạo Việt - Mỹ… đang góp phần khiến cho thị trường dạy và học ngoại ngữ thêm sôi động.

 

Thế mạnh của các trung tâm Anh ngữ “ngoại” là cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại (phòng lab, phòng học có gắn máy lạnh..), đội ngũ giảng dạy giàu kinh nghiệm, có bằng cấp quốc tế…Tuy vậy, điều thu hút học viên đến với các trung tâm này thực chất vẫn là cái mác “giáo viên nước ngoài”.

 

Bích Diệp sinh viên năm cuối trường ĐH Ngoại thương vốn “kinh qua” nhiều trung tâm từ ngày còn học cấp 3 nên vốn tiếng Anh của Diệp vào loại khá, được làm trợ giảng của Language Link và đỗ IETLS được 7,5 (trên thang điểm 9), tuy nhiên không phải ai cũng đủ điều kiện được học những chỗ “xịn” như Bích Diệp.

 

Trung tâm “xịn” nên giá cũng “xịn”. Một khóa học năm tuần với giáo viên người Việt tại trường đào tạo Việt - Mỹ là 40USD, học phí sẽ tăng dần theo cấp độ lớp và số lượng thời gian học với giáo viên bản xứ. Ở Hội đồng Anh (một trung tâm “ngoại” nổi tiếng đắt đỏ) học phí cho một khóa học tiếng Anh giao tiếp quốc tế (gồm 4 phần) là 1.080USD (tính ra hơn 17 triệu VND).

 

Với mức học phí “trên trời” như vậy, chỉ có một bộ phận rất nhỏ sinh viên thuộc các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả may ra mới có cơ hội theo học. Còn phần lớn sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngoại tỉnh thì đành “ngậm ngùi” bám trụ các trung tâm nội, “chất lượng thì kém thật nhưng được cái giá cả phải chăng, sinh viên nghèo như bọn em còn theo được…” - T.Khánh tâm sự. 

 

Lan Anh