Khoa Quốc tế - ĐH Hà Nội hợp tác với nhiều trường ĐH quốc tế

Khoa Quốc tế - Trường ĐH Hà Nội sau 10 năm thành lập đã đã có quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học nước ngoài, thông qua các chương trình này đã có nhiều sinh viên của khoa được tham gia học tập, trao đổi và giao lưu sinh viên với các trường bạn.

Vừa qua, Trường Đại học Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Khoa Quốc tế học (2003 - 2013).  

Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Khoa Quốc tế học, Trường ĐH Hà Nội
Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Khoa Quốc tế học, Trường ĐH Hà Nội.

Sau 10 năm thành lập, khoa Quốc tế học đã có 10 khóa đào tạo, với gần 800 sinh viên; 7 khóa đã tốt nghiệp với tổng số trên 400 sinh viên. Trong quá trình học tập, nhiều sinh viên đã được tham dự các sự kiện quốc tế như “Tiếng nói tương lai” APEC và diễn đàn tuổi trẻ châu Á tổ chức tại Nhật Bản, Peru và Canada. Hàng chục sinh viên của Khoa được gửi đi học tại Thụy Điển, Mỹ và Úc theo các chương trình hợp tác của Trường và của Khoa, tham gia các chương trình học tập, giao lưu văn hóa cùng sinh viên các trường Đại học của Mỹ đến Việt Nam… Hàng năm đều có các đoàn sinh viên quốc tế đăng ký học một số bộ môn của khoa.

Có được những thàng công trong học tập của các khóa sinh viên là sự nỗ lực to lớn của lãnh đạo Trường ĐH Hà Nội, khoa Quốc tế học và tập thể giáo viên trong xây dựng chương trình đào tạo chính quy, tiên tiến và lòng tâm huyết với nghề.

Về chuyên ngành đào tạo và giảng dạy, khoa tập trung vào 4 lĩnh vực chủ yếu là: Quan hệ quốc tế, Kinh tế quốc tế, Nghiên cứu phát triển và Chính sách & quản trị công. Chương trình ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu trong nước và tiêu chuẩn quốc tế.

Với phương thức đào tạo trực tiếp bằng tiếng Anh, khoa có điều kiện mở rộng hợp tác về giảng dạy và trao đổi sinh viên với nhiều trường đại học ở các nước, và thu hút nhiều chuyên gia - giáo viên nước ngoài tham gia giảng trực tiếp. Qua đó giúp sinh viên và giáo viên có cơ hội tiếp cận với kiến thức và phương pháp giảng dạy quốc tế, nâng cao trình độ, kinh nghiệm. 100% giảng viên của Khoa có trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó có 3 tiến sỹ, 6 giảng viên đang nghiên cứu học tập ở bậc tiến sĩ - thạc sĩ tại nước ngoài, ngoài ra, còn có nhiều giáo sư, tiến sỹ và chuyên gia có kinh nghiệm về các chuyên ngành kinh tế - chính trị - xã hội tham gia giảng dạy tại khoa.

Bên cạnh công tác giảng dạy, khoa Quốc tế học đã tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học hợp tác với các trường và tổ chức quốc tế, thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm với nhiều chuyên đề hấp dẫn, thú vị với sự tham gia của các giáo sư, tiến sỹ, các đại sứ và tham tán viên tại các lãnh sự quán. Khoa Quốc tế học đã có quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học nước ngoài như: ĐH Gothenburgh (Thụy Điển), ĐH California, Michigan, Hoa Kỳ; ĐH Monash và ĐH Queensland, Australia... Thông qua các chương trình này đã có nhiều sinh viên của khoa được tham gia học tập, trao đổi và giao lưu sinh viên với các trường bạn.

Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Khoa Quốc tế học, Trường ĐH Hà Nội
Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Khoa Quốc tế học, Trường ĐH Hà Nội.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, chủ nhiệm khoa Quốc tế học cho biết: “Thời gian tới, khoa tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt Chương trình đào tạo cử nhân ngành Quốc tế học, sinh viên ra trường phải có chuyên môn vững, tinh thông ngoại ngữ (tiếng Anh). Cụ thể, sinh viên hoàn thành chương trình có đầy đủ kỹ năng về ngôn ngữ và văn hóa để làm việc trong môi trường nói tiếng Anh và môi trường quốc tế nói chung, được rèn luyện tư duy phân tích, đánh giá và tổng hợp, đặc biệt có ưu thế với kỹ năng nghiên cứu khoa học, kỹ năng giao tiếp đa văn hóa, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, bên cạnh một số kỹ năng khác như kỹ năng truyền thông, quản lý dự án, tổ chức, lãnh đạo”.

Trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập khoa, Lê Thị Thanh Hằng, cựu sinh viên khóa 2007 - 2011, hiện đang công tác tại Tổ chức định cư con người của Liên hợp quốc (UN-HABITAT) tâm sự: "Chúng em ra trường, mỗi người có một sự nghiệp riêng như làm việc trong các tổ chức phi chính phủ, cơ quan ngoại giao, từ kinh doanh, khách sạn, đến truyền hình, báo chí hay trở thành giáo viên... Công việc khác nhau, nghĩa là yêu cầu về chuyên môn cũng khác nhau nhưng với những kiến thức, kỹ năng mà khoa đã trang bị, chúng em đã được rèn luyện cách tư duy hệ thống, có nền tảng vững chắc về phương pháp luận cũng như các kỹ năng mềm, những kiến thức tổng quan về kinh tế - chính trị - xã hội... thì con đường chúng em đi đã bớt chông gai hơn rất nhiều...”.