Bạn đọc viết:

Khi buổi họp phụ huynh chỉ xoay quanh chuyện đóng tiền

(Dân trí) - Mỗi năm ba kỳ họp phụ huynh vào đầu, giữa và cuối năm học. Nếu bạn có hai đứa con đang tuổi đến trường, việc tham gia vài chục cuộc họp phụ huynh là chuyện bình thường. Và bỗng nặng lòng khi lắm lúc trọng tâm buổi họp chỉ xoay quanh chuyện tiền bạc.

Người ta nói nhiều về tình trạng lạm thu và mặc dù lãnh đạo các cấp đã có văn bản yêu cầu minh bạch các khoản thu đầu năm cũng như công bố đường dây nóng chống lạm thu nhưng xem ra tình hình vẫn âm ỉ và nỗi bức xúc của phụ huynh luôn bùng phát mỗi mùa họp đầu năm.

Nhiều cha mẹ cầm giấy mời họp và mỉa mai rằng đó là “giấy đòi tiền”. Nhiều cha mẹ đi họp và bóng gió rằng đó là buổi “tọa đàm tài chính - tiêu dùng”. Điều ấy cũng xuất phát từ chính thực trạng thu vượt mức với vô số khoản phải đóng, phải góp, phải “chung tay” vì xã hội hóa giáo dục.

Ngoài học phí và các loại bảo hiểm bắt buộc, khá nhiều khoản đóng góp theo tinh thần tự nguyện đang làm khổ phụ huynh. Nào là quỹ hoạt động của Hội Phụ huynh, nào là tiền phục vụ nhu cầu học tập như học tăng tiết, học Anh văn, vi tính, tiền nước uống, tiền vệ sinh, tiền giữ xe đạp… Nào là các khoản vận động xây dựng bờ rào, vận động bắc hệ thống điều hòa, vận động trao phần thưởng cuối năm…

Mỗi thứ một ít nhưng gộp lại sẽ là tiền trăm, tiền triệu. Chừng ấy không là gì đối với các gia đình khá giả nhưng sẽ là gánh nặng cho những hoàn cảnh khó khăn. Cứ mỗi năm học, nỗi lo các khoản nộp đầu năm luôn canh cánh trong lòng của nhiều phụ huynh. Có người bỏ ống heo từ trong năm, có người phải bán tháo thóc lúa, đậu đỗ và có người đã phải vay mượn nộp đủ cho con đến trường.

Các khoản đóng góp luôn khoác danh nghĩa “tự nguyện” có thể đóng hoặc không và tùy hoàn cảnh mà chênh lệch mức đóng góp. Nhưng phần lớn đều được ấn định một mức tối thiểu buộc người ta phải theo. Và sự phi lý vẫn diễn ra khi đã có quỹ phụ huynh toàn trường lại còn quỹ phụ huynh lớp học…

Tâm lý phụ huynh luôn dè chừng mỗi khi lấy ý kiến cho các khoản tự nguyện. Họ sợ nhiều thứ, sợ người ta nói mình keo kiệt, so đo tính toán tiền bạc, sợ thầy cô “để ý” con em nếu mình phản bác… Đến lúc biểu quyết, thấy người khác đưa ta rào rào, mình cũng đưa tay đồng ý dù bằng mặt mà chẳng bằng lòng. Đó là tình cảnh chung của khá nhiều phụ huynh.

Tôi từng nghe kể và tiếp xúc với một thầy hiệu trưởng trường huyện có tấm lòng chính trực đúng nghĩa. Người ta nói thầy “nhát gan” khi không thu thêm tiền này tiền nọ. Nhưng nụ cười đôn hậu và câu trả lời của thầy sẽ luôn là bài học đắt giá: “Làm thế thêm mệt, ăn chẳng ngon ngủ chẳng yên với cấp trên và người dân trong xã”. Quả đúng như vậy, chỉ cần so sánh giữa các trường sẽ thấy ngay khoản thu chênh lệch vài chục nghìn cho cùng một loại quỹ. May mắn cho con em người dân xã ấy được tạo điều kiện tối đa cho việc học.

Mỗi khi đi họp phụ huynh, chúng tôi mong nghe nhiều hơn tình hình học tập của con em, sự phối kết hợp giữa giáo viên và cha mẹ trong giáo dục học sinh cũng như những giải pháp, cách thức hiệu quả để nâng cao chất lượng học tập của con trẻ. Đừng biến sợi dây nối kết giữa nhà trường và gia đình thành một gánh nặng về tiền bạc và nỗi ấm ức vì các khoản thu!

Ngọc Hùng

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!