Khi bố mẹ làm trẻ “khiếp” trường học

(Dân trí) - Trẻ ngày đầu đến trường mầm non hay vào lớp 1 luôn cần trải qua giai đoạn thích nghi với môi trường mới. Với mục đích giúp con đến lớp, phụ huynh áp dụng rất nhiều cách, trong đó có không ít phương pháp làm trẻ thêm “khiếp" trường học.

Phụ huynh chuyên… nói dối

Những ngày đầu đến trường, do phải tách bố mẹ vào môi trường mới nên nhiều trẻ phản kháng như khóc lóc, ăn vạ khi phải đi học. Mỗi lần đưa con đến trường, phụ huynh (PH) thường nghĩ ra đủ mọi cách để “dụ” con. Biết trẻ sợ, nhiều PH thường nói dối con như mình đi chơi chứ không đi học. Để con thêm tin tưởng, có người còn “diễn cảnh” như thể chuẩn bị đi công viên rồi lắc đầu chê bai trường học cho vừa lòng trẻ.

Rất nhiều tình huống con “õng ẹo” khi đi học, PH cũng có đủ kiểu nói dối trẻ và cho rằng đó là phương pháp hữu hiệu nhất trước mắt. Vừa động viên con đi học nhiều kèm theo lời hứa con vào lớp bố mẹ sẽ đón sớm, hay chiều nay mình sẽ đi chơi… . Nhưng nhiều khi chỉ là lời hứa cho xong việc chứ PH không thực hiện.

Khi bố mẹ làm trẻ “khiếp” trường học

Nhiều phụ huynh thường dụ con đến trường bằng việc... lừa đi chơi, vô tình làm trẻ thêm sợ trường học. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Chị Phan Thị Ngọc, nhà ở Q.5, TPHCM cho hay, con chị vừa đến nhà trẻ, rất không thích đến trường nên hàng ngày chị nghĩ ra đủ kiểu nói dối để “đánh lừa” con. Khi những lời nói dối thông thường hết tác dụng, chị nghĩ ra các kiểu “cao tay” hơn như hứa ông bà sắp lên chơi, cuối tuần nhà mình về quê… Thậm chí, chị cho con nói chuyện qua điện thoại với ông bà nội ngoại để chứng thực lời mình.

Hơn hai tuần, khi chị cạn kiệt vốn liếng để “diễn trò” với con, cháu bé 4 tuổi nhà chị không những chẳng quen lớp học mà còn xuất hiện thêm nhiều các biểu hiện sợ hãi đến trường. Khi trao đổi với GV, chị mới hay cháu bị “sốc” trước những lời nói dối được đi chơi nhưng thực chất là “tống” vào lớp của mẹ.

“Mình hứa cho trẻ chịu đến lớp trước đã, chứ nghĩ trẻ con nó quên ngay, nào ngờ cháu nhớ lừa hứa đi chơi nên rất hậm hực, chán ghét trường học. Hiện tại cháu đang phải ở nhà, tuần sau mới cho đi học lại”, chị Ngọc bày tỏ.

Bà Nguyễn Hồ Thụy Anh (chuyên viên Sở GD-ĐT TPHCM) khẳng định sai lầm lớn nhất của bố mẹ trong ngày đầu trẻ đi học là nói dối để dụ trẻ đến trường. Do bị lừa dối, trẻ sẽ vô cùng thất vọng, đau đớn, thậm chí có thể bị trầm cảm.

“Điều cần thiết là PH tuyệt đối không được lập lờ giữa việc đi học và đi chơi. Nhẹ nhàng, dịu dàng những cũng phải nghiêm khắc nói với trẻ cần đi học để trẻ không bị sốc về tâm lý. Nếu đã hứa sau giờ học hay cuối tuần đưa trẻ đi chơi PH cần phải thực hiện”, bà Anh lưu ý.

Giáo viên khổ vì PH quá quyến luyến con

Tại các lớp ở nhà trẻ, mẫu giáo, thậm chí cả ở lớp 1 những ngày đầu năm học, nhiều PH, nhất là các bà mẹ chấp nhận bỏ việc ở lại lớp thể hiện sự bịn rịn, lưu luyến không nỡ rời xa con. Giao trẻ cho GV rồi, có PH còn đứng bên ngoài rình rập, chỉ cần nghe tiếng con khóc là “mềm lòng”, lập tức lao vào vỗ về “Mẹ đây! Mẹ đây!”.

Tình trạng đó kéo dài tạo cho trẻ tiềm thức chỉ cần khóc là người thân có mặt nên từ tháng này qua tháng khác trẻ vẫn không tách nổi bố mẹ để hòa nhập với lớp. Có những trẻ cả năm trời không chấp nhận việc đến trường chỉ vì bố mẹ quá o bế, ôm ấp, không chịu tách con.

Bố mẹ cần cứng rắn và yên tâm để giúp trẻ tự tin hơn khi đến trường.

Bố mẹ cần cứng rắn và yên tâm để giúp trẻ tự tin hơn khi đến trường.

Một GV mầm non Trường mầm non Bến Thành. Q.1, TPHCM tâm sự, cô từng gặp nhiều trường hợp có gia đình cho con đến trường nhưng bố mẹ luôn thay nhau kè kè bên trẻ mặc cho GV khuyên thế nào cũng không xong.

“Nhiều bữa trẻ đã bắt đầu vui chơi với các bạn thì bà mẹ bất ngờ đến vào giữa buổi, đứa bé thấy mẹ là khóc òa lên đòi về. Mà ở tuổi mầm non, một cháu khóc là các bé khác sẽ khóc theo ngay, GV rất là khổ. Nói trẻ đến trường sợ sự chia ly chứ mình thấy chính PH bây giờ bám con ghê lắm, tách khỏi con bản thân họ cũng không chịu được”, GV này lắc đầu.

Không ít trường hợp, chỉ cần thấy con khóc, bỏ bữa, sụt cân là PH lập tức cho con nghỉ vài hôm ở nhà. Có người thấy con khóc quay sang đổ lỗi cho GV, chuyển trường liên tục đẩy trẻ đến việc phải lặp đi lặp lại “cú sốc” đến trường.

Chính vì lẽ đó, có trường phải đưa ra quy ước với PH chỉ được ở lại cùng trẻ hay đón trẻ sai giờ trong ba ngày đầu làm quen để giúp trẻ sớm thích nghi cũng như tránh làm ảnh hưởng đến trẻ khác.

Bà Tôn Nữ Phương Thắm - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Q. Gò Vấp) cho biết, không chỉ ở bậc mầm non mà ngay ở vào lớp 1 cũng có những PH làm khổ con như vậy. Các em vào lớp 1 bây giờ rất mạnh dạn, dễ làm quen với thầy cô bạn bè nhưng nhiều em rất khó khăn trong việc đến trường vì PH quá quyến luyến, lo lắng quá mức về con.

“Trẻ vui vẻ mạnh dạn sao được khi bố mẹ cứ hồi hộp, bất an đứng ở cửa lớp canh chừng xem con mình có bị làm sao không, có khóc không. Hiểu rằng PH có rất nhiều nỗi lo con đến trường lần đầu nhưng chính tâm lý thiếu tin tưởng, không yên tâm này của họ rất dễ truyền sang trẻ làm các em sợ hãi”, bà Thắm cho hay.

Bà Thắm nhấn mạnh, để con đến trường thuận lợi, chính bố mẹ cũng phải cứng rắn “tách” khỏi con, giúp con cảm thấy yên tâm về trường lớp.

Hoài Nam