Ghi nhận từ việc thí điểm Chương trình tiếng Anh I-LEARN tại TPHCM:

Khi học sinh được vui học tiếng Anh

Nhằm nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ cho học sinh phổ thông, Sở GD-ĐT TPHCM đã triển khai ở tầm thí điểm chương trình dạy và học tiếng Anh tương tác trực tuyến i-Learn.

Đây là một chương trình giảng dạy Anh ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế, được format mới, Việt hóa theo đúng chuẩn nội dung của Bộ GD-ĐT để học sinh (HS) dễ dàng tiếp cận và tiếp cận một cách hiệu quả.

Trong một tiết học áp dụng chương trình tiếng Anh tương tác trực tuyến i-Learn, không bao giờ tồn tại sự “thụ động”. Thông qua trò chơi, hình ảnh…, giáo viên (GV) tạo ra ngữ cảnh, theo đó ngôn ngữ thực hành được nhân rộng theo tình huống đối với HS. Việc học bằng hoạt động theo cặp, nhóm nhỏ để thực hiện một công việc cụ thể đã giúp HS phát huy tinh thần làm việc nhóm. Và lẽ đương nhiên, khi muốn tham gia vào trò chơi, HS phải hiểu bạn mình đang nói gì hay đã viết gì. Dần dần, các em sẽ hình thành thói quen phải nói được những điều mình quan tâm hoặc diễn đạt thông tin cho các bạn hiểu, theo đó động cơ tiếp thu kiến thức được khởi phát theo cách chủ động và hào hứng.

Với giáo trình i-Learn, GV sẽ đóng vai trò người tạo ra không gian học tập, là người hướng dẫn, cung cấp “nguyên liệu” như từ vựng, về cấu trúc mới… để HS khám phá, hiểu rõ hơn một vấn đề bằng việc học tự lực (hoặc cùng nhau) giải thích theo nhiều tình huống khác nhau… Lúc này, “chủ thể” của lớp học trả về đúng đối tượng đó là HS. Điều này giúp các em phát huy cao độ tính tự chủ và tích cực hơn trong việc học. Từ đó, HS có nhiều cơ hội trang bị cái chuẩn, cái đúng và hình thành kỹ năng sử dụng Anh ngữ chuẩn một cách nhẹ nhàng…

Khi trao đổi sâu hơn về i-Learn, ông Craig Wright (soạn giả tham gia thiết kế và phát triển nội dung của chương trình bổ trợ i-Learn) cho biết: i-Learn cung cấp tất cả những gì cần thiết cho GV khi đứng lớp, giúp giảm tải áp lực công việc đáng kể. Với bài giảng tương tác của i-Learn, GV không còn phải vất vả chuẩn bị giáo án, thay vào đó là tập trung thu hút sự chú ý của HS, khuyến khích các em chủ động tham gia vào bài học nhiều hơn. Và mục đích cuối cùng là sau khi học, HS có thể tự tin giao tiếp tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai ở đa dạng ngữ cảnh trong đời sống…

Học sinh Trường Châu Văn Liêm trong một tiết học Anh văn với giáo trình i-Learn. (Ảnh: T.Th)
Học sinh Trường tiểu họcChâu Văn Liêm (Q. 6, TPHCM) trong một tiết học Anh văn với giáo trình i-Learn. (Ảnh: T.Th)

Điểm nổi trội của i-Learn chính là sự bao trùm mọi phương diện của quá trình dạy và học. Không gói gọn trong phạm vi lớp học mà vẫn có thể làm việc cùng nhau, ngay cả khi cô và trò ở nhà. Trên lớp, GV sẽ sử dụng account truy cập Hệ thống quản lý học tập của chương trình (hay còn gọi là Learning Management System - LMS) để tải bài giảng tương tác. Tại nhà, HS sẽ sử dụng account truy cập vào hệ thống LMS để làm bài tập, xem lại bài học và nộp bài làm trực tuyến. Hệ thống quản lý học tập LMS của i-Learn còn cho phép kết nối chặt chẽ Nhà trường - Giáo viên - Học sinh - Phụ huynh, tạo nền tảng vững chắc trong việc giáo dục. Với account được cung cấp miễn phí, nhà trường có thể quản lý quá trình dạy và học của GV và HS, kết nối trực tiếp với phụ huynh; GV thì sử dụng bài giảng của hệ thống, ra bài tập, cho điểm, theo dõi quá trình và kết quả học tập của HS. Còn HS có thể tham gia tương tác vào bài học trên lớp, làm bài tập, tra cứu kết quả học, thi, thậm chí khai thác đa dạng nguồn tài liệu khác. Và phụ huynh thì dễ dàng theo dõi quá trình, kết quả học tập của con em… 

Kết quả ban đầu cho thấy, i-Learn thể hiện khá nhiều điểm cộng, đặc biệt phù hợp cho độ tuổi HS tiểu học, như tâm sự rất thật của em Nguyễn Vũ Việt Vương (HS Trường tiểu học Thiên Hộ Dương, Quận 10, TPHCM), rằng: "Khi được học với bảng tương tác i-Learn, em dễ nhớ bài ngay tại lớp vì học qua các hoạt động như trò chơi từ vựng, trò chơi hình ảnh, học phát âm qua nhịp điệu, học từ vựng qua bài hát…". Còn phụ huynh của Việt Hương chia sẻ thêm: "Từ khi tiếp cận phương pháp học i-Learn, bé nhà tôi tỏ ra biết cách làm phong phú  thêm vốn từ ngữ kiến thức của mình và còn biết hoàn thiện nhiều kỹ năng khác như học nhóm với bạn…".

Ở vị trí quản lý cấp phòng, ThS Lê Ngọc Điệp - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: TPHCM đang xây dựng đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho HS phổ thông, trong đó có cấp tiểu học. Theo đó, có 2 mục tiêu rõ ràng: Phổ cập và Nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS, chính thức triển khai từ năm học 2012 - 2013. Với mục tiêu tất cả HS tiểu học, đến năm 2020 đều được học ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh là chủ yếu với 2 mức là phổ cấp và nâng cao. Riêng trình độ nâng cao là thi lấy các chứng chỉ quốc tế, tiến đến hội nhập trong khu vực và khi tốt nghiệp tiểu học, HS sẽ có chứng chỉ của ĐH Cambridge tổ chức.

Với chương trình tiếng Anh nâng cao này, các công ty có thể hỗ trợ, tham gia để làm sao cho việc dạy và học tiếng Anh hiệu quả hơn, nhẹ nhàng hơn và đảm bảo nội dung khoa học, chính xác, có tính sư phạm. Chủ trương của ngành là những phần mềm nào tốt nhất có thể hỗ trợ cho giáo dục, cho các phương pháp giảng dạy, Sở GDĐT TPHCM sẽ thẩm định và xin phép Bộ Giáo dục cho phép các trường thực hiện để hỗ trợ cho GV và HS - đó là một trong những cách mà chúng ta tiếp cận với công nghệ thông tin để làm cho việc học tiếng Anh càng ngày càng tốt hơn”, ông Điệp cho biết thêm.