Khó cấm giảng viên “chạy sô”

(Dân trí) - Sáng nay 12/9, trong buổi gặp gỡ báo chí về chương trình kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, PGS. TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng nhà trường đã thẳng thắn chia sẻ thêm nhiều vấn đề về thu nhập cũng như việc "chạy sô" dạy thêm của giảng viên.

PGS.TS. Võ Văn Sen cho biết, theo một điều tra thống kê về thu nhập trên 984 giảng viên của trường hiện có khoảng 70 người có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng. Trường có ý muốn trợ cấp thêm thu nhập nhưng có trên 30 người từ chối vì có những người gia đình có công ty riêng. Như vậy có khoảng 30 người có thu nhập thấp nhưng so với tổng số thì không đáng kể.

Tuy nhiên, ông Sen cho biết ngoài thu nhập chuẩn giảng viên còn có thêm thu nhập khác như dạy thêm ngoài giờ chuẩn, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học…

PGS.TS Võ Văn Sen chia sẻ trong buổi gặp gỡ báo chí về chương trình kỷ niệm 60 năm thành lập trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)
PGS.TS Võ Văn Sen chia sẻ trong buổi gặp gỡ báo chí về chương trình kỷ niệm 60 năm thành lập trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Nhìn nhận về tình trạng nhiều giảng viên "chạy sô" dạy thêm sang các trường khác, ông Sen cho rằng không thể cấm được. Theo ông Sen, đây là thực trạng chung của các trường ĐH công hiện nay bởi một phần lực lượng giảng viên có trình độ quá ít trong khi số lượng trường ĐH quá nhiều.

“Thậm chí, ngay cả một trường ĐH khác dù trả lương giảng viên ở mức 20-30 triệu đồng mỗi tháng cũng không thể “giam” được giảng viên chỉ dạy ở trường mình. Vì dù trả cao như mức nêu trên nhưng cũng không bằng thu nhập thực tế khi dạy thêm. Đến thời điểm này đây là việc chưa trường ĐH nào ở Việt Nam có thể làm được”, ông Sen nói.

“Tình trạng nhiều trường ĐH chỉ có 5-10 tiến sĩ cơ hữu cho toàn trường trong khi có hàng ngàn sinh viên khá nhiều. Để có người dạy, các trường này phải mượn tên giảng viên trường khác", ông Sen nói.

Năm nay, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn sẽ kỷ niệm 60 năm thành lập, với tiền thân là Đại học Văn khoa (Viện Đại học Sài Gòn) ra đời năm 1957
Năm nay, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn sẽ kỷ niệm 60 năm thành lập, với tiền thân là Đại học Văn khoa (Viện Đại học Sài Gòn) ra đời năm 1957

Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết, Luật Giáo dục hiện nay chỉ quy định giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ tại chỗ sẽ không được phép làm thêm việc khác. Trường chỉ có biện pháp khuyến khích và đặt ra quy định về nghiên cứu. Giảng viên phải vượt qua giờ dạy chuẩn và có công bố khoa học đầy đủ mới được đi dạy thêm chỗ khác. Còn ngược lại, hiệu trưởng sẽ xem xét.

Cũng theo PGS.TS Võ Văn Sen, sắp tới trường sẽ tăng tỷ lệ sau đại học, cắt giảm gần 5.000 chỉ tiêu hệ tại chức, vừa học vừa làm. Điều này dẫn đến nguồn thu của trường bị giảm, tuy nhiên thu nhập cho giảng viên vẫn không bị thay đổi.

Năm nay, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM sẽ kỷ niệm 60 năm thành lập, với tiền thân là Đại học Văn khoa (Viện Đại học Sài Gòn) ra đời năm 1957. Hiện, đây là một số trung tâm đào tạo, nghiên cứu nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của cả nước.

Lê Phương