Khi bạn trẻ bỏ lỡ bữa cơm gia đình

(Dân trí) - Dùng bữa ở hàng quán, còn về nhà thì ăn cơm trong tô... là hình ảnh quen thuộc của không ít bạn trẻ thời công nghệ số. Bữa ăn gia đình không phải là khái niệm quen thuộc với nhiều bạn trẻ ngày nay.

Người trẻ cắt cơm nhà

Thói quen cuối giờ làm của Tùng, 24 tuổi, nhân viên IT ở Q.1, TPHCM là lên “phây” hoặc điện thoại í ới hẹn bạn đi ăn tối. Nếu Tùng không chủ động mời thì cũng sẽ có bạn gọi điện rủ rê. Từ đồng nghiệp, đối tác, bạn học cũ,người quen, bạn của bạn… quay vòng gặp mặt nên rất hiếm khi Tùng về nhà dùng cơm.

Chỉ hôm nào không có “độ” hoặc mệt trong người, Tùng mới có mặt ở nhà sau giờ làm. Nhưng về nhà không có nghĩa là dùng bữa cùng bố mẹ bởi Tùng từ lâu, bỏ bữa triền miên nên mẹ đã cắt khẩu phần. Hôm nào Tùng muốn ăn phải báo trước.

“Nếu mình báo về ăn cơm, má lại mất công chuẩn bị món này nọ rình rang mà mình ăn có mấy đâu. Chưa kể nhiều hôm có việc đột xuất bỏ bữa chạy đi, má giận ghê gớm nên tự lo cho lành”. Thành ra kể cả những hôm hiếm hoi về nhà sớm, Tùng mua cơm hộp hoặc trong nhà còn gì thì dùng món ấy.

Không ít bạn trẻ ăn uống theo cách tiện đâu ăn đó. 
Không ít bạn trẻ ăn uống theo cách "tiện đâu ăn đó". 

Là sinh viên, nhà ở thành phố nên Ngọc Phương (ĐH Ngân hàng TPHCM) không phải lo chuyện ăn ở, cơm nước như bạn bè xa nhà. Nhưng Phương chẳng mấy khi có mặt ở nhà vào bữa ăn mà chủ yếu tiện đâu ăn đó. Dịp cuối tuần gia đình hay tổ chức nấu ăn thì Phương lại có rất nhiều kế hoạch do tham gia các hoạt động ngoại khóa hay gặp gỡ bạn bè.

Theo Phương, nguyên nhân bạn trẻ chán cơm nhà là do giờ giấc sinh hoạt hiện nay của nhiều người “lệch” so với bữa cơm gia đình, lại bị nhiều thứ công nghệ như máy tính, điện thoại hay các cuộc gặp gỡ bên ngoài lôi kéo.

“Sáng mình ngủ dậy muộn chẳng “khớp” giờ với bố mẹ. Tối thường về muộn hơn nên ăn ngoài, về nhà ăn thì mang luôn một tô vô phòng là xong. Chứ ăn uống mà chờ đợi mất thời gian lắm”, Phương nói. 

Gặp mặt ở quán

Trong nhiều gia đình hiện nay, bữa cơm nhà đang bị xáo trộn, mâm cơm ngày càng nguội lạnh. Việc các thành viên trong gia đình có mặt đông đủ trong bữa cơm trở nên khó khăn với mỗi người. Nhiều buổi họp mặt gia đình, người thân được chuyển ra ngoài hàng quán vì nhanh, tiện thay cho việc tổ chức tại nhà.

Khi con còn học phổ thông, giờ giấc bố mẹ quản chặt thì gia đình cô Minh Nguyệt (ngụ ở Q. Thủ Đức, TPHCM) còn duy trì ngày hai bữa ăn sáng và tối. Nhưng từ ngày các cháu vào đại học, tự do và bận rộn hơn thì các con bỏ ăn sáng. Bữa tối cũng hôm được hôm mất, cô bày biện bao nhiêu món nhưng kết cục chỉ có hai vợ chồng ngồi với nhau. Có hôm, chồng đi nhậu, cô ngồi lủi thủi một mình bên mâm cơm, phải bỏ đồ ăn thừa rất nhiều.

Hàng quán phục vụ nhanh và tiện đang lấn át những bữa cơm ấm cúng trong gia đình?
Hàng quán phục vụ nhanh và tiện đang lấn át những bữa cơm ấm cúng trong gia đình?

“Mình nấu mà rồi chẳng ai về ăn nản lắm chứ, lại lãng phí nữa nên chiều nào tôi cũng phải gọi điện hỏi chồng con có về ăn cơm không để biết đường. Nhiều bữa nấu cũng chẳng ai về. Có ngồi ăn với nhau thì ông chồng lo xem ti vi, con cầm điện thoại í ới hay nhắn tin, vội ăn vàng để vào phòng muốn hỏi một câu cũng không được”, chỉ người mẹ là thở dài cho bữa cơm được chuẩn bị hàng giờ đồng hồ nhưng chỉ kéo dài chỉ tầm 10 phút.

Nguyễn Ngọc Anh, 17 tuổi, nhà đường Lý Thường Kiệt, Q.11 cho hay, cô đến trường từ sáng đến tối. Hết ở trường thì đến lớp học thêm, học ngoại ngữ, đến lớp năng khiếu… rồi còn nhiều mối quan hệ khác nữa nên ít khi dùng cơm cùng bố mẹ. Cơm hộp, cơm bụi, đồ ăn nhanh trở như một phần không thể thiếu của Ngọc Anh.

Theo Ngọc Anh, bố mẹ cũng bận không kém. Nhà có người giúp việc lo chuyện ăn uống nhưng bữa nào cũng vậy, không thiếu người này sẽ thiếu người nọ.

“Mẹ đi công tác, bố gặp khách hàng, anh Hai có bạn gái… chung nhà nhưng rất khó gặp mặt đông đủ. Nhiều bận mình về ăn cơm với chị giúp việc”, Ngọc Anh nói và cho biết những buổi họp mặt trong gia đình mình thường được tổ chức ngoài quán và cũng phải có kế hoạch từ sớm may ra mới dự đông đủ.

Giới trẻ không còn mặn mà với bữa cơm gia đình do ảnh hưởng của nhịp sống công nghệ, hiện đại và nhiều mối bận tâm bên ngoài. Tuy nhiên, phía sau sự thờ ơ này, theo các chuyên gia còn xuất phát từ sự lỏng lẻo của nếp nhà, nhiều phụ huynh cũng xem coi nhẹ bữa ăn gia đình, những buổi gặp mặt với con cái do vòng xoáy công việc.

“Con thèm bữa cơm nhà có cả ba và mẹ” là mong muốn của không ít đứa trẻ sớm gắn với cơm quán, cơm hộp hoặc ở nhà thì ăn cơm với người giúp việc…

ThS. Nguyễn Thị Thúy (Công ty Kỹ năng sống) bày tỏ bữa ăn đầy đủ các thành viên trong gia đình chính cơ hội để ông bà, cha mẹ, con cháu thể hiện sự quan tâm đến nhau. Qua đó chúng ta dễ dàng trao đổi, nắm bắt tâm tư, cảm xúc của từng người, tạo thói quen để mọi người cùng chia sẻ, gắn kết thế hệ. Ngoài ra bữa cơm truyền thống còn có ý nghĩa giáo trẻ rất lớn về các kỹ năng cũng như giá trị sống.

Bởi thế, dù bận rộn tới đâu, theo bà Thúy, trong ngày cũng nên cố gắng thu xếp, duy trì ít nhất một bữa cơm gia đình có sự tham gia của các thành viên. 

Hoài Nam