Khi chuyên gia gây “nhiễu sóng” ở trường học

(Dân trí) - Một chuyên gia khẳng định với học trò rằng đồng tính là bệnh, có chuyên gia khác lại khuyên học sinh khi đi thuyền, phà, ca-nô thì đừng mặc áo phao…

Thông tin “chết người” của chuyên gia

Trong buổi nói chuyện chuyên đề tuổi mới lớn cho học sinh (HS) Trường THPT Trần Phú, TPHCM vào đầu năm học này, vị thạc sĩ đến từ công ty U. khẳng định với các em học trò rằng đồng tính là một căn bệnh nên có thể chữa được

Đi kèm với đó là bài nói chuyện hoàn toàn mang quan điểm cá nhân của bà như trào lưu quan hệ đồng tính hiện nay đang phát triển; thật ra đó là tâm bệnh chứ không phải bệnh về mặt sinh lý, nên đã làm tâm bệnh thì các em vẫn có thể chữa được nếu các em thật sự muốn thoát khỏi nơi đó... chứ không hề cung cấp cho các em các thông tin có cơ sở, căn cứ khoa học. 

Các chuyên đề ngoài chương trình học cung cấp cho học trò rất nhiều thông tin, kiến thức.
Các chuyên đề ngoài chương trình học cung cấp cho học trò rất nhiều thông tin, kiến thức. Trong ảnh: Học trò Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TPHCM tham gia chuyên đề tư vấn về tuổi mới lớn

Bài diễn thuyết sau đó được đăng tải trên mạng, gây “sóng gió” ở các diễn đàn. Không ít chuyên gia cũng đã phải lên tiếng vì lo ngại hậu quả từ những hiểu biết sai lệch kiến thức trầm trọng của vị thạc sĩ này. Nhất là bài phát biểu lại diễn ra ngay trong nhà trường, đối tượng nghe là các em HS trong độ tuổi lo lắng rất nhiều về sức khỏe giới tính. 

Thực tế, năm 1990, tổ chức Y tế Thế giới đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Sau đó, Hoa Kỳ cũng đưa ra động thái tương tự, xem đây là một xu hướng tính dục tự nhiên của con người. Khi đã không phải là bệnh thì không thể chữa và cũng không cần chữa. Trên thế giới, việc thừa nhận xu hướng tình dục đồng tính và bảo vệ quyền của họ đã trở thành xu thế thời đại. Gần đây, Việt Nam cũng có nhiều động thái tích cực bảo vệ quyền của đồng tính. 

HS không được cung cấp những thông tin như vậy, lại được nghe những quan niệm cá nhân sai lệch. Điều này không chỉ gây hoang mang cho các em mà nguy hiểm hơn là có thể gia tăng sự kỳ thị, tổn thương ngay trong môi trường học đường.

Trong các khóa học về kỹ năng sống của một trung tâm ở TPHCM, nhiều học trò được các chuyên gia dặn dò khi đi phà, thuyền bè, ca-nô, tuyệt đối không mặc áo phao. Các em được nghe giải thích, áo phao gây nổi sẽ không thoát ra được khỏi tàu thuyền, chỉ khi nào nhảy khỏi tàu thuyền bè mới mặc áo phao.

Nhưng khi gặp sự cố, tàu thuyền hay phà bị lật, việc mặc áo phao bằng cách nào thì các em lại không được chỉ dẫn. Những lời dặn dò của những người được gọi là “chuyên gia” chỉ làm cho HS càng trở nên lúng túng. 

May rủi tìm chuyên gia

Việc đưa vào trường học các chuyên đề đang được nhiều trường chú trọng nhằm giúp HS có thêm nhiều kiến thức, thông tin ngoài chương trình chính khóa. Để tổ chức chuyên đề này, hầu hết các trường phải tìm đến sự hỗ trợ từ các đơn vị ngoài trường học.

Cái khó là nhà trường cũng không đủ chuyên môn cũng như không có kênh nào để kiểm duyệt nội dung báo cáo, giáo dục bên ngoài vào. Đưa chuyên gia vào để làm giàu kiến thức cho HS nhưng không ít trường đang trong tình trạng may nhờ rủi chịu.

Các chuyên đề ngoài chương trình học cung cấp cho học trò rất nhiều thông tin, kiến thức.
Chương trình tư vấn từ Câu lạc bộ Khi tôi 18 của nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM tổ chức tại trường THPT Nguyễn Trung Trực, quận Gò Vấp, TPHCM

Ông Nguyễn Song Dũng - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Hưởng, Q.7, TPHCM cho hay, mỗi năm nhà trường tổ chức 4 - 5 chuyên đề cho HS, phụ huynh và cả giáo viên mời chuyên gia bên ngoài về trường nói chuyện.

“Khâu khó nhất chính là xây dựng chủ đề và mời báo cáo viên. Để hoạt động này hiệu quả và tránh những điều đáng tiếc, chúng tôi mời giáo viên, đại diện phụ huynh trao đổi về chủ đề cũng như đề xuất mời chuyên gia. Chúng tôi thông qua các trường sư phạm hoặc tổ chức có uy tín để tìm người nói chuyện phù hợp”, ông Dũng cho hay.

Ông Nguyễn Thành Trung - Phòng Công tác HS-SV, Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ hiện nay, có không ít công ty, trung tâm tìm cách vào trường học bằng các chuyên đề, chương trình để giới thiệu, quảng cáo. Không chỉ tổ chức miễn phí mà nhiều đơn vị còn tặng thêm để thu hút các trường. Hiệu trưởng muốn tổ chức để HS được tiếp cận thêm nhiều thông tin, không mất kinh phí nên nhận lời mà có lại không kiểm soát được nội dung, kiến thức của các đơn vị đưa vào.

Sở GD-ĐT TPHCM cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nội dung chuyên đề cho đội ngũ trong trường học như giáo viên, chuyên viên tư vấn, chuyên viên y tế… Theo ông Trung, việc tổ chức các chuyên đề ở trường học cần có sự tham mưu kỹ lưỡng giữa ban giám hiệu với đội ngũ này và cả phụ huynh về chuyên đề, báo cáo viên cũng như các hình thức tổ chức sao cho phù hợp.

Ngoài ra, ngành Giáo dục TPHCM cũng có văn bản nghiêm cấm các hoạt động mang tính thương mại, quảng cáo, không có ý nghĩa giáo dục trong nhà trường.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, hiện nay HS tiếp cận thông tin từ rất nhiều luồng, trong đó không ít kênh thông tin trôi nổi không được kiểm chứng rất nguy hại. Nhưng không có kênh nào nguy hiểm hơn khi các em tiếp cận những thông tin thiếu khoa học ngay trong môi trường học đường, sẽ dẫn đến những ngộ nhận, hiểu biết sai lệch. Điều này đòi hỏi nhà trường và phụ huynh phải thật sự tỉnh táo khi chọn “thầy” dạy cho con trẻ.

Hoài Nam