Khi bé trai bị bạn kỳ thị… “nữ tính”

Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng cùng cực khi con mình bị trêu ghẹo, kỳ thị vì quá “nữ tính”. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, thầy cô và cha mẹ cần hiểu tâm lý lứa tuổi mới có thể "giải vây" cho trẻ.

Thầy cô lúng túng, cha mẹ lo lắng
 
Thầy cô lúng túng, cha mẹ lo lắng

 

Chị  Hồng Khanh, có con trai đang học lớp 5 tại quận Tân Phú (TPHCM) tiết lộ, con trai chị từ khi học lớp 3 đã có những biểu hiện và cử chỉ thiên về con gái hơn, như thích chơi búp bê, chú ý đến son phấn làm đẹp của mẹ, nói chuyện với bố mẹ rất nhỏ nhẹ, hay nhõng nhẽo với ba…

 

“Mình nghĩ con còn nhỏ nên cũng không tin con mình sẽ bị lệch lạc giới tính như bạn bè chọc ghẹo. Nhưng hai vợi chồng tôi rất khổ sở khi nghe con kể vào lớp mấy bạn nam và một vài bạn nữ trêu ghẹo nói thằng bé “pê đê”, “hai thì”… Rồi dần dần cháu không dám chơi với ai. Nói với cô giáo, cô cũng chỉ nhắc nhở, ngày hôm sau các bạn vẫn còn chọc ghẹo, làm đến giờ ăn cháu cũng không dám ăn cùng”, chị Khanh lo lắng.

 

Thầy cô lúng túng, cha mẹ lo lắng
Giáo viên Trường tiểu học Phùng Hưng, quận 11, TPHCM thường tổ chức các buổi nói chuyện về kỹ năng sống, giới tính giúp học sinh hiểu mình hơn và dễ chia sẻ hơn.

 

Tương tự anh Quang Minh, bác sĩ một bệnh viện ở TP.HCM, cho biết có cậu con trai đang học lớp 4 nhưng ở nhà cháu thích vẽ hoa, công chúa và chơi mấy trò chơi game dành cho con gái như thay quần áo cho cô dâu. Còn ở trường cháu cũng bị các bạn kỳ thị và liên tục đòi chuyển trường…

 

Th.S Nguyễn Thị Mỹ Linh, phụ trách công tác tham vấn học đường Trường tiểu học Phùng Hưng, quận 11, cho biết nguyên nhân của vấn đề nêu trên là do trẻ em ngày nay được tiếp cận với thông tin rất sớm, đó là mầm mống tạo nên các biểu hiện của nếp sống lệch lạc, kéo theo nó là một số tệ nạn và có thể hệ quả của chúng là các em sẽ gặp khó khăn trong sinh hoạt, học tập và giao tiếp.

 

Những trường hợp trên, Th.S Mỹ Linh cho rằng, thầy cô cần gần gũi, giúp đỡ học sinh giải quyết những khó khăn khi gặp phải. Ví dụ như, trò chuyện để hiểu cuộc sống và suy nghĩ của các em, giúp các em giải tỏa nhiều về vấn đề tâm lý, lấy lại sự tự tin trong giao tiếp bạn bè.

 

Thầy cô có kiến thức về tâm lý học, gần gũi giúp học sinh tự tin thổ lộ với mình hơn.
Thầy cô có kiến thức về tâm lý học, gần gũi giúp học sinh tự tin thổ lộ với mình hơn.

 

Tuy nhiên, theo Th.S Mỹ Linh, khó khăn và trở ngại lớn nhất hiện nay là có những tình huống tâm lý ở lứa tuổi học sinh thầy cô thường lúng túng hoặc có những lúc thầy cô không có thời gian lắng nghe hết ý của trẻ nên sẽ không tư vấn thỏa mãn được hết yêu cầu của trẻ. Bên cạnh đó, học sinh cũng e ngại thầy cô nên sẽ không dám thổ lộ hết suy nghĩ của mình.

 

Cần đưa trẻ gặp chuyên gia tâm lý

 

Một giáo viên tiểu học (đề nghị không nêu tên) chia sẻ với Motthegioi.vn: Ở lứa tuổi lớp 4, lớp 5 bây giờ, các cháu phát triển hơn rất nhiều so với trước đây 10 năm. Nhiều bé có biểu hiện dậy thì sớm, nhiều bé trai có thiên hướng nữ tính, bị các bạn trêu ghẹo là có thật. Nhưng để xử lý tình huống cho “hai phe” vui vẻ, hòa đồng là điều các giáo viên phải đau đầu.

 

Một tiết học giới tính của HS lớp 5 Trường tiểu học Phùng Hưng, quận 11, TPHCM.
Một tiết học giới tính của HS lớp 5 Trường tiểu học Phùng Hưng, quận 11, TPHCM.

 

Dưới góc nhìn tâm lý học, ông Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp của Trung tâm đào tạo tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương, cho biết ở lứa tuổi tiểu học, xu hướng giới tính của các cháu chưa biểu hiện rõ nét để kết luận. Có thể các cháu bị ảnh hưởng của phim truyền hình, nhất là những vở kịch mà người lớn thường vào những vai nữ tính… các cháu bắt chước, lâu dần rồi quen. 

 

Theo ông Nhân, khi giáo viên gặp phải trường hợp bé trai bị bạn bè kỳ thị vì “giới tính”, giáo viên phải biết cách làm giảm căng thẳng cho cả hai. Đồng thời, giáo viên cũng phải biết tạo chất nam tính cho cháu như thường xuyên giúp cháu phát biểu và khen cháu “mạnh mẽ” để cháu xóa tan ý nghĩ mình “mềm yếu”.

 

Một tiết học giới tính của HS lớp 5 Trường tiểu học Phùng Hưng, quận 11, TPHCM.
Theo các chuyên gia tâm lý, bố nên đưa bé đi chơi thể thao, học võ, bơi lội để cứng rắn và mạnh mẽ hơn.

 

Ngoài ra, ông Nhân cũng cho rằng, vai trò người cha rất quan trọng, cha phải gần gũi và hướng dẫn cho cháu những môn thể thao nam tính, ví dụ như đưa cháu đi học võ, bơi lội, đá bóng… để tập cho cháu mạnh mẽ hơn.

 

Hiểu tâm lý lứa tuổi mới có thể “giải vây” cho trẻ

 

Sự kỳ thị là thái độ tiêu cực có thể làm cho cá nhân bị kỳ thị mất hẳn sự tự tin, thậm chí là có những hành vi tiêu cực trong cuộc sống.

 

Những hậu quả tai hại như: không dám cởi mở, giam mình, tự tử có thể diễn ra… Vì vậy, gia đình, phụ huynh và cả những thầy cô cần có những tác động phù hợp.

 

Giúp trẻ nhận thức được chính mình, giáo viên cần bồi dưỡng những khóa học tâm lý lứa tuổi, nhận diện hành vi, để truyền cho trẻ thông điệp: là chính mình thực sự là hạnh phúc.

Hướng trẻ đến hành vi ứng xử sao cho thích nghi: biết khẳng định chính mình, biết thể hiện cái tôi; gầy dựng cho trẻ niềm tin chia sẻ, bộc bạch và tìm điểm tựa. Hướng trẻ biết tự vệ khi cần thiết để thoát khỏi tình huống nguy cấp.

 

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam

 

 

Theo Quốc Việt

Một Thế Giới