Khoa học Trái đất: Ngành khoa học khám phá những kỳ bí của thiên nhiên

Khoa học Trái đất là một khoa học khám phá những bí mật vô tận của thiên nhiên để rồi tìm ra những quy luật về khoa học và tài nguyên thiên nhiên muôn hình muôn vẻ đang ẩn sâu trong lòng đất và khắp mọi nơi quanh ta.

GS.TS NGND Trần Nghi, người có gần 50 năm gắn bó với ngành học này thẳng thắn nhìn nhận: "Lĩnh vực Khoa học Trái đất quá yếu về chất lượng và quá thiếu về số lượng" Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền cũng như định hướng cho học sinh hiểu rõ về ngành học này còn chưa được quan tâm đúng mức.

Khoa học Trái đất: Ngành khoa học khám phá những kỳ bí của thiên nhiên

Trước thềm tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS NGND Trần Nghi về ngành Khoa học trái đất để các bạn thí sinh có đầy đủ thông tin hơn trước khi điền vào hồ sơ ĐKDT.

“Tôi là người ít khi nói về bản thân mình, xong cũng có thể tự hào rằng trong lĩnh vực công tác của mình tôi được các đồng nghiệp đánh giá là một trong những người có chuyên môn cao và có nhiều thành công nhất định trong nghề nghiệp. Hôm nay, tôi muốn có đôi lời tâm sự cùng các bạn trẻ đặc biệt là các em học sinh lớp 12 trước cơ hội lựa chọn nghề nghiệp cho mình.

Cách đây 50 năm, tôi cũng như các bạn đứng trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời là lựa chọn tương lai nghề nghiệp cho mình khi vừa kết thúc bậc Trung học. Và lẽ dĩ nhiên việc lựa chọn cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tâm lý “bầy đàn”, chúng tôi cũng truyền nhau những câu tiên chỉ “nhất Y, nhì Dược…”. Có điều khác với các bạn bây giờ là chúng tôi phải tuân theo sự phân công của tổ chức mà không được quyền lựa chọn tự do như các bạn và “oái ăm” thay, tôi được lựa chọn vào học ngành Địa chất. Các bạn không thể tượng được rằng khi đó tôi đã có tâm trạng vô cùng chán nản vì không được phân công học theo đúng nguyện vọng. Thế nhưng cuộc đời có nhiều điều kỳ lạ, biết đâu “mất ngựa lại là điều may”, càng học tôi càng thấy hấp dẫn. Nghề nghiệp địa chất đã lôi cuốn cả cuộc đời tôi đam mê sự nghiệp nghiên cứu khoa học và sự nghiệp trồng người. Nếu ai đó hỏi tôi để làm lại cuộc đời tôi chọn nghề gì để học tôi tự hào mà nói ngay rằng tôi chọn nghề địa chất.

Có lẽ không có một nghề nào trong xã hội mà được đi nhiều và hiểu biết rộng như Khoa học Trái đất. Ngày xưa, khi còn nhỏ tôi đã từng nghe người ta nói về những người thông thái là “trên thông thiên văn dưới tường địa lý”. Đó cũng là niềm mơ ước của các chuyên gia về Khoa học Trái đất khi khám phá những kỳ bí của thiên nhiên. Nhờ Trái đất bao la và bí hiểm, nhờ mỗi quyển của Trái Đất gìn giữ trung thành kho báu cho con người, nuôi sống con người nên đã hình thành một hệ thống khoa học rộng lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực như: khí tượng - khí hậu, hải dương - thủy văn, địa lý, địa chính, địa chất khoáng sản, dầu khí, khoa học môi trường, địa chất môi trường và tai biến… Tất cả các lĩnh vực đó cấu thành “Khoa học Trái đất”. Thời Pháp thuộc trong chương trình đào tạo ở Đại học có môn Vạn vật học. Trong đó chỉ mới đề cập đến các kiến thức sơ lược về sinh vật, địa lý, địa chất mà thôi. Sau những năm 70, cùng với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ của thế giới , khoa học cơ bản về Trái đất đã tiến những bước dài và giữ một vị trí then chốt trong sự nghiệp chấn hưng đất nước của mỗi quốc gia. Có thể nói Khoa học Trái đất là một khoa học khám phá những bí mật vô tận của thiên nhiên để rồi tìm ra những quy luật về khoa học và tài nguyên thiên nhiên muôn hình muôn vẻ đang ẩn sâu trong lòng đất và khắp mọi nơi quanh ta.

Với tư cách là người đi trước và đã có những thành công nghề nghiệp, tôi muốn tâm sự với những thế hệ tương lai đang làm việc trong lĩnh vực Khoa học Trái đất nói riêng và những học sinh trên ghế nhà trường đầy ước mơ hoài bão về tương lai sự nghiệp của mình nói chung về chân giá trị mà tôi đã đi qua. Khoa học Trái đất là một bức tranh sinh động có tính không gian và thời gian. Mỗi một mảnh ghép của bức tranh là một ngành khoa học. Tổng hòa của các mảnh ghép liên tục biến đổi để đạt tới một bức tranh có tính hệ thống và hoàn chỉnh. Đó chính là các lĩnh vực khoa học đơn tính nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường, các hiện tượng tai biến thiên nhiên và các giải pháp giảm thiểu tai biến. Tất cả các hợp phần đơn tính được nghiên cứu dựa trên các hướng tiếp cận hệ thống không chỉ đòi hỏi giỏi kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa mà phải có một chút năng lực về khoa học xã hội như Văn học và Lịch sử. Bởi lẽ bức tranh hoàn hảo cuối cùng sẽ là nghiên cứu để góp phần vào một mô hình quy hoạch không gian của một lãnh thổ theo hướng phát triển bền vững lâu dài. Đất nước muốn phát triển nhanh sớm trở thành một quốc gia hội nhập quốc tế tất yếu phải được quy hoạch không gian bền vững. Việt Nam đang mới bắt đầu, đang hết sức lúng túng về khoa học quy hoạch và quản lý tài nguyên thiên nhiên, đó là một trong những nguyên nhân làm chậm sự phát triển kinh tế và chấn hưng đất nước.

Hiện nay tôi có đôi chút lo ngại về nguồn nhân lực làm công tác nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực Khoa học Trái đất quá yếu về chất lượng và quá thiếu về số lượng. Để khắc phục sự thiếu hụt nguồn lực đáng lo ngại này không thể một sớm một chiều làm được ngay và không chỉ là do các trường đại học phải thay đổi phương thức đào tạo hay hạ điểm chuẩn tuyển sinh. Tôi cho rằng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong xã hội để mọi người nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng và sự hấp dẫn của Khoa học Trái đất thì mỗi học sinh phổ thông đăng ký vào Khoa học Trái đất với hoài bão và niềm tin một cách tự nguyện.

Tôi hi vọng vào những gì đang chờ đợi vào thế hệ tương lai của Khoa học Trái đất!

Để có được niềm đam mê nghề nghiệp và có được những thành công trong một nửa thế kỷ qua tôi phải nhắc đến một người thầy, người đã tiếp cho tôi sức mạnh, thắp sáng ngọn lửa đam mê trong cả cuộc đời mình. Đó là người thầy đáng kính - GS.NGND. Nguyễn Văn Chiển.
Khoa học Trái đất: Ngành khoa học khám phá những kỳ bí của thiên nhiên

GS.NGND Nguyễn Văn Chiển (bên trái), chủ nhiệm Khoa Địa lý-Địa chất đầu tiên (1966-1978), trao tặng các ấn phẩm khoa học cho Khoa Địa chất.
 
GS.NGND Nguyễn Văn Chiển, một nhà Địa chất Việt Nam đầu tiên, uyên bác và giản dị, một nhà giáo mẫu mực đáng kính đã ra đi gần 3 năm rồi ở tuổi 91 mà tôi cứ ngỡ như Thầy vẫn đang làm việc bên tôi. Thầy là tấm gương sáng ngời về phẩm chất và một nhân cách lớn trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu Khoa học Trái đất. Thầy là người đặt viên gạch đầu tiên cho Trường Đại học Mỏ địa chất, là người sáng lập ra khoa Địa lý - Địa chất của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay đã phát triển thành 4 khoa: khoa Địa lý, khoa Địa chất, khoa Khí tượng - Thủy văn - Hải dương học, khoa Môi trường của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

Trong cuộc sống của mỗi nhà khoa học ai cũng có một người Thầy đáng kính để tri ân. Là sinh viên khóa 1 của Khoa Địa lý - Địa chất Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thế là tôi cũng đã trải qua những chặng đường dài như Thầy tôi đã đi qua. Chặng đường đầy chông gai nhưng cũng hết sức vinh quang và tràn ngập kỷ niệm.

Đến giờ đây khi đã đi qua một chặng đường dài của đời người cùng với sự nghiệp Địa chất, tôi muốn có lời khuyên cho các em học sinh lớp 12 đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề của mình: Ngày nay, các em có nhiều thuận lợi hơn chúng tôi rất nhiều, các em có điều kiện được tiếp xúc với nhiều thông tin hơn, chủ động hơn. Vậy hãy có những lựa chọn thông minh sáng suốt để thỏa mãn ước mơ của mình. Người ta cứ nói rằng học Khoa học cơ bản khó và nghèo nhưng nếu các em yêu thích nó thật sự thì hãy dũng cảm lựa chọn. Bởi vì trong một tương lai rất gần nữa thôi, các em sẽ mong muốn được làm những công việc mình yêu thích với những thu nhập từ chính ngành nghề đó chứ không phải chỉ là làm những công việc kiếm được nhiều tiền, cho dù rằng đó bất cứ là công việc gì.”