Không có vị trí việc làm cô nuôi trong trường mầm non

(Dân trí) - Chiều 11/3, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã tổ chức lễ ký thông tư liên tịch quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Theo đó, không có vị trí việc làm cô nuôi trong trường mầm non.

Theo thông tư này, danh mục khung vị trí việc làm trong nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mẫu giáo cụ thể như sau: Nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý, điều hành (2 vị trí) gồm Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng; Nhóm vị trí việc làm gắn với các nhiệm vụ hoạt động nghề nghiệp có 1 vị trí là giáo viên mầm non; Nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ (4 vị trí) gồm Kế toán, Văn thư, Y tế, Thủ quỹ (thực hiện kiêm nhiệm).

Không có vị trí việc làm cô nuôi trong trường mầm non

Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đại diện cho hai Bộ ký thông tư liên tịch.

Căn cứ vào khối lượng công việc của nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non mà các vị trí việc làm kế toán, văn thư, y tế có thể bố trí kiêm nhiệm. Căn cứ khối lượng công việc thực tế của nhiệm vụ kế toán, văn thư, y tế, các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ xây dựng đề án vị trí việc làm, trình cơ quan có thẩm quyền quy định.

Về định mức số lượng người làm việc, Thông tư quy định: mỗi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có 1 Hiệu trưởng.

Mỗi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có số lượng Phó Hiệu trưởng như sau: Nhà trẻ được bố trí 1 Phó Hiệu trưởng; trường mẫu giáo, trường mầm non có dưới 9 nhóm, lớp đối với vùng trung du, đồng bằng, thành phố hoặc có dưới 6 nhóm, lớp đối với vùng miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 1 Phó Hiệu trưởng; trường mẫu giáo, trường mầm non có 9 nhóm, lớp trở lên đối với vùng trung du, đồng bằng, thành phố hoặc có 06 nhóm, lớp trở lên đối với vùng miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 2 Phó Hiệu trưởng.

Đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có từ 5 điểm trường trở lên có thể được bố trí thêm 1 Phó Hiệu trưởng.

Thông tư đưa ra quy định về Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo để từ đó đưa ra định mức vị trí việc làm giáo viên mầm non. Cụ thể, đối với nhóm trẻ (trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ), số trẻ tối đa trong một nhóm trẻ được quy định như sau: nhóm trẻ từ 3 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi – 15 trẻ; nhóm trẻ từ 13 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi – 20 trẻ; nhóm trẻ từ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi – 25 trẻ.

Đối với lớp mẫu giáo (trẻ em từ 3 tuổi đến 6 tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo), số trẻ tối đa trong lớp mẫu giáo được quy định như sau: Lớp mẫu giáo từ 3 tuổi đến 4 tuổi – 25 trẻ; Lớp mẫu giáo từ 4 tuổi đến 5 tuổi – 30 trẻ; Lớp mẫu giáo từ 5 tuổi đến 6 tuổi – 35 trẻ.

Khi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có 1 trẻ khuyết tật học hòa nhập thì sĩ số của nhóm, lớp được giảm 05 trẻ. Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo không quá 2 trẻ khuyết tật.

Những nơi bố trí đủ số trẻ tối đa theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo theo quy định trên thì định mức giáo viên mầm non được xác định: Đối với nhóm trẻ được bố trí 2,5 giáo viên/nhóm trẻ; Đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp; Đối với lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày được bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp.

Những nơi không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo theo quy định trên thì định mức giáo viên mầm non sẽ tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, cụ thể: Đối với nhóm trẻ: 1 giáo viên nuôi dạy 6 trẻ từ 3 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi hoặc 8 trẻ từ 13 tháng tuổi đến 14 tháng tuổi hoặc 10 trẻ từ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi.

Đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày: 1 giáo viên nuôi dạy 11 trẻ từ 3-4 tuổi hoặc 14 trẻ từ 4-5 tuổi hoặc 16 trẻ từ 5-6 tuổi.

Đối với lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày: 01 giáo viên nuôi dạy 21 trẻ từ 3-4 tuổi hoặc 25 trẻ từ 4-5 tuổi hoặc 29 trẻ từ 5-6 tuổi.

Quy định định mức giáo viên mầm non nêu trên cũng được áp dụng đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

Về định mức vị trí việc làm kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ thông tư nêu rõ: nhà trẻ có từ 100 trẻ trở lên; trường mẫu giáo, trường mầm non có 9 nhóm, lớp trở lên đối với vùng trung du, đồng bằng, thành phố hoặc 6 nhóm, lớp trở lên đối với vùng miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí tối đa 3 người; nhà trẻ có dưới 100 trẻ; trường mẫu giáo, trường mầm non có dưới 9 nhóm, lớp đối với vùng trung du, đồng bằng, thành phố hoặc dưới 6 nhóm, lớp đối với vùng miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí tối đa 2 người.

Mặc dù không có vị trí việc làm cô nuôi nhưng Thông tư lại mở ra cơ chế cho các trường mầm non được phép hợp đồng người nấu ăn. Cụ thể, cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 1 người theo chế độ hợp đồng lao động để đảm nhận vị trí nấu ăn.

Ngoài ra, Thông tư cho phép các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non ký hợp đồng lao động để đảm nhận vị trí bảo vệ căn cứ vào điều kiện kinh phí, nhu cầu. Tuy nhiên, số lượng bảo vệ không quá 3 người.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ cho biết, căn cứ Hướng dẫn của Thông tư liên tịch này và các quy định của pháp luật có liên quan, hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc xác định số lượng người làm việc theo vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

Nguyễn Hùng

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!