Khổ lắm... nói mãi!

Chấm thi đại học mấy hôm nay, một giảng viên Sử học mệt mỏi nhận xét: Đọc mấy trăm bài thấy hay nhất là câu “<i>Dù em không làm được bài và lỡ có thi trượt thì em vẫn mong muốn được là một bộ phận của trường để góp sức đưa sự nghiệp Sử học nước nhà lên một tầm cao mới</i>”.

Nghe anh nói thấy mệt, vì không biết phải mếu hay cười với cái “tầm cao lịch sử” của những người chủ tương lai đất nước mà thực học - dù chỉ qua một kỳ sát hạch nghiêm túc - lại ở “tầm thấp” đến vậy?

 

Lại hỏi người thầy ấy - cỗ máy cái tạo thầy của chính những thí sinh đó - lỗi do ai mà học trò không quan tâm và không thích học môn sử (?), thì người viết chỉ được giải thích vắn tắt là không phải lỗi thầy mà do “lỗi cả bên trên và cả bên dưới, có lẽ do hụt hẫng kiến thức từ… lớp 1”. Như thế… chả lẽ phải vứt hết để làm lại từ đầu và liệu có cách nào cứu vãn và chấn hưng “văn hóa sử”?

 

Giải đáp câu hỏi này vừa dễ lại vừa khó. Dễ ở chỗ chúng ta thấy ngay 3 nguyên nhân chính dẫn đến sự “rùng mình… sử ơi!”: khâu biên soạn sách giáo khoa (SGK), khâu dạy và khâu học. Còn khó là ở chỗ biết rõ cái “3 trong 1” này mà nhiều năm qua chúng ta chưa có cách nào sửa được.

 

Thứ nhất, về SGK - qua biết bao các cuộc hội thảo, trưng cầu ý kiến, góp ý để “đổi mới” - thì nó vẫn vừa nặng lại vừa yếu, đầy rẫy những từ sáo rỗng, đại ngôn, xa rời thực tế, không hỗ trợ tốt cho học sinh phát triển năng lực sáng tạo. Đọc một cuốn sử được soạn tốt như của W.Durant về lịch sử văn minh phương Đông (qua bản dịch của Nguyễn Hiến Lê), người đọc thấy hứng khởi, đọc đâu hiểu đấy, đọc thấy thú vị, thấy sướng chứ không phải như SGK của ta - càng đọc càng mù mờ, không khơi dậy được những trang sử bị che lấp và tất yếu dẫn đến “sự quá tải”.

 

Có thể dẫn ra hàng loạt các lỗi “bình loạn” thay vì cách minh họa tinh tế dựa trên “sử liệu” như kiểu đánh giá hết sức chung chung về các chiến dịch trong 2 cuộc chiến vừa qua khiến học sinh không “cảm” được những mất mát, hy sinh to lớn của dân tộc ta. Đấy là còn chưa nói tới sự hời hợt và cách làm “bao cấp” khi biên soạn SGK sử: Các chương trình học cứ lặp đi lặp lại, lớp dưới đã học lên lớp trên cũng “ôn lại” và lên đại học lại “tổng ôn” một lần nữa cho chắc! Đó vừa là sự lãng phí thời gian vừa tạo sự nhàm chán, không hiệu quả.

 

Điều đáng nói nữa là SGK của ta gần như không cập nhật được cái mới, làm giảm sự hứng thú khi theo học. Chẳng hạn tại sao ở các lớp cuối cấp chúng ta không có thêm phần “hội nhập quốc tế” để tạo đà nhấn cho học trò chuẩn bị bơi ra biển WTO.

 

Thứ hai về cách dạy và học - cũng lại là chuyện “khổ lắm…nói mãi!”. Học sử thật ra cũng là học cách làm người. Nhưng người dạy “cách làm người” đó lại phải sống trong cảnh “giáo án” đã soạn sẵn, đã có “khung nẹp” cố định, rất khó thoát ra “sử ngoài luồng”. Làm sao truyền được đam mê khi thầy phải dạy một môn học được đánh giá là “không mang tính thị trường”? Cuộc sống khó khăn với đồng lương không đủ sống thì thầy có cách nào bươn chải cùng “sử học tinh hoa”? Thật buồn khi phải nói thẳng rằng chỉ một số ít thầy được tạo điều kiện đi thực tế để sờ được tận tay những hiện vật, để được đặt chân lên những di tích mà lâu nay mình vẫn giảng… theo SGK.

 

Nhưng thôi đã phận nghèo thì cứ đành bằng lòng với cách “du lịch qua màn ảnh nhỏ”. Cái quan trọng nhất vẫn là cách thầy truyền đạt gợi sự đam mê. Thầy giống như người trao cần câu cho trò để trò hiểu biết thu nhận tri thức, chứ không phải học để đối phó với thi cử. Có biết bao nhiêu cách để thoát cảnh thầy đọc trò chép, nhồi nhét, học vẹt… biến giờ học sử thành giờ học thú vị nhất như tổ chức seminar, học nhóm, tự các em tìm hiểu xây dựng chuyên đề… Và để có được niềm say mê học, dạy môn sử, thầy trò phải nỗ lực nhặt nhạnh thông tin, tìm cảm hứng từ cuộc sống bên ngoài trường học, bù đắp những gì mà SGK không mang lại được.

 

Thật ra, tất cả những chuyện này đều không mới. Không mới như kết quả thi “khổ lắm… nói mãi” mấy năm nay. Cái chính là cả xã hội, từ gia đình, thầy cô, học trò, cùng bắt tay học sử để thông sử. Và phải dũng cảm nhìn vào thực tế để có những bước đi đúng và chắc chắn, vì nếu không sẽ quá muộn, nói như Gamzatop: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn lại anh bằng đại bác”. Đó là chuyện lịch sử đã chứng minh!

 

Theo Bích An

Sài Gòn Giải Phóng