Khởi động Dự án phát triển trí thông minh cho học sinh vùng cao

(Dân trí) - “Mô hình đa trí thông minh rất phù hợp với học sinh vùng cao, vì các em còn thiếu kĩ năng sống, cần sự hỗ trợ để tự tin, chủ động, sáng tạo hơn”, cô Kim Thị Hoa, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Yên Lập (huyện Cao Phong, Hòa Bình) chia sẻ.

Thí điểm thực hiện ở Cao Phong (Hòa Bình)

Ngày 10/4, Lễ ra mắt Dự án iTeach - Dự án Phát triển trí thông minh đa dạng cho trẻ em đã chính thức được tổ chức tại Hà Nội. Dự án iTeach là một sáng kiến nhằm hỗ trợ giáo dục cho học sinh vùng sâu, vùng xa ở Việt Nam và Philippines thông qua mô hình lớp học phát triển đa trí thông minh và hệ thống quản lý thông tin học tập.

iTeach là một trong 3 dự án ở Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc thi Hạt giống cho tương lai năm 2014 của Sáng kiến Thủ lĩnh Đông Nam Á (YSEALI). YSEALI là ý tưởng của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo và kết nối trong ASEAN, làm sâu thêm sự gắn kết với các thủ lĩnh trẻ trước các thách thức then chốt của khu vực và toàn cầu, đồng thời thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân Hoa Kỳ và các thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á.

Dự án được thực hiện bởi tổ chức Giấc mơ Việt Nam tại 
Dự án được thực hiện bởi tổ chức Giấc mơ Việt Nam tại 
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Yên Lập.

“Chúng tôi xin chúc mừng tỉnh Hòa Bình và nhóm Dự án vì sáng kiến đã giành giải thưởng của YSEALI nhằm thúc đẩy giáo dục cho trẻ em ở Hòa Bình và giúp Việt Nam phát triển hết tiềm năng của mình. Chúng tôi tin tưởng rằng tương lai của Việt Nam không chỉ nằm ở các thành phố lớn mà còn ở cả 63 tỉnh, thành của đất nước. Hợp tác giáo dục là một lĩnh vực quan trọng trong tầm nhìn chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam khi chúng ta kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao”, ông Michael Turner, Phó Tham tán Văn hóa Thông tin - Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói về Dự án iTeach.

Nếu như ở Philippines, SILAW là tổ chức đứng ra thực hiện Dự án tại Tabon, Tapaz, Capiz thì ở Việt Nam, Dự án được thực hiện bởi tổ chức Giấc mơ Việt Nam tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Yên Lập, xã Yên Lập, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình (từ tháng 4 đến tháng 10/2015). Tham gia Dự án là các em học sinh dân tộc thiểu số thuộc khối lớp 3, lớp 4.

Khơi dậy sự tự tin của học sinh vùng cao

Lớp học phát triển đa trí thông minh được tổ chức theo hình thức ngoại khóa vào các ngày cuối tuần. Mỗi lớp có từ 16 đến 24 học sinh. Có tối thiểu 2 giáo viên/lớp học, trong đó có 1 giáo viên giảng chính, 1-2 trợ giảng.

Lớp học được chia theo nhóm làm việc, các thành viên trong nhóm có thể thay đổi theo từng chủ đề và luân phiên làm lãnh đạo theo từng hoạt động. Mỗi buổi học bao gồm nhiều hoạt động xen kẽ nhau nhằm phát triển 8 loại hình trí thông minh. Nội dung chương trình bao gồm các chủ đề gần gũi với học sinh hoặc các chủ đề trong chương trình học chính khóa. Mỗi chủ đề kéo dài từ 8 đến 10 buổi học (2 giờ/buổi). Kết thúc chủ đề là sự kiện tổng kết, ví dụ: triển lãm, hội chợ, biểu diễn,…

Bà Kim Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường PTDTBTTH Yên Lập
Cô Nguyễn Thị Nhung, Tổng phụ trách Đội Trường PTDTBTTH Yên Lập
chia sẻ về thực tế thực hiện Dự án.

“Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Yên Lập là ngôi trường thuộc vùng 135 với 99% con em dân tộc thiểu số. Do điều kiện khó khăn nên việc tiếp cận kĩ năng sống của các em còn rất hạn chế. Sau 2 buổi tổ chức lớp học, chúng tôi nhận thấy các em đã bước đầu có những tiến bộ về giao tiếp và các hoạt động nhóm, mạnh dạn, tự tin hơn trong việc bày tỏ suy nghĩ và ước mơ của mình”, cô Nguyễn Thị Nhung, Tổng phụ trách Đội của nhà trường chia sẻ.

Các em học sinh đang hoàn thiện một bức tranh từ lá cây trong
Các em học sinh đang hoàn thiện một bức tranh từ lá cây trong
Lớp học phát triển đa trí thông minh.

Thông tin thêm về Dự án - ông Nguyễn Hoàng Việt - Quản lý Dự án cho biết: “Mỗi học sinh sẽ có một cuốn nhật ký học tập để ghi lại những ấn tượng của các em qua từng buổi học. Giáo viên và tình nguyện viên của Dự án sẽ giúp học sinh tự tìm hiểu về một chủ đề nhất định thông qua các hoạt động như: làm việc nhóm, thuyết trình, làm thí nghiệm, làm đồ thủ công, đố vui, trò chơi vận động, ca hát, chia sẻ cảm xúc… Với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng và phát triển học liệu, chúng tôi mong muốn cách tiếp cận của Dự án có thể lan tỏa và được ứng dụng rộng rãi ở nhiều vùng khó khăn trên khắp mọi miền đất nước”.

Học thuyết đa trí thông minh được xây dựng và phát triển bởi nhà tâm lý học người Mỹ Howard Gardner. Ông đã mô tả 8 loại trí thông minh khác nhau: logic-toán, thể chất, không gian, giao tiếp, nội tâm, âm nhạc, tự nhiên, ngôn ngữ. Vận dụng thuyết trí thông minh vào việc giáo dục trẻ em sẽ giúp các em khám phá bản thân và mọi người xung quanh. Các em sẽ dần hiểu rằng mỗi người đều có điểm mạnh và cách học tập, làm việc riêng. Từ đó các em sẽ thấy tin tưởng hơn ở bản thân, tăng cường khả năng giao tiếp, phát huy sáng tạo, khả năng độc lập, nuôi dưỡng lòng say mê học tập và khám phá.

 
Phương Nhung