Khó tin về kỹ năng sống của học trò

(Dân trí) - Không biết tự mặc quần áo, không biết đổ rác, học trò phổ thông phải “đánh vật” để pha tô mì… Ngược đời ở chỗ, đó vẫn là những đứa trẻ được hun đúc kỳ vọng sau này sẽ “thành tài”.

Những chuyện khó tin mà có thật

Đến phiên trực nhật, một học trò nữ được cô giáo giao nhiệm vụ mang giỏ rác nhỏ trong lớp ra đổ ở thùng rác lớn tại sân trường. Lúc sau, cô học trò quay lại, trên tay không cầm giỏ rác. Cô giáo hỏi thì em hồn nhiên trả lời mình đã ném luôn cả giỏ đựng rác vào thùng.

Một học trò khác học tiểu học ở quận Gò Vấp, ngày em vào lớp 1, cả gia đình phải lên kế hoạch thay phiên nhau đến trường ngày đến thăm trường hai buổi. Lý do nói ra sẽ rất khó tin: đến để đưa con đi tiểu bởi cháu chưa bao giờ tự đi tiểu. Đến tuổi tới trường, hàng ngày bố mẹ vẫn chạy theo hứng bô tận nơi.

Hiển nhiên kế hoạch của gia đình không được nhà trường đồng ý, “cậu con vàng” phải chật vật một thời gian dài mới có thể tạm tự lo được.

Khó tin về kỹ năng sống của học trò
Thế hệ trẻ gánh nặng kỳ vọng từ gia đình, xã hội nhưng các em lại thiếu trầm trọng các kỹ năng sống cơ bản. (Ảnh minh họa)

Ông Lê Khanh, Phó Giám đốc chuyên môn, Trung tâm Rồng Việt Vũng Tàu kể, ông quen gia đình một người bạn có ba người con. Đứa con học tiểu học dù trước chỉ cách nhà có một đoạn nhưng nếu không có bố mẹ đưa đi thì không dám đến trường. Còn hai đứa con lớn, học cấp 3 nhưng việc duy nhất hai cháu có thể tự làm cho mình là… pha mì tôm mỗi khi bố mẹ không ở nhà.

“Kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng tự phục vụ, tự bảo vệ bản thân của trẻ em chúng ta rất yếu. Có em học rất giỏi nhưng không có khả năng giao tiếp, trình bày, kết nối… kéo theo rất nhiều hệ lụy”, ông Khanh nói.

Cảnh báo một mối nguy

Thiếu kỹ năng, từ các kỹ năng cơ bản nhất gây ra nhiều hệ lụy trước hết là cho cá nhân người đó. Cử nhân ra trường thất nghiệp tràn lan một phần lớn cũng vì thiếu kỹ năng. Nhiều bạn trẻ được “hun đúc” với kỳ vọng thành tài, gia đình đầu tư cho đi du học nhưng hết sức khó khăn để thích nghi, hòa nhập môi trường mới. Không ít em ra nước ngoài phải quay về vì không thể sống rời “vòng tay bố mẹ”…

Học trò tại một trường tiểu học ở TPHCM học cách tự phục vụ trong giờ ăn trưa
Học trò tại một trường tiểu học ở TPHCM học cách tự phục vụ trong giờ ăn trưa.

Một chuyên gia xã hội học phân tích, chuyện những đứa trẻ không biết tự ăn, tự mặc, những hạn chế cá nhân còn bị xem là “chuyện nhỏ” nhưng về lâu dài đó chính là mối nguy quốc gia. Khi không có các kỹ năng cơ bản cũng có nghĩa là các em mất cơ hội bồi đắp các giá trị sống. Không biết chăm sóc bản thân thì không thể yêu thương người khác, không biết lao động thì chỉ biết hưởng thụ mà không biết chia sẻ…

Bà cho rằng, những bất an trong xã hội mà chúng ta đang đối diện và ngày càng nguy cơ như chuyện chém giết, ứng xử thiếu văn minh, mất tình người… chính là hậu họa của việc tụt dốc giá trị sống, yếu kém về kỹ năng sống. Chúng ta thiếu những nền tảng chắc về đạo đức, về kỹ thuật để có thể bắt nhịp với sự phát triển chóng mặt của xã hội.

Chuyên gia trẻ em Nguyễn Lan Hải cho rằng, khi một đứa trẻ thiếu các kỹ năng, nó buộc phải phụ thuộc, ngại đương đầu với nghịch cảnh do thiếu tính tự lập, thiếu tự tin ở bản thân.

Vì vậy khả năng thất bại khi vào đời của đứa trẻ càng cao, khi đó trẻ sẽ quay lại oán trách, đổ lỗi. Sự phụ thuộc về lâu dài thường rất dễ biến thành sự oán hận.

Vậy nhưng, những nguy cơ này đang không được cảnh báo một cách đúng mức. Mà ngược lại, giáo dục - xin nhấn mạnh trước hết là giáo dục trong gia đình và tới nhà trường - lâu nay lại đang “triệt tiêu” kỹ năng sống của trẻ.

Như lời Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TPHCM), nhiều gia đình đang biến trẻ thành “gà công nghiệp”, phục vụ cho con mọi thứ. Còn giáo dục ở trường học biến trẻ thành những “siêu nhân” chạy theo mục tiêu làm sao đạt thành tích, giải thưởng này nọ.

Hoài Nam