Khi con mình là… “con vua”

“Hội chứng con vua” hay “hội chứng con cưng” là vấn đề rất hay gặp trong xã hội ngày nay khi bố mẹ quá bận rộn với công việc bên ngoài, phó thác việc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ cho ông bà hoặc người giúp việc.

Khi con mình là… “con vua” - 1
Dạy trẻ biết cách kiểm soát những cảm xúc của bản thân cũng là cách giúp trẻ không bị "hội chứng con vua".
 
Một phụ huynh tìm đến khoa tâm lý của Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM với tâm trạng mệt mỏi, kể: “Con tôi đã bảy tuổi nhưng đến nay vẫn ham chơi, không lo học. Cứ mỗi lần xin tiền không được là nó cứ lao đầu vô tường để chết. Anh tôi dẫn đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị “hội chứng con vua”. Giờ gia đình tôi mong muốn có được lời khuyên và hướng dẫn cách điều trị thế nào”.

 

Nhiều trường hợp tương tự khác cũng đã làm cho không ít ông bố, bà mẹ điên đầu khi con mình mỗi lần muốn gì mà không được đáp ứng là đập mặt vô gối, xuống bàn; đập phá đồ đạc trong nhà hoặc nằm ngửa ra giữa nhà giãy… đành đạch.

 

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, trưởng đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, hội chứng “con cưng, con vua” thường có biểu hiện thích “làm vua” hàng ngày, cưỡng bức người phục vụ (từ thuyết phục đến hăm doạ hoặc bạo lực), trưởng thành giả tạo, luôn đổ lỗi cho người khác. Ngay cả khi được thoả mãn mọi đòi hỏi thì chán cũng rất nhanh và đòi những điều mới lạ, tìm thú vui nhất thời, không chấp nhận ấm ức, khiêu khích cảm xúc của cha mẹ (giận dữ, lo âu, trầm cảm).

 

Chuyên gia tâm lý Trương Quốc Cường, bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết hội chứng “con cưng, con vua” chủ yếu là do cha mẹ, ông bà và những người thân trong gia đình chưa rõ tâm lý của trẻ. Chiều chuộng, cung phụng quá mức với những nhu cầu trẻ đòi hỏi.

 

“Với những gia đình có một con hay cháu đích tôn việc chăm sóc chiều chuộng quá mức vô tình gây nên những đổ vỡ về mặt tâm lý cho trẻ, ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách sau này”, ông Cường phân tích.

 

Theo khuyến cáo của ông Cường, khi phát hiện con có những biểu hiện của “hội chứng con vua”, việc các gia đình nên làm trước hết là phải có thái độ thông cảm với những khó khăn của trẻ. Sau đó nên tìm cách thiết lập lại giới hạn cho trẻ. Nghiêm khắc, không để trẻ tiếp tục “chỉ huy”. Tập cho trẻ tự lập những công việc phù hợp với lứa tuổi để có thể trải nghiệm cuộc sống.

 

“Dạy trẻ biết cách đứng lên từ thất bại. Không phải khi té xuống thì đánh vào nơi té là cách làm đúng nhất mà nên giải thích để trẻ nghiệm ra rằng đó là do sự bất cẩn của trẻ”, ông Cường dẫn ví dụ.

 

Roi vọt không trị được “con vua”

 

Đánh trẻ không phải là cách tốt nhất để trẻ giới hạn đòi hỏi. Giải thích cho trẻ hiểu những điều sai và nói chuyện để hiểu trẻ hơn mới là lựa chọn cần thiết. Ngoài ra cũng cần dạy trẻ cách kiểm soát những cảm xúc của bản thân như khi con giận con có thể khóc, có thể nói với ba mẹ nhưng hò hét hay tấn công thì không được phép.
 

Khen ngợi khi trẻ làm được những điều tích cực, bàn bạc với trẻ về hình thức phạt khi trẻ làm sai và cương quyết thực hiện hình phạt khi xảy ra. Có rất nhiều hình thức phạt trong đó cắt ngay “đặc quyền đặc lợi” là hiệu quả và khoa học nhất.

 

Theo Trung Dũng
Sài Gòn Tiếp Thị