Không có trò xấu nếu người thầy vị tha

Việc dạy học trên lớp được một hiệu trưởng ví von như việc vãi thóc ra chăm đàn gà con. Nhưng người giáo viên không chỉ có mỗi việc rắc thóc gạo ra rồi để đấy mà phải quan sát được trong đàn gà con nào ăn khỏe, con nào biếng ăn, con nào yếu, hay bị bắt nạt...

Từ đấy sẽ có cách chăm sóc phù hợp với từng chú gà con, đặc biệt là những chú còn yếu.
 
Không muốn thua học trò

Không muốn thua học trò

Bàn tiếp về hình tượng ví von nói trên, thầy Phó Đức Vinh, giáo viên Toán trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nói: “Tôi tự bổ sung cho mình sau một số năm ở trường là những chú gà con không chịu ăn có khi phải bế nó lên cho ăn trên tay, vừa cho ăn vừa vuốt ve, nghĩa là cần có thêm tình cảm, sự thân thiện. Mình thực sự yêu quý khoan dung với học trò, các em sẽ yêu quý mình. Nếu mình dạy dễ hiểu, dễ nghe, thông cảm, thân thiện, các em sẽ kính phục mình và chắc chắn sẽ có một sự chuyển biến cả về ý thức lẫn kết quả học tập”. 

Thời gian gắn bó của thầy Phó Đức Vinh với ngôi trường này đã gần 20 năm. Đây là điều gây ngạc nhiên cho không ít người bởi nghe tới tên trường Đinh Tiên Hoàng thì ai cũng biết là nơi tập hợp những học sinh không đỗ được vào trường công lập, mặt bằng kiến thức thấp, hạnh kiểm kém… Bỏ qua những lớp dạy thêm, luyện thi ĐH, thầy Phó Đức Vinh cho biết: “Điều tôi mong muốn hoàn toàn khác. Tôi muốn có sự ấm áp thầy trò. Và sau một thời gian, tôi đã tìm được điều đó ở trường Đinh Tiên Hoàng”. Nhưng điều đó, không dễ đạt được. “Tôi đã ngỡ ngàng! Những buổi dạy đầu tiên, mình chuẩn bị bài khá chu đáo và hoàn toàn tự tin vào kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy vì đã từng nhiều năm đi dạy mẫu cho giáo viên toàn tỉnh Quảng Ninh. Thế mà chỉ sau 10 phút, học sinh không nghe nữa, nói chuyện, cười đùa không thể dạy được. Nhưng bất ngờ nhất vẫn là kết quả thi học kỳ 1 của lớp tôi đạt: xấp xỉ 80% dưới trung bình, trong đó có khoảng 50% điểm 0 và 1” - thầy Phó Đức Vinh nhớ lại.

Gặp phải chuyện này sẽ có không ít người buông xuôi, thế nhưng thầy Phó Đức Vinh lại thấy háo hức, xen chút cay cú với mong muốn khẳng định cái tôi của mình trước đám học trò nghịch ngợm và khó bảo. Phải mất khoảng thời gian tương đối dài thầy mới chiêm nghiệm được một điều là trong con người phần tốt là nhiều nhưng vẫn tiềm ẩn vài thói xấu và có một bộ phận thì ngược lại, thói xấu lại được phô hết cỡ ra ngoài nhưng bên trong là tiềm ẩn lòng tốt. Những thói xấu hay lòng tốt tiềm ẩn kia nếu gặp những tình huống cụ thể nào đó sẽ có dịp bung ra. 

Hao tổn tâm trí nhưng được thì lớn lắm

Là giáo viên dạy giỏi nhưng không hiểu vì sao học sinh vẫn không chịu nghe giảng, kết quả học tập vẫn thấp. Trăn trở, đau đáu với câu hỏi đó, thầy Phó Đức Vinh nhận thấy nếu mình không hiểu trò, không yêu trò, trò sẽ không yêu mình, không nghe lời mình. Vậy thì phương pháp giảng có hay đến đâu đi nữa mà không có sự thấu hiểu, có tình cảm chân thành giữa thầy và trò trong ngôi trường này thì trò cũng chẳng nghe, chẳng đem lại hiệu quả gì. Thay vì những bản kiểm điểm, những cuộc đối thoại căng thẳng không đem lại hiệu quả, thầy Phó Đức Vinh đã có một kinh nghiệm sư phạm phù hợp hơn mà theo thầy là “một mũi tên trúng hai đích”. Trò chuyện, tâm sự, đề cao lòng tự trọng của học sinh… vậy là giữa thầy và trò đã có sợi dây tình cảm ấm áp. “Yêu quý thầy, các em đã nỗ lực chú ý nghe giảng, chịu khó làm bài tập. Rồi kèm theo đó là sự uốn nắn về nhân cách, ứng xử, lối sống. Vậy là tôi làm được cả 2 việc” - thầy Phó Đức Vinh chia sẻ.

Nói vậy thôi, nhưng để giành được tình cảm của học trò không phải là điều có thể làm được trong ngày một ngày hai. Có những thầy cô có được tình cảm học trò bằng cách “mua chuộc” hay cưng chiều các em nhưng cách này chỉ đạt được hiệu quả bên ngoài và học sinh cũng sẽ rất công bằng mà hiểu rõ đâu là tình cảm chân thật. “Chỉ có một cách. Phải thực sự tâm huyết với nghề. Trên đường đi làm, sau mỗi buổi dạy học, khi đi ngủ, tôi luôn nhớ lại những tình huống trên lớp để tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Tôi vẫn thấy chưa thực sự hài lòng, vẫn thấy có những cách làm hay hơn sau mỗi câu chuyện, mỗi một năm học, một thế hệ học sinh mà tôi gắn bó” - thầy Phó Đức Vinh tâm sự.

“Hao tổn tâm trí như vậy đổi lại thầy có được điều gì lớn nhất?” - “Cái được với tôi lớn lắm. Tôi nhớ nhân dịp 20/11 năm đó, tôi bàn với lớp tổ chức đi thăm học sinh khuyết tật trường Nguyễn Đình Chiểu. Tôi thực sự ngạc nhiên khi các em hào hứng tham gia đầy cảm thông và xúc động, có em khóc. Không khí học tập của lớp một tuần sau đó khác hẳn, trầm lắng hơn. Rồi vào dịp 8/3, khi chưa nghĩ ra làm một việc gì khác thì một nhóm học sinh gặp tôi đề nghị tổ chức lớp đi thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Vẫn chưa hết ngạc nhiên. Khoảng một tháng sau, không nhân ngày gì các em lại đi thăm Hội Thương binh liệt sỹ quận Hoàn Kiếm. Tôi vui lắm, vậy là tôi đã khơi dậy được những mảng tốt còn tiềm ẩn bên trong các em”.
 
Theo Vinh Hương
ANTĐ