Đà Nẵng:

Khó quản lý nhóm lớp độc lập tư thục

(Dân trí) - “Hệ thống Nhóm lớp độc lập tư thục ở dạng nhóm trẻ gia đình nhỏ lẻ, đan xen vào các khu dân cư, gây khó khăn cho quá trình quản lý. Nhóm lớp nằm trong khu vực sinh hoạt gia đình ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ”

Trên đây là một trong những khó khăn trong công tác quản lý giáo dục mầm non tại Hội nghị của UBND TP Đà Nẵng tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 16/2009/CT-UBND của UBND thành phố về việc tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn.

Trong khuôn khổ Hội nghị, UBND TP Đà Nẵng trao bằng khen và tặng thưởng đến 30 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; Sở GD-ĐT khen thưởng 45 tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong việc thực hiện Chỉ thị 16/2009/CT-UBND của UBND thành phố.

Khó quản lý nhóm lớp độc lập tư thục
UBND thành phố Đà Nẵng khen thưởng các tập thể, các nhân có thành tích xuất sắc trong công tác GD Mầm non.

Theo ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, bên cạnh nhiều thành tựu đạt được trong công tác giáo dục mầm non, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt trong quản lý Nhóm lớp độc lập tư thục (NLĐLTT). Do địa bàn một số quận, huyện thuộc khu vực chỉnh trang đô thị và phát triển công nghiệp, chưa xây dựng trường mầm non trên địa bàn, nên dân cư gửi trẻ 5 tuổi vào loại hình NLĐLTT đã ảnh hưởng tới công tác điều tra phổ cập trẻ 5 tuổi ra lớp và số lượng trẻ ở nhóm lớp đông so với quyết định cấp phép.

Khó quản lý nhóm lớp độc lập tư thục
Việc quản lý các trường mầm non ngoài công lập, nhất là nhóm lớp độc lập tư thục gặp nhiều khó khăn (ảnh minh họa)

Việc quản lý NLĐLTT nhiều nơi chưa thực sự chặt chẽ, chưa cương quyết trong việc xử lý các nhóm lớp không có giấy phép thành lập nhưng vẫn hoạt động. Một số nhóm lớp có số trẻ vượt quy định nhưng UBND các xã, phường chưa có biện pháp xử lý triệt để. Đội ngũ giáo viên mầm non ngoài công lập không ổn định; một số chủ nhóm lớp và cô nuôi chỉ qua đào tạo ngắn ngày, kiến thức chuyên môn còn hạn chế, chất lượng giáo dục chưa cao, chủ yếu chỉ thực hiện việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.

Tại hội nghị, một số ý kiến tham luận đóng góp kinh nghiệm trong quản lý NLĐLTT trên địa bàn được ghi nhận như ý kiến của ông Nguyễn Đắc Xứng - Phó Chủ tịch UBND về cách giao cho tổ trưởng dân phố kiểm tra thường xuyên hoạt động của các nhóm lớp và báo cáo tình hình với UBND phường.

Chính quyền địa phương cũng lưu ý đặc thù hoạt động của các nhóm lớp trên địa bàn dẫn tới tăng giảm số trẻ ở các nhóm lớp ví dụ như dân cư ở một số phường trên địa bàn quận làm nghề biển, khi bố đi biển thì mẹ ở nhà trông trẻ, khi thuyền về thì cả nhà phải lo tiêu thụ thủy hải sản đánh bắt được, phải gửi trẻ đến nhóm lớp nên sỉ số trẻ ở các nhóm lớp không ổn định. Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cũng đưa ra đề xuất xây dựng nhà trẻ ở con em công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn vì nhu cầu rất lớn.

Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hải Châu nêu ra những khó khăn trong việc xây dựng nhà trẻ trong độ tuổi từ 3 tháng tuổi đến 72 tháng tuổi. Trong đó, nêu ra các trường chủ yếu nhận trẻ trong độ tuổi từ 12 - 18 tháng tuổi trở lên; còn trẻ trong độ tuổi từ 6 - 12 tháng tuổi thì bỏ ngõ trong khi người mẹ chỉ nghỉ 6 tháng sau sinh. Việc ghép các lớp trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi vào các trường mầm non công lập trên địa bàn cũng đã tính đến nhưng khó khăn vì cơ sở vật chất cho các lớp dành cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi yêu cầu khác so với trẻ ở độ tuổi lớn hơn. Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hải Châu đưa ra đề xuất sử dụng quỹ đất của các sở, ban ngành đã chuyển về Trung tâm Hành chính thành phố để xây dựng nhà trẻ cho trẻ ở độ tuổi từ 6 - 12 tháng tuổi.

Các ý kiến tại hội nghị cũng quan tâm việc đảm bảo quyền lợi, đảm bảo đời sống cho giáo viên mầm non ở các trường tư thục, ngoài công lập. Có một tồn tại hiện nay là giáo viên ở các trường tư thục, ngoài công lập hưởng lương theo mặt bằng chung của ngành nhưng lại đóng mức bảo hiểm xã hội theo mức của doanh nghiệp nên lương thấp mà phí bảo hiểm lại cao. Do các chế độ nghỉ lễ Tết theo thỏa thuận với chủ đầu tư nên giáo viên mầm non ở các trường tư thục cũng thiệt thòi hơn.

Nhằm tăng cường quản lý giáo dục mầm non ngoài công lập, trong thời gian tới, ngành GD thành phố định hướng tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về các quy định quản lý loại hình GDMN ngoài công lập, cung cấp thông tin về các trường, nhóm lớp đảm bảo điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ để nhân dân biết và cho trẻ ra lớp; Triển khai Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”; Tăng cường kiểm tra các cơ sở GDMN ngoài công lập về quy mô phát triển, điều kiện cơ sở vật chất, kiểm tra đột xuất về việc đảm bảo an toàn cho trẻ (dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh phòng dịch…).

Khánh Hiền