Khi đồng phục sinh viên “té nước theo mưa”

Không chỉ đồng phục với học sinh phổ thông, vài năm lại đây, nhiều trường đại học (ĐH) buộc sinh viên mặc đồng phục với đủ loại, từ đồng phục thể dục đến đồng phục khoa, đồng phục trường, thậm chí đã từng có trường đồng phục cả… mũ bảo hiểm…

Đồng phục theo… ngày 

Nhiều trường bắt buộc sinh viên (SV ) mặc đồng phục nên ngoài các loại tiền học phí và các khoản phí khác, đồng phục có giá không nhỏ. Trường Cao đẳng (CĐ) Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM, riêng SV  nữ phải đóng thêm 290.000 đồng cho một bộ đồng phục áo dài. Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex TP.HCM có giá đồng phục là 380.000 đồng. Trường ĐH Thể dục Thể thao TP.HCM tiền may quần áo đồng phục thực hành và lý thuyết là 500.000 đồng… ĐH Dân lập H. P. thông báo đồng phục SV (mùa hè và mùa đông): 550.000đ.

Một số trường như CĐ Viễn Đông, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Phú Yên, ĐH Đồng Tháp, ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Bạc Liêu… quy định SV phải mặc đồng phục cả tuần hoặc một số ngày trong tuần.

Có trường còn chi li trong quy định bắt SV  ngày nào phải mặc loại quần áo gì, màu sắc ra sao, giày dép thế nào. Thậm chí, trường ĐH Ngân hàng TP.HCM còn cực đoan hơn khi cấm SV  mặc đồng phục thể dục vào giảng đường, tức là sau giờ thể dục, SV phải nháo nhào đi thay trang phục rồi mới được vào lớp (!).

Theo Cẩm nang SV ĐH và CĐ chính quy năm học 2012 - 2013 của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, SV phải mặc đồng phục vào 2 ngày trong tuần. Ngày thứ hai, nữ mặc áo dài, nam mặc áo sơ mi trắng dài tay và quần sẫm màu.

Thứ sáu, SV phải mặc áo sơ mi vàng tay lửng, nữ mặc váy màu đen và nam mặc quần sẫm màu. Điều khiến nhiều SV bất bình là ngoài quy định không được mặc áo thun không cổ, không đi dép lê khi đi học và ra vào trường, trường còn cấm SV mặc đồng phục thể dục vào trong lớp học, nghĩa là sau giờ thể dục SV  phải thay trang phục trước khi lên giảng đường. Nếu SV vi phạm sẽ không được vào lớp học, Thanh tra đào tạo lập biên bản để xử lý và chấm điểm rèn luyện cuối năm.

Trường ĐH Đồng Tháp cũng có quy định tương tự. SV  không được mặc trang phục thể thao khi đến lớp. Đặc biệt, trường này yêu cầu SV phải mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần.

Trong đó, nữ SV ngành Sư phạm giờ học lý thuyết, vào phòng thi phải mặc áo dài hoặc bộ váy áo, đi giày hoặc dép quai hậu. SV nữ các ngành khác khi lên lớp phải mặc đồng phục gồm quần âu, áo sơ mi và áo bỏ trong quần. Riêng với SV các hệ liên thông, vừa làm vừa học và học viên cao học, khi đến lớp, vào phòng thi không được mặc quần jeans, áo thun. Nếu SV  mặc trang phục không đúng quy định sẽ không được cho vào lớp.

Trường ĐH Phú Yên thì quy định dù chỉ là thường phục mặc hàng ngày nhưng khi ra vào trường SV nam phải mặc quần âu có đeo thắt lưng, đi giày và áo bỏ trong quần. SV nữ cũng phải mặc quần âu hoặc váy. Trường CĐ Viễn Đông cũng vừa ban hành quy định đồng phục học sinh, SV  trong năm nay.

Theo đó, SV vào lớp phải mặc đồng phục trường, cấm mặc áo thun không cổ kể cả khi đến trường vào ban đêm. Nếu vi phạm, SV  sẽ bị mời ra khỏi lớp học, cấm thi, trừ điểm thi đua và xét hạnh kiểm. Trường ĐH Quốc tế Miền Đông còn quy định đồng phục riêng của mỗi khoa.

Bất tiện… ráng chịu

Vào ngày 26/8 vừa qua, Khoa Giáo dục Tiểu học ĐH Sài Gòn, TP.HCM đã có thông báo quy định về việc SV của khoa phải mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần. Thông báo bất ngờ này làm không ít SV của khoa sửng sốt, vì trước nay các SV  chưa từng nghe về việc này.

Theo phản ánh từ SV trên các trang mạng thì các bạn trẻ bức xúc vì rất nhiều lí do, như: Đồng phục là trang phục chung của học sinh cấp 2, 3 để có tính đồng nhất. Còn SV đại học cần có sự năng động lẫn cá tính, và điều đó dễ dàng thể hiện qua trang phục. Vậy mà bây giờ lại phải quay lại “cái thời” váy áo y chang nhau để đến trường.

Qua khỏi trường cấp 2, cấp 3, lên đến ĐH cứ nghĩ là nơi có thể tự do thoải mái, thế mà bây giờ lại phải một  lần nữa chịu đựng sự gò bó về quần áo, làm cho bất tiện về việc đi lại cũng như học tập, bởi trong 1 ngày học, có khi SV phải di chuyển từ cơ sở này qua cơ sở kia, váy áo thế này quả thật là mệt mỏi và bất tiện khi đi xe máy hay xe bus.

Hơn nữa, SV Sư phạm hầu hết đều khá khó khăn, vừa đi học vừa đi dạy thêm, được miễn giảm học phí mới yên tâm học tập, bây giờ phải tốn kém một khoản tiền mua đồng phục đi học; rồi nữa là cơ sở vật chất tại khoa thật sự không thích hợp để mặc đồng phục thế này, bởi phòng học chỉ giờ học mới mở, ghế đá thì ít, SV thường phải ngồi ở hành lang để chờ đợi đến ca học. Thậm chí có bạn nhà xa phải nghỉ trưa tại trường, mặc váy thế này có phải là quá khó cho SV không?.

Theo quy định của Trường ĐH Dân lập Văn Lang, mỗi khoa sẽ có một loại đồng phục riêng nhưng bắt buộc nữ phải mặc áo dài. Khoa Công nghệ sinh học yêu cầu nữ SV phải mặc áo dài màu vàng, khoa Ngoại ngữ thì yêu cầu áo dài màu xanh nước biển, quần màu vàng... “Để đi vào nền nếp, việc mặc đồng phục được tính vào điểm rèn luyện của mỗi sinh viên”. Chính vì “tính vào điểm rèn luyện” nên SV nào cũng “sợ”.

“ Hổng giống ai”

Thầy Lê Minh Đức - Trưởng phòng Công tác chính trị - SV Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM cho rằng: Thực tế cũng cho thấy, những trường TCCN, CĐ, ĐH có tính chất đặc thù và có thể đồng phục được, như các trường công an, quân đội, hải quan, hàng hải... thì đều đã mặc đồng phục. Còn những trường khác, có muốn áp đặt cũng rất khó.

Hiện trong năm ngành đào tạo của trường, chỉ có SV  ngành Du lịch là mặc đồng phục (nữ mặc áo dài, nam sinh mặc sơ mi, quần tây, đeo cà vạt). SV các ngành Văn hóa, Mỹ thuật, Sân khấu, Âm nhạc thì mặc tự do. Các em đã 18 tuổi hết rồi, phải tôn trọng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng khẳng định: “Tôi thấy rằng trên thế giới dường như không có trường ĐH, CĐ nào quy định đồng phục cho sinh viên. Tôi cũng đi nhiều nước, đến nhiều trường ĐH và thấy rằng SV của họ ăn mặc rất thoải mái.

Miễn đừng ăn mặc phản cảm khi đến trường, còn SV có quyền ăn mặc theo phong cách riêng của họ, bởi trang phục cũng là một cách định hình cá tính. Không nên quy định đồng phục SV giống như học sinh bậc phổ thông, SV cần được ăn mặc thoải mái để thể hiện cá tính riêng qua trang phục, miễn sao đảm bảo sự kín đáo, lịch sự”.

Theo Uyên Na
Pháp luật Việt Nam