Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo:

Khởi nguồn từ người thầy

Năm 2015, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) bước sang năm thứ 2 triển khai Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT với quyết tâm tạo những chuyển biến rõ nét về chất lượng. Chặng đường xây những viên gạch đầu tiên của lộ trình đổi mới giáo dục đã được toàn ngành nỗ lực triển khai trong năm qua, đặt ra những nhiệm vụ cấp thiết cần phải thực hiện trong năm mới.

Những tiền đề quan trọng

Nghị quyết 29-NQ/TƯ khẳng định quan điểm cốt lõi nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là thay đổi cách dạy học, cụ thể là chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Phương pháp dạy và học vì thế cần có nhiều điều chỉnh so với cách thức truyền thống, không phải là truyền thụ một chiều theo lối "thầy đọc, trò ghi". Người thầy trở thành người thiết kế các hoạt động giáo dục theo hướng lấy học trò làm trung tâm, tạo cơ sở để học trò chủ động, sáng tạo trong cập nhật tri thức, hình thành kỹ năng.

Khởi nguồn từ người thầy
Nâng cao chất lượng dạy và học đang là một đòi hỏi cấp thiết đối với ngành giáo dục Thủ đô. (Ảnh: Linh Tâm)

Một trong những dấu ấn quan trọng trong lộ trình đổi mới của ngành giáo dục năm 2014 là đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả GD-ĐT một cách có hệ thống. Đổi mới kiểm tra, đánh giá được coi là giải pháp chủ yếu trong đổi mới giáo dục, không chỉ để thu nhận kết quả thực chất hơn, giảm áp lực cho học sinh (HS), mà còn nhằm tác động trở lại đối với việc dạy và học, từ đó tạo nên chất lượng bền vững. Với cấp tiểu học, sau một năm thí điểm, năm học 2014-2015 Bộ GD-ĐT chính thức áp dụng phương pháp đánh giá HS theo hướng nhận xét - thay cho cách thức truyền thống là cho điểm số. Dù còn có nhiều ý kiến, song, theo ghi nhận ban đầu ở các nhà trường, áp lực đối với HS có chiều hướng giảm. Sự so sánh giữa các HS trong lớp không còn nặng nề, thay vào đó là sự động viên, khích lệ để các em nỗ lực hơn.

Với HS phổ thông, quyết định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhằm mục tiêu "hai trong một" - vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ - đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Với khoảng một triệu HS đang học lớp 12 tại các trường THPT, khi kết thúc năm học 2014-2015 tới đây, thay vì trải qua hai kỳ thi (thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH) như năm trước, sẽ chỉ phải tham dự một kỳ thi với số môn thi giảm, cơ hội chọn lựa tăng.

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông với chủ trương thống nhất một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa vừa được ban hành cũng là một dấu ấn quan trọng, là nền tảng của lộ trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT năm 2014. Với chủ trương này, Bộ GD-ĐT tin rằng sẽ tạo tiền đề thuận lợi để các nhà trường chủ động trong tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng bám sát đối tượng HS. Tùy theo khả năng và điều kiện, phụ huynh và cả HS được tham gia lựa chọn bộ sách có nội dung phù hợp để phát huy tối đa năng lực, sở trường.

Bài toán cho tương lai

Việc thay đổi cách tiếp cận giảng dạy và giáo dục ở các nhà trường, từ truyền thụ kiến thức đơn thuần sang hình thành năng lực, phẩm chất người học đã đặt ra yêu cầu đổi mới hoạt động của nhiều khâu: Cơ sở vật chất, tài liệu, công tác quản lý, tổ chức dạy học… Trong đó, yếu tố người thầy, cụ thể là phương pháp giáo dục của người thầy có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp và quyết định đến hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, do mô hình truyền thống đã tồn tại khá lâu, nên để thay đổi căn bản từ nhận thức đến hành vi của người thầy về phương pháp giáo dục thì cần có thời gian. Đây là một thách thức không nhỏ đối với đội ngũ hơn một triệu thầy cô giáo toàn ngành trên chặng đường thực hiện đổi mới giáo dục năm 2015.

Đổi mới phương pháp giáo dục là việc không thể nóng vội nhưng cũng không thể chần chừ, mà phải làm từng bước, bắt đầu từ bây giờ - quyết tâm ấy được thể hiện, lan tỏa trong đội ngũ giáo viên các trường THPT Hà Nội tại một hội thảo cùng chủ đề diễn ra vào những ngày cuối tháng 12. Ai cũng nhận thấy, đổi mới phương pháp là tâm huyết chung, cũng là trách nhiệm nặng nề trong sự nghiệp "trồng người" để đào tạo những thế hệ tương lai có phẩm chất và năng lực thực tiễn. Vấn đề là chỉ ra cho mỗi người đâu là điểm bắt đầu.

Chung một hành trình, cùng hướng đến mục tiêu chung là tạo ra những thế hệ tương lai có cả đức và tài, nhưng có lẽ với mỗi người, tùy điều kiện cụ thể, họ sẽ chọn ra điểm khởi đầu phù hợp và bắt đầu thực hiện ngay từ bây giờ.

Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay!

Theo Thống Nhất
Hà Nội Mới