Nghệ An:

Không có nhà công vụ, giáo viên không thể an tâm đứng lớp

(Dân trí) - “Mùa gieo chữ” đã đến gần, bên những gương mặt háo hức, hồn nhiên của học trò, chúng tôi bắt gặp những khuôn mặt đầy lo âu của hàng trăm thầy, cô giáo đang dạy học tại các bản làng xa xôi, heo hút.

Sau những ngày nghỉ hè thoải mái, các thầy cô lại xuống cắm bản, sẽ phải trở lại với cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn trong những căn phòng công vụ tạm bợ, tồi tàn, rét mướt và hiểm nguy. Gần cuối năm học 2013-2014, để chuẩn bị cho năm học mới 2014-2015, chúng tôi và một số lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Công thương, Phòng Dân tộc huyện Tương Dương (Nghệ An) đã có cuộc khảo sát tại một số trường học trên địa bàn huyện để rà soát lại thực trạng nhà công vụ cho giáo viên (GV) hiện nay làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới trong những năm tới.

Năm 2012 là năm cuối cùng thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ GV giai đoạn 2008 - 2012 theo Quyết định số 20/2008/QĐ - TTg, ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Tương Dương chỉ được cấp kinh phí và đã xây mới được 144 phòng ở nhà công vụ GV cùng với 50 phòng ở bán kiên cố (nhà gỗ kê, lợp tôn hoặc proximăng, nay hầu hết đã hư hỏng) được xây dựng từ các chương trình quốc gia khác như chương trình 135, chương trình mục tiêu, hay chương trình xóa tranh tre, huyện Tương Dương chỉ mới giải quyết được 194 phòng ở cho GV, trong khi đó nhu cầu cần có là 519 phòng, như vậy mới chỉ đạt 37,38% so với nhu cầu.

Không có nhà công vụ giáo viên không thể an tâm đứng lớp
Tại điểm trưởng mầm non bản Piềng Cọc (xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An), ngôi nhà này được chia làm đôi, nửa làm phòng học, nửa để cô giáo ở.

Hiện nay huyện Tương Dương phải tiếp tục xây dựng thêm 325 phòng công vụ GV mới đáp ứng được nhu cầu chỗ ở cho hàng hàng trăm GV từ bậc học mầm non đến bậc học phổ thông, đó là chưa kể những phòng công vụ bán kiên cố đã xây dựng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Như vậy, ở huyện Tương Dương (và có lẽ các huyện miền núi Nghệ An như Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông... cũng như vậy) có hàng trăm, hàng ngàn GV vẫn đang cần mẫn theo đuổi sự nghiệp trồng người giữa đại ngàn trong điều kiện sống nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Có mặt tại điểm trường mầm non bản Piềng Cọc, xã Mai Sơn hay tại bản Phia Òi, Piêng Luống, xã Nhôn Mai, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh các thầy, cô và học sinh đang phải học tập và sống trong các gian nhà tạm, nền nhà gồ ghề phủ dày bụi đất, nhão nhoét sau cơn mưa đêm bị nước hắt vào, nhà công vụ của GV được thưng bằng những tấm phên nứa trống hoác.

Tại trường Mầm non Nhôn Mai, sau giờ tan lớp, cô giáo Lương Thị Bình - Hiệu phó kiêm Chủ tịch Công đoàn nhà trường tiếp chúng tôi trong căn phòng khiêm tốn nép bên con đường mòn đất đỏ, trơn trượt, xung quanh là nhà ở của dân, giản đơn đến mức chẳng thấy có thứ đồ dùng nào giá trị.

Một điểm trường ở Tam Hợp (Tương Dương) những phòng học còn tạm bợ.
Một điểm trường ở Tam Hợp (Tương Dương) những phòng học còn tạm bợ.

Cô giáo Bình nở nụ cười ấm áp khi nhìn thấy học trò đang chơi phía ngoài sân, nhưng tôi bắt gặp trong thẳm sâu đôi mắt nhiều điều trăn trở: “Thương các em ở nhiều điểm trường cũng đang phải học trong những căn phòng đầy bụi đất, gió lùa bốn bên. Em đã có gần 10 năm đứng lớp, luân chuyển qua nhiều điểm trường xa xôi, về ở Nhôn Mai đã nhiều năm, việc sống trong những căn phòng tạm đã trở nên quen thuộc. Vì các em học sinh, mình chẳng ngại vất vả, nhưng khổ những ngày mưa, rét nơi biên giới heo hút này”.

“Không có nhà công vụ GV không thể an tâm đứng lớp”, cô giáo Vy Thị Bích Thủy - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương khẳng định như vậy.

Các thầy cô giáo và bà con nhân dân đã kiến nghị nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời là “đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, phải chờ thôi”.

Phải chờ đợi đến bao giờ? Toàn huyện Tương Dương có 59 trường thuộc các cấp học mầm non, tiểu học và THCS và có 113 điểm trường tại các thôn, bản. Cơ sở vật chất cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu dạy học cho học sinh, tuy nhiên nhà ở công vụ cho GV tại các điểm trường vẫn còn rất thiếu thốn; chỉ mới có 27,74% số phòng công vụ trên địa bàn huyện được kiên cố hóa.

Hầu hết các em học sinh miền núi biên giới Tương Dương khi học bài phải nằm bẹp trên sàn nhà.
Hầu hết các em học sinh miền núi biên giới Tương Dương khi học bài phải nằm bẹp trên sàn nhà.

Các điểm trường hầu hết đều ở xa trung tâm xã, có những điểm trường phải đi bộ cả ngày đường mới đến nơi, nên phần lớn các thầy, cô giáo phải lưu trú thường xuyên để đảm bảo công tác giảng dạy, vì vậy việc phải sống trong những căn phòng tạm, tồi tàn rõ ràng là các thầy, các cô ở đây không thể yên tâm và luôn lo lắng khi mùa đông, mùa mưa bão về và như vậy ảnh hưởng đến chất lượng dạy học là điều không thể tránh khỏi; đặc biệt là các GV trẻ, GV vùng thuận lợi khi được điều động tăng cường về công tác tại các điểm trường như thế.

“Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn đến đời sống của cán bộ, GV bằng việc sớm giải quyết dứt điểm trình trạng nhà công vụ GV hiện nay, để các thầy cô yên tâm công tác và cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục miền núi...”, cô giáo Đặng Thị Ngọc - Chủ tịch Công đoàn giáo dục huyện Tương Dương chia sẻ.

Qua khảo sát thực tế ở Tương Dương, mặc dù tỉnh và huyện cùng với ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có nhà công vụ GV; cơ bản nhiều GV đã có chỗ ở để yên tâm dạy học; tuy nhiên, nhiều điểm trường vùng sâu, vùng xa, nói là có chỗ ở cho giáo viên nhưng chỉ là những căn nhà tạm bợ, tồi tàn, được người dân trong thôn giúp dựng lên, che chắn bằng phên tre, nứa, nền đất gồ ghề, mái lợp lá.

Điểm trường ở bản Cà Moong còn tạm bợ, dột nát.
Điểm trường ở bản Cà Moong còn tạm bợ, dột nát.

Nhu cầu kiên cố hóa nhà công vụ cho GV trên địa bàn huyện Tương Dương vẫn còn rất lớn, nhưng khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí xây dựng. Thực trạng về nhà công vụ GV ở miền núi nói chung và huyện Tương Dương nói riêng có nhiều nguyên nhân như: Thời gian thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ GV quá ngắn; nguồn vốn hạn chế trong khi giá cả nguyên vật liệu thường xuyên biến động gây nhiều khó khăn trong lập dự toán; địa hình đồi núi phức tạp, đường giao thông vận chuyển vật liệu gặp nhiều trở ngại; Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ GV được thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đối ứng của địa phương, nhưng Nghệ An là một tỉnh nghèo nên việc huy động các nguồn vốn đối ứng để triển khai thực hiện Đề án gặp nhiều hạn chế, hồ sơ quyết toán còn nhiều thủ tục rườm rà khiến các công trình bị quyết toán chậm...

Để giải quyết bài toán khó này, trong mấy năm qua UBND huyện Tương Dương đã huy động nhiều nguồn lực, chỉ đạo ngành chức năng tập trung kiểm tra, rà soát, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xây dựng thêm một số phòng lớp học và nhà công vụ GV bằng nguồn vốn của các chương trình, dự án khác và vốn xã hội hóa... để nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng đến nay, số lượng phòng công vụ cần được kiên cố hóa vẫn là con số rất lớn đáng phải quan tâm.

Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chẳng thể điểm hết những khó khăn, vất vả, thiếu thốn mà các thầy, cô giáo trên địa bàn Tương Dương nói riêng và các huyện miền núi Nghệ An nói chung đang phải chịu đựng để hy vọng gieo con chữ làm người cho trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa. Xin gửi những nỗi niềm, cùng những khát khao của họ trước thềm năm học mới với những mong tỉnh và các cơ quan chức năng sớm giải quyết, để trên mỗi gương mặt của những người “gieo chữ trên núi” hôm nay có thể an tâm đứng lớp.

Nhia Xừ - Nguyễn Duy