Khi cạm bẫy bủa vây trường học

Từ trước đến nay, tại các cổng trường học, nhiều loại thực phẩm “lạ”, thực phẩm “bẩn” bủa vây, học sinh vẫn vô tư sử dụng mà không quan tâm đến nhãn mác, nguồn gốc và cả hạn mức sử dụng.

Điều đáng quan ngại, nhiều bậc phụ huynh đã vô tình tiếp tay cho con cái của mình khi mỗi ngày vẫn dúi tiền vào tay con để mua những loại thức ăn này.

Trong thời gian vừa qua, liên tiếp nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc bị các cơ quan chức năng phanh phui đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thậm chí chứa các loại chất gây bệnh đang đầu độc người dân từng ngày. Ít ai biết rằng, không chỉ nguy hại trên mâm cơm của mỗi gia đình Việt, vấn nạn thực phẩm “bẩn” đang len lỏi vào tận cửa ngõ các trường học, bằng chứng là những gánh hàng rong, những chuyến xe đẩy trước cổng trường mỗi ngày đang là những “sát thủ thầm lặng” đối với các em học sinh, khi các mặt hàng được bày bán, kinh doanh ở đây chủ yếu là hàng không nhãn mác, nguồn gốc và phần lớn đều xuất xứ từ Trung Quốc.

Ngày 27-4, Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an TP Vinh (Nghệ An) bất ngờ ập vào số nhà 139, khu đô thị mới Long Châu, thuộc khối Cộng Hòa, phường Vinh Tân (TP Vinh) và phát hiện, thu giữ hơn 1 tấn thức ăn, đồ uống cho trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc. Kho hàng này là của gia đình anh Trương Phiên (46 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hương (41 tuổi), cùng trú tại địa chỉ trên.

Điều đáng quan ngại, toàn bộ tang vật bị thu giữ, bao gồm 123 dây Thanh Mai chua ngọt, 216 bao ô mai, 600 lọ nước trái cây, 416 bao C ngậm, 98 bao C xách, 30 bao ô mai ngậm, 2 thùng thịt sấy khô, 13 thùng ngô chiên, 16 thùng chuối sấy khô, 10 bao kẹo, 2 thùng quẩy không có hạn sử dụng, không giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tất cả đều có chữ Trung Quốc và được đóng gói bằng nhiều hình thức bắt mắt với mục đích bày bán trước cổng các trường học nhằm kích thích trẻ em.

Sự việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các loại thức ăn, đồ uống “lạ” được bày bán công khai trước cổng trường học. Ngay trên địa bàn TP Vinh, không khó để tìm một quán ăn vặt “di động” được bày bán trước cổng trường, nhiều nhất phải kể đến trường Tiểu học Trung Đô, Tiểu học Lê Mao, trường THPT VTC… có rất nhiều loại đồ ăn được bày bán như xúc xích chiên, xoài dầm, thịt xiên nướng, gà cay, tăm cay, kẹo hồ lô, bim bim cay, kẹo hổ… với giá từ 1.000-5.000 đồng/gói.Tất cả đều không có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác theo quy định và những loại thức ăn, đồ uống này đều có đặc điểm chung là hình thức rất bắt mắt và có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc.

Ngoài sự bắt mắt, lạ lẫm về hình thức, điều khiến các em học sinh thích thú với các loại thực phẩm “bẩn” này là giá thành siêu rẻ, chỉ từ 1.000 đồng đến dưới 5.000 đồng là đã có thể mua được những món ăn khoái khẩu, thậm chí chia sẻ với bạn bè để cùng nhau thưởng thức.

Tại nhiều cổng trường hiện nay, món ăn được ưa thích nhất có giá 2.000 đồng là “thịt hổ” nhãn hiệu Ka Ka. Gói “Hổ Ka Ka” này ngoài bao bì được minh họa bằng hình một con hổ, có ghi chữ Trung Quốc và có in quảng cáo bằng dòng chữ tiếng Việt “Đậu nành hương vị thiên nhiên” nhưng không hề có một chút thông tin gì về đơn vị nhập khẩu, có hạn sử dụng10 tháng nhưng lại không ghi ngày sản xuất. Thời điểm học sinh ùa ra cổng trường mua các loại thức ăn này nhiều nhất là giờ ra chơi hoặc tan tầm.


Hơn 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc chuẩn bị bày bán tại các cổng trường bị phát hiện, thu giữ.

Hơn 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc chuẩn bị bày bán tại các cổng trường bị phát hiện, thu giữ.

Và để hưởng ứng cùng con cái, nhiều bậc phụ huynh không chỉ đưa tiền cho con tự lựa chọn món ăn mà mình yêu thích, nhiều người còn tranh thủ ăn cùng con trước khi đón về nhà. Chính điều này đã vô hình trung tạo nên hiệu ứng chấp nhận sống chung với thực phẩm bẩn trong một bộ phận không nhỏ phụ huynh, hiệu ứng này phản ứng dây chuyền đến các em học sinh là điều hiển nhiên. Để hạn chế tình trạng học sinh mua thực phẩm từ hàng rong không đảm bảo an toàn, một số trường lâu nay đã phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở, nghiêm cấm việc bán hàng rong trước cổng trường.

Bên cạnh đó, các trường học còn đóng cổng trường giờ ra chơi, không cho học sinh ra ngoài mua quà vặt; đồng thời tuyên truyền về kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh. Tuy nhiên, giải pháp này chưa thực sự hiệu quả nên việc hàng rong tụ tập thành “chợ” bên ngoài cổng trường hiện nay vẫn còn khá nhiều.

Bác sỹ Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP TP Vinh cho rằng, cổng trường là khu vực bị cấm kinh doanh thức ăn. Cơ sở thức ăn đường phố thực tế chỉ bán chui bán lủi. Tất cả các loại đồ ăn, thức uống được bày bán quanh cổng trường đều không đảm bảo vệ sinh ATTP. Đa số các loại thức ăn này đều chế biến từ nguyên liệu nguồn gốc không rõ ràng, không đủ nước sạch khi chế biến, điều kiện vệ sinh cơ sở và vệ sinh cá nhân. Các bậc phụ huynh nên tạo cho con em mình thói quen cảnh giác với các loại thực phẩm “bẩn” bằng cách trang bị cho các cháu kỹ năng khi mua bất cứ sản phẩm nào cũng phải xem xét kỹ lưỡng về nhãn mác, sản phẩm được cơ quan chức năng cấp công bố số bao nhiêu, còn hạn sử dụng không, bao bì không rách nát, nguyên đai nguyên kiện, nhà sản xuất, người chịu trách nhiệm...

Cơ quan chức năng cũng đã phối hợp với các trường học để “dẹp” nạn thực phẩm “lạ”, thực phẩm “bẩn” bủa vây cổng trường nhưng sau các đợt kiểm tra, ra quân, tình trạng lại tái diễn, nhiều người bất chấp, vì lợi nhuận tiếp tục bán hàng cho học sinh. Tình trạng này sẽ còn tiếp tục tái diễn nếu việc xử lý hàng rong chỉ trông chờ vào tính tự giác của học sinh, phụ huynh và nhà trường mà không có sự kiểm soát, giải quyết triệt để của các cơ quan chức năng.

Theo CAND