Không dễ thắp lên ngọn lửa Văn học trong lòng con trẻ

(Dân trí) - Làm một cuộc thăm dò nhỏ về môn học các con yêu thích, chắc chắn rằng tỉ lệ học sinh lựa chọn môn Văn sẽ ít hơn các môn học khác. Vẫn biết “Văn học là nhân học”, nhưng môn học này thật sự khó đối với học sinh khi đòi hỏi các con phải có năng lực cảm thụ, phân tích, bình luận, đánh giá về các tác phẩm văn học.

Đồng thời yêu cầu các con phải nắm được các kiến thức, kĩ năng sử dụng tiếng Việt, mà độ khó của nó thì đã được ví von: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Một loạt các kiểu văn bản tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính công vụ rối rắm với các đặc trưng riêng đòi hỏi các con phải tạo lập. Nếu không có năng khiếu, lòng yêu thích, say mê, hứng thú thì chắc chắn rằng học sinh chỉ học một cách đối phó với chương trình, điểm số.

Khi được hỏi về định hướng phát triển cho con, rất nhiều phụ huynh muốn con em mình phát triển các môn tự nhiên và ngoại ngữ hơn. Câu nói cửa miệng của một số phụ huynh là: “Giỏi làm gì cái môn ấy, sau này biết làm gì?”. Quả thật, môn Văn đang rất yếu thế trong cuộc cạnh tranh với các môn học khác khi lựa chọn nghề nghiệp. Thiên về các khối tự nhiên và ngoại ngữ, các con có nhiều cơ hội học tập các ngành nghề đang được xã hội ưa chuộng và cơ hội việc làm sẽ cao hơn. Chính vì vậy, chúng ta không hề ngạc nhiên khi học sinh chạy đua theo học thêm, học kèm các môn học Toán, Lí, Hóa, Anh…

Một học sinh Tiểu học hoặc THCS có năng khiếu đều các môn Văn, Toán, Anh. Trong cuộc "giành giật" thí sinh để bồi dưỡng học sinh giỏi, hầu như các thầy cô dạy Văn đều thất bại khi các con được sự tư vấn của phụ huynh ưu ái chọn Toán, Anh. Tư tưởng xem thường, chê bai môn Văn chẳng biết từ lúc nào ăn sâu vào tâm thức của phụ huynh và nhiễm vào con trẻ.

Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại với bao nhiêu điều mới mẻ từ thế giới bên ngoài đang thu hút nhiều sự chú ý của con trẻ. Mạng xã hội với các cuộc chuyện trò, kết nối gây cho các con hứng thú hơn nhiều so với đọc một bài thơ, một tác phẩm truyện. Sách tham khảo, sách văn mẫu tràn lan và một “kho” bài văn làm sẵn đang chờ đợi các con gõ chuột tìm kiếm trên Internet đã vô tình giết chết mầm tư duy, sáng tạo. Mà Văn học thì cần lắm sự sáng tạo của học sinh.

Đó là còn chưa kể đến việc một bộ phận giáo viên dạy Văn hiện nay chưa thật sự yêu bộ môn của mình. Làm sao truyền tình yêu Văn học cho các thế hệ học sinh? Cứ đến giờ là lên lớp. Bài học đã dạy nhiều năm liền nên cứ thế mà giảng. Đề kiểm tra đã có một ngân hàng đề, đến tiết là lấy ra cho học sinh làm bài. Rồi chấm bài, nộp chất lượng bộ môn… Mọi việc rập khuôn như một cái máy. Mà máy móc thì làm sao có cảm xúc, có sự hứng thú và khơi gợi niềm say mê môn học cho các con?

Giáo dục vẫn luôn dành một vị trí xứng đáng cho môn Văn khi nó là một trong ba môn học bắt buộc phải thi tốt nghiệp THPT cùng nhiều qui định khác. Chúng ta chưa bao giờ phủ nhận vai trò quan trọng của môn Văn trong việc cung cấp tri thức, rèn luyện kĩ năng và bồi dưỡng tâm hồn con trẻ. Nhưng để đảm nhận những trọng trách quan trọng ấy, việc làm quan trọng nhất vẫn là thắp lên ngọn lửa của tình yêu Văn học trong lòng con trẻ. Tuy nhiên, con đường “thắp lửa” ấy sẽ không hề dễ dàng nếu chúng ta không phá vỡ những vật cản từ trong ý thức của phụ huynh, học sinh và cả giáo viên.

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!