Khó quản lý việc học sinh sử dụng ĐTDĐ

(Dân trí) - Quay clip, ghi âm và chụp ảnh không lành mạnh rồi tung lên mạng là những dấu hiệu cảnh báo về văn hóa sử dụng điện thoại di động trong giới học sinh. Trong khi luật pháp không thể mạnh tay do cụm từ “vị thành niên” thì ngành giáo dục lại ở thế khó.

Thời gian gần đây, vấn đề “bạo lực học đường” không chỉ dừng lại ở những cuộc ẩu đả bằng tay chân mà nó đã phát triển ở mức độ cao hơn: xé quần, lột áo, dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) quay cảnh “nhạy cảm” rồi tung lên mạng. Một lần nữa song hành với “bạo lực học đường”, vấn đề văn hóa sử dụng ĐTDĐ của HS lại là bài toán cần có lời giải đáp.

Mới đây thôi, trong một clip đánh nhau của HS Trường THCS Trần Phú (thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đông) ngoài việc bị đấm đá, nữ sinh bị đánh còn bị xé áo, lột áo lót trong và liên tục bị những người tham gia dùng ĐTDĐ cố tính quay vào phần ngực bị hở. Ngay sau bị phát tán trên mạng nữ sinh đã bày tỏ lời cầu xin các website đang đăng tải đoạn video này hạ xuống.

Theo chuyên gia tâm lý của Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thì bản thân em HS này không phải choáng ngập trước hình ảnh bị bạn bè “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mà cảm thấy xấu hổ và bị tổn thương bởi những chỗ “nhạy cảm” của mình bị đưa lên mạng để rồi không ít bộ phận giới trẻ đánh giá, bình phẩm. Nghiêm trọng hơn là HS phải đối mặt với những ánh mắt “soi mói” khi đến trường, ra ngoài đường... Trong khi đó những HS gây ra sự tổn thương đó chỉ bị xử lý dừng lại ở phạm vi cảnh cáo, đình chỉ học có thời hạn…

Trước thực trạng này, Thượng tá Vũ Minh Chính, Phó trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ TP Hà Nội, phụ trách về giáo dục đào tạo chia sẻ: “Vấn đề sử dụng ĐTDĐ hiện nay đang là một tiêu điểm cần phải có cơ chế để xử lý chấn chỉnh. Hiện nay phần lớn các vụ kích động, đánh nhau…đều xuất phát từ việc gọi điện, nhắn tin. Chính vì thế vấn đề không chỉ dừng lại ở việc HS sử dụng điện thoại như thế nào mà cần phải làm cho các em thấy rõ tính nguy hại của phương tiện này trong đạo đức lối sống, an ninh chính trị của toàn xã hội”.

Khi “mục đích” bị thay đổi…

Hầu hết các bậc phụ huynh có con đang học phổ thông khi được hỏi vì sao đồng ý cho con em mình sử dụng ĐTDĐ đều có chung câu trả lời: Thời đại công nghệ, nhu cầu sử dụng ĐTDĐ là cần thiết bởi thông qua đó có thể giám sát được con cái, tạo điều kiện tốt hơn trong học tập... Mục đích ban đầu là vậy nhưng trên thực tế số HS sử dụng ĐTDĐ vào mục đích học tập khá hãn hữu. Điều này không khó để kiểm tra nếu chúng ta đi thực tế ở một số trường THPT hoặc đặt câu hỏi đại loại như tiêu chí chọn điện thoại của em là gì.

Học sinh T.T.H ở Hà Nội không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi: “Thời đại cuộc sống số, kết nối không dây... dùng điện thoại không ứng dụng nó thì quá phí. Với lại giá thành của những dòng máy có đầy đủ chức năng nghe nhạc, ghi âm, quay phim, chụp ảnh…cũng không quá cao. Đã chơi điện thoại thì phải sành điệu”.

Cũng theo H. thì chức năng được ưa chuộng nhất đối với giới học sinh là Bluetooth, kết nối không dây vì giờ đây chẳng ai đủ kiên nhẫn về nhà cắm dây nối mạng để tải bài hát hay đoạn phim.

“Cứ có một thông tin "nóng" nào là các em lại nhanh chóng truyền tải cho nhau bằng chức năng Bluetooth... Không chỉ vừa nhanh gọn, mà còn tiết kiệm được tiền bạc và thời gian”, H. cho biết

Dưới một góc độ khác, N.T.S - học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng đưa ra lý do để sử dụng ĐTDĐ: “Nhu cầu trò chuyện, chia sẻ khám phá công nghệ nhất là điện thoại với giới trẻ như bọn em là chính đáng nhưng các bạn cũng cần hạn chế, không quá sa đà. Hơn nữa cả trong và ngoài trường chúng em cũng có nhiều cách tiếp cận lành mạnh, trong sáng”.

Trước việc con em mình sử dụng ĐTDĐ không như mục đích ban đầu, cô Hương ở quận Đống Đa (Hà Nội) bộc bạch: “Bản thân chúng tôi cũng rất khó quản lý việc sử dụng điện thoại con cái. Nhiều bậc phụ huynh khi nói đến từ “công nghệ” thường mơ hồ, họ chỉ khái niệm ĐTDĐ chỉ để gọi điện mà thôi. Đối với những gia đình hiểu biết hơn thì họ cũng đã chủ động chỉ cho con cái mua ĐTDĐ “bình dân” nhưng lại ít có thời gian để giám sát, chính vì thế con đổi ĐTDĐ lúc nào cũng không hay”.

Và nhà trường không thể kiểm soát

Đứng dưới góc độ nhà quản lý, ông Mai Sỹ Nhật - Trưởng phòng công tác HS, SV - Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ: “Hiện nay luật pháp không cấm HS sử ĐTDĐ nên rất khó để quản lý các em. Ngành giáo dục mới chỉ có quy định cấm HS không được sử dụng ĐTDĐ trong giờ học, chứ chưa có những quy định cụ thể về vấn đề này”.

Thầy L.T.H, giáo viên của một trường THPT ở Hà Nội tâm sự: “Chúng tôi chỉ có thể giám sát được một phần về việc các em có sử dụng ĐTDĐ trong lớp hay không, còn ngoài khu vực lớp thì không thể giám sát nổi. Việc cấm các em sử dụng điện thoại là điều quá khó, giải pháp tối ưu nhất vẫn là tuyên truyền và giáo dục các em văn hóa khi sử dụng ĐTDĐ. Nhưng hiện nay bản thân giáo viên cũng ở thế khó bởi số kiến thức liên quan đến vấn đề này lồng ghép trong chương trình giảng dạy không nhiều”.

Dưới góc độ chuyên môn, Thượng tá Vũ Minh Chính phân tích: “ĐTDĐ là mảng rất kín, cảm quan của chúng ta rất khó nhìn thấy nên sẽ cực kì khó khăn trong vấn đề giám sát. Hiện nay nhiều HS vẫn rất mơ hồ với cụm từ “sử dụng ĐTDĐ đúng mục đích” trong khi chúng ta chưa đưa ra quy định cụ thể về hình ảnh, lời nói như thế nào thì bị cấm. HS thì không nhận định, nhận diện được còn các thầy thì cũng không rõ. Chúng ta cứ cấm loạn lên, cái không đáng cấm thì lại cấm còn cái cần cấm lại không cấm. Như thế nào thì không lành mạnh? Chúng ta phải làm rõ, càng rõ bao nhiêu thì quản lý mới hiệu quả được”.

Cũng theo thượng tá Chính, qua nghiên cứu cho thấy khi các clip thiếu lành mạnh được HS đưa lên mạng thì chắc chắn đã lưu trong máy ĐTDĐ một thời gian. Có thể là 6 tháng, 3 tháng hoặc ngắn nhất là 2 ngày. Bên cạnh đó phần lớn những người tung clip lên mạng là những HS không giỏi, không ngoan. Chính vì thế cũng đến lúc cần đặt ra vấn đề là: Có nên kiểm tra nội dung trong điện thoại của HS hay không? Nếu chúng ta kiểm tra định kỳ thì sẽ sớm phát hiện được các hình ảnh, clip xấu và có thể ngăn chặn khi HS chưa kịp phát tán lên mạng.

“Tuy nhiên chúng ta cần phải nghiên cứu xem cơ chế kiểm tra như thế nào. Vì nếu chúng ta cứ tự ý kiểm tra thì lại xâm phạm quyền riêng tư của các em mà luật lại không cho phép”, Thượng tá Chính nhấn mạnh.

Khi chúng tôi bày tỏ giải pháp của Thượng tá Chính với nhiều trường THPT ở địa bàn Hà Nội thì nhiều thầy, cô nhận định: “Cách làm này có thể mang lại hiệu quả trong giai đoạn đầu khi mà các em thiếu cảnh giác. Hiện nay các máy điện thoại đều có thẻ nhớ, các hình ảnh hay video clip thường được lưu ở đây. Chính vì thế nếu chúng ta tiến hành kiểm tra thì các em có thể “lách luật” bằng cách tháo thẻ nhớ. Do đó, ngoài các biện pháp phòng ngừa, giáo dục thì cần có chế tài xử lý nghiêm khắc. Các em cần phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình gây ra”.

Nguyễn Hùng