Khi phụ huynh “góp sức” cho bệnh thành tích

(Dân trí) - Quá chú trọng vào điểm số của con; trách mắng, đánh đòn khi con bị điểm thấp… - phụ huynh vừa là nạn nhân nhưng đồng thời cũng là người “góp sức” tích cực đến bệnh thành tích trong ngành Giáo dục.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TPHCM kể về em học sinh (HS) đạt danh hiệu HS Tiên tiến. Bà mẹ lên gặp ban giám hiệu, vô cùng tức tối cho rằng đó là nỗi nhục của gia đình, bố mẹ không còn mặt mũi để nhìn ai.

Cho dù đã được phân tích, kết quả này hoàn toàn phù hợp với đứa trẻ và không có vấn đề gì đáng ngại. Nhưng người mẹ không chịu, nói rằng sẽ bắt con đi học thêm để đạt HS Giỏi mới thôi.

Từng được nhiều gia đình gửi gắm con cái nhưng hai năm trở lại đây, một giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học ở TPHCM từ chối việc dạy thêm do áp lực “bệnh thành tích” từ bố mẹ. Có cháu học thêm tại nhà cô mà không đạt học sinh giỏi, không nhất nhì lớp y như rằng phụ huynh đến than phiền, tỏ ý không bằng lòng ngay.

Ít người quan tâm con mình học được điều gì, khả năng con thế nào mà chỉ chú trọng miễn sao điểm của con thật cao - dù bằng cách nào đi nữa. Và một thực tế hiện nay giáo viên đang gặp phải nếu ra đề thi khó hay chấm điểm thấp - cho dù đúng với khả năng làm bài của trẻ - rất dễ gặp phản ứng dữ dội từ phụ huynh.

Phụ huynh “góp sức” cho bệnh thành tích
Học chỉ để đạt điểm số cao - áp lực mà nhiều phụ huynh đang đặt nặng lên vai con trẻ góp sức không nhỏ cho bệnh thành tích trong giáo dục. (Ảnh minh họa)

Cách đây chưa lâu, trong kỳ thi học kỳ 2 môn Ngữ văn lớp 5 ở TPHCM ra đề thi Tả trường em sau buổi học. Một số em làm lệch sang tả giờ ra chơi. Ngay lập tức, phụ huynh phản ánh lên nhà trường chỉ vì lý do duy nhất: lo điểm thi của con thấp. Còn vì đâu trước một đề thi mà con mình lại hiểu sai, để giúp con tiến bộ thì họ không quan tâm. Một lãnh đạo phải thở dài: Nhiều phụ huynh chỉ quan tâm điểm số chứ ít chú trọng đến sự phát triển thật sự của đứa trẻ.

Và điều nguy hiểm nhất, vì điểm số, bố mẹ đặt áp lực rất lớn lên con trẻ. Theo nghiên cứu gần đây của nhóm tác giả Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tại một số trường học ở TPHCM thì gia đình thường xuyên đặt yêu cầu con phải đạt điểm cao (xấp xỉ 60 - 70% tùy trường). Để con đạt HS Giỏi, thứ hạng cao, phụ huynh bắt con đi học thêm, thúc ép con phải vào đội tuyển bằng được.

Nhiều phụ huynh than rằng mình là nạn nhân của bệnh thành tích. Điều đó không sai nhưng khi biết mình là nạn nhân, thay vì tìm cách tốt nhất để giảm áp lực thì họ lại “góp sức” không hề nhỏ cho căn bệnh thành tích.

Phụ huynh đổ hết lỗi cho nhà trường, chương trình học và cả xã hội đang "đày đọa" con mình. Xin thưa, áp lực mà một đứa trẻ sợ hãi nhất lại từ chính bố mẹ. Việc học, cũng như những công việc khác không bao giờ nhẹ nhàng, luôn đòi hỏi sự khổ luyện mới đạt được hiệu quả. Mong muốn con học giỏi là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng. Nhưng điều đứa trẻ cần là động lực học tập đúng đắn, học trước hết cho bản thân. Còn hiện nay, trẻ học vì bố mẹ, để mang điểm số về cho bố mẹ vui lòng. Điều đó làm các em mất đi động lực học tập thật sự cũng là mối nguy lớn nhất cho hoạt động giáo dục. Thay vì chờ đợi những thay đổi ngoài khả năng, phụ huynh hoàn toàn có thể giảm áp lực thành tích cho con bằng cách truyền cho con động cơ học tập, khám phá đúng với khả năng, đam mê - những yếu tố quyết định thành công và hạnh phúc của đứa trẻ.

Bệnh thành tích tạo nên một sự hư học, ảo tưởng. Chống bệnh thành tích không chỉ là chuyện của ngành Giáo dục, nhà trường mà phải ngay trong gia đình - nơi tác động rất lớn đến con trẻ. Giáo dục được cấu thành bởi 5 chủ thể gồm nhà nước, nhà trường, nhà giáo, nhà mình (gia đình) và người học. Theo chia sẻ của nhà giáo dục Giản Tư Trung, sự hư học hiện nay có lỗi từ nhiều chủ thể. Vai trò của nhà nước là quan trọng nhất nhưng như vậy không có nghĩa là các “nhà” khác không có trách nhiệm. 

Hoài Nam