Khâm phục nghị lực vượt khó của cậu học trò khuyết tật

Gặp em, cảm giác đầu tiên là sự tự tin với người đối diện. Em không thể giao tiếp bình thường, và vận động rất khó khăn, nhưng ẩn sau đôi mắt sáng của em là nghị lực và ý chi phi thường chiến thắng mọi khó khăn, đạt kết quả cao trong học tập.

Em có tên trong đêm “Vinh danh gương hiếu học xứ Nghệ”, với thành tích thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa đạt 20,5 điểm khi trong diện được tuyển thẳng. Chàng trai Nguyễn Văn Linh học sinh lớp 12A1 Trường PTTH Lê Viết Thuật (TP Vinh) đã làm cho cả khán phòng hôm đó rơi nước mắt vì cảm phục. 

Từ nhỏ em đã phải chiến đấu với chứng bệnh bại não thể vận động, cả tuổi thơ trong gian khó với những lần ra vào viện, với những bước đi chập chững đầu tiên khi các bạn cùng trang lứa đã có thể chạy nhảy. Bố mẹ hết lòng chạy chữa cho con, nhưng mãi mà đôi tay của con không thể cầm nắm bình thường, cả những tiếng nói đầu tiên cũng gian khó vô cùng. Vất vả là vậy nhưng bố mẹ em không lùi bước trước những khát khao được sống như bao đứa trẻ cùng trang lứa của cậu con trai thông minh mà thiếu may mắn. Những tưởng, đôi tay khòng khèo không thể tự xúc ăn, không thể tự mặc quần áo rồi cả những tiếng gọi mẹ bập bẹ muộn mằn thì con làm sao đi học, làm sao để chiến thắng nỗi mặc cảm của một đứa trẻ khuyết tật.

Nghị lực phi thường đã giúp Linh sử dụng thành thạo máy tính.
Nghị lực phi thường đã giúp Linh sử dụng thành thạo máy tính.

Những năm học cấp một em đã phải khổ sở vô cùng với việc phát âm, với những nét chữ đầu tiên. Ngày nào, dù mưa hay nắng bố, mẹ cũng cố đưa em đến lớp mong con được vui, được hòa nhập và được học như những đứa trẻ bình thường khác, chỉ vậy thôi họ cũng an lòng. Những nét chữ ngoằn ngoèo nghuệch ngoạc đầu tiên nhòe trong mồ hôi ròng ròng chảy, em bặm môi nghiến răng cố điều khiển ngón chân cặp cây bút viết từng con chữ, rồi từng dòng chữ... Nhìn em, bố mẹ trào nước mắt. Một niềm tin mãnh liệt vào nghị lực của đứa con tật nguyền đã thôi thúc họ vững tâm tiếp bước cho con trên chặng đường tương lai đầy gian khó. Không phụ lòng cha mẹ, những năm cấp 1, 2 Linh đều là học sinh giỏi, và những môn tự nhiên bao giờ em cũng là người nổi nhất trong lớp.

Khi bố mẹ mua cho 2 anh em chiếc máy vi tính, em đã bị cuốn hút vào những chân trời tri thức như vô tận trong cái màn hình nhỏ bé ấy. Để điều khiển được con chuột và cả những con chữ trên bàn phím em đã phải khổ luyện bằng những ngón chân. Ước mơ trở thành kỹ sư CNTT đã cháy bỏng trong em.

Ngày em gõ vào bàn phím tra tên mình trong danh sách những người trúng tuyển khoa CNTT của Trường ĐH Bách khoa, cả nhà mừng rơi nước mắt. Nhớ lúc trong phòng thi môn Vật Lý, vì tay em chỉ cầm bút thôi đã rất khó khăn, nên khi bài thi bị gió thổi, em không thể tự mình nhặt lên để tiếp tục phần thi. Giao tiếp đã khó, giám thị lại là người Bắc nên em rất khó nói cho họ hiểu... Phần vì tâm lý, phần vì thiếu thời gian nên môn Vật Lý đã không đạt điểm như dự tính của em. Thế mà khi những giọt mồ hôi ướt nhòe trang giấy em đã từ chối sự chăm sóc của giám thị coi thi, chỉ đơn giản là vì em muốn được đối xử như những thí sinh khác.

Cùng thời điểm nhận giấy báo Trường ĐH Bách khoa, giấy báo tuyển thẳng của trường ở Khoa Điện và Trường ĐH Vinh Khoa CNTT cũng được gửi về. Giờ đây cả bố mẹ và anh trai đều không biết nên giúp em lựa chọn học trường nào, nếu học ở Hà Nội sẽ vất vả vô cùng. Bố em đã định xin nghỉ việc để cùng theo con 5 năm đại học, thế nhưng lại không thể yên tâm vì sức khỏe mẹ quá yếu. Những ngày đấu tranh ghê gớm với những dự định, những ước mơ về ngôi trường lớn, cậu bé Nguyễn Văn Linh đã không thôi những dòng nước mắt vì thương bố mẹ.

Gặp lại em trong một sáng trời thu, khi em vừa ở Trung tâm chỉnh hình về. Dù rất khó khăn em cố gắng phát âm từng chữ, giản dị: “Em thương bố mẹ lắm, em được học ở Đại học Vinh cũng tốt rồi chị ạ!”.

Cầu mong em gặt hái được những thành công, niềm tin và nghị lực sẽ luôn giúp em chiến thắng tất thảy những gian khó trong cuộc đời.

Theo Theo Báo Nghệ An